ZingTruyen.Top

Chuyen Cu Ha Noi Tap 2 To Hoai

Những câu ca dao Hà Nội ngày xưa:

Rủ nhau chơi khắp Long thành

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai

Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày

Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang

Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông

Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè

Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre

Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà Quanh đi đến phố Hàng Da

Trải qua phường phố thực là càng xinh...

Chỉ một đoạn vè về Hà Nội như trên, nhìn lại quang cảnh phố phường bây giờ, cũng thấy ra thành phố đã thay đổi nhiều cả trăm năm qua. Con người và cung cách sinh sống mỗi thời kỳ mỗi khác, có thể không ai muốn không ai bắt, nhưng tất cả đã phải theo với tình hình mọi mặt đời sống và lịch sử. Những phố nghề cũng thế. Phố Hàng Bừa, phố Hàng Tàn, nhiều phố có tên ở bài ca dao vừa đọc nay không còn. Bao nhiêu tên phố đã biến mất, mặc dù đường phố vẫn đấy: phố Hàng Tàn (đường Lê Duẩn), năm phố Hàng Khóa, Hàng Áo cũ, phố Thuốc Bắc, Hàng Vải, Hàng Bút nay gộp là phố Thuốc Bắc. Ngày trước, trong việc mua bán, phố xá còn phân biệt rõ hơn: phố Thuốc Bắc bán cất thuốc sống, còn thuốc bào chế rồi, thuốc đã thành thang thì sang mua ở các hiệu Tàu phố Phúc Kiến (phố Lãn Ông ngày nay).

Mà tính chất các phố nghề ở Kẻ Chợ, đây chỉ là nơi giao dịch, nơi mua bán, thường không phải chỗ sản xuất. Như phố Hàng Đồng bày bán mâm đồng, đỉnh đồng... mà đúc các thứ ấy thì thợ đúc ở Ngũ Xã. Cho nên thời trước tên đầy đủ của phố này là phố hàng Đồng Dát, Đồng Giọt (ý là dát đồng, đánh bóng đồng). Phố Hàng Giấy bán các loại giấy của các làng làm nghề giấy ở vùng Bưởi và Cầu Giấy đem xuống bày cả trăm, cả nghìn tờ trước cửa hàng. Phố Hàng Chiếu (trước gọi là phố Mới) thì người miền biển Nam Định, Ninh Bình tải chiếu cói lên, các cửa hàng buôn lại. Phố Hàng Nâu bên cạnh ô Quan Chưởng, các ông lái đường ngược cho bè xuôi xuống đậu bến Nứa, dỡ củ nâu lên phố ấy, vậy mà thành tên. Ô Đồng Lầm (chỗ hồ Ba Mẫu) có nghề nhuộm, người ở đấy gốc vùng Đồng Lầm dưới Nam Định lên cư ngụ chuyên nhuộm vải nâu non. Lại nữa, không những ở Kẻ Chợ có chợ Hàng Da, chợ Cầu Đông, chợ Hôm, chợ Đuổi cho người hàng phố, còn những chợ chỉ thiết thân với các phố nghề, như chợ tơ ở hè phố Hàng Đào có phiên ngày 1, ngày 6 thì người Tứ Tổng vào bán tơ, người Bưởi bán lụa cho các nhà buôn lụa ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai. Cái tính cách buôn bán ấy đến nay vẫn còn. Các cửa hàng bây giờ, hàng đồng hồ phố Hàng Đào, phần nhiều hàng bán buôn cho các tỉnh, kể cả trong Nam. Chỉ có điều là ngày trước các làng nghề thủ công, đánh con dao, cái bừa đem ra Kẻ Chợ. Bây giờ, phố Hàng Ngang, Hàng Đào bán đồng hồ ngoại, hàng Nhật, hàng Thái bày lẫn hàng dởm, có khi cả hàng ngoại cũng trong dây maphia. Người mua không thể tin được mắt mình và nhà hàng.

Sự đổi thay và những khác nhau ấy còn thấy ở bộ mặt từng phố. Phố thuần nghề không như ở trong làng. Làng xóm làm nghề cha truyền con nối, người ngụ cư các nơi đến chỉ được trú ngụ ở đầu làng, đầu đồng hoặc lập xóm mới. Còn ở phố, dù phố nghề, cái chính cũng là cửa hàng và cũng hợp tan nhiều theo thời thế. Có chăng, một vài nghề gọn gàng mới làm ngay tại chỗ, nơi hành nghề cũng là chỗ ăn ngủ và bán hàng, phố Hàng Tiện, phố Hàng Mành...

Lại nữa, không phố nào từ đầu đến cuối phố nhà nhà đều một nghề, một cửa hàng như nhau.

Phố Hàng Buồm, các nhà Hà Nội học còn trao đổi xem phố Hàng Buồm là buồm thuyền,

vì cửa Hà Khẩu trên sông Hồng xưa gần đấy, hay buồm là cái vỉ buồm đậy nắp cái buồm đựng đường mà phố Hàng Buồm nhiều nhà làm nghề đan buồm, đan vỉ cói. Thì phố Hàng Buồm đầu thế kỷ cũng la liệt những quán, ngành nghề khác nhau. Ở đầu phố, hai bên là những cửa hàng bán thịt lợn, thịt vịt quay (thời ấy ít thịt ngan, thịt ngỗng quay vì khách ăn tinh chê thịt ngan ngỗng không béo, hơi tanh). Bây giờ, thịt ngan lên ngôi, bún ngan, cháo ngan, tiết canh ngan. Có lẽ cũng bởi tài khéo mồm mép nhà hàng: thịt vịt và tiết canh vịt. Con vịt nuôi chỉ có mùa có lứa, còn con ngan thì người ta chăn và bán quanh năm. Bên các hàng thịt quay, bày cao những quầy những gian trong nhà bày bán lê, táo, hồng, hạt dưa Tàu lái buôn từ Hồng Kông sang.

Quãng giữa phố rải rác những hiệu ăn lớn (gọi là cao lâu) của người Trung Quốc. Đông Hưng viên, Nhật Tân, Tây Nam Tửu gia, Mỹ Kinh. Cao lâu Mỹ Kinh ra đời sau cùng, khoảng thập kỷ 40, thì cũng xuất hiện mấy hiệu cơm tám giò chả, mà bấy giờ chỉ ăn cho lạ miệng và rẻ, không phải bữa sang. Giữa quãng phố bề ngoài giầu có nhất, bên cạnh tòa hội quản hàng bang Hoa kiều, và trường học của người Quảng Đông, Phúc Kiến, có một nhà số lẻ ở chui rúc mấy chục hộ, mỗi hộ mấy người cùng chung có một cái giường, người nằm lẫn với hỏa lò, củi đuốc, hòm xiểng sau chiếc mành mành buông sùm sụp.

Cuối phố Hàng Buồm, đã ra vẻ tối tăm. Các nhà bán đường, đường cát, đường phổ, đường bánh của lái buôn Quảng Ngãi đem ra theo đường sông. Thuyền bè sông Hồng vào đậu bến Nứa, kể cả khi sông Tô Lịch chỗ Hà Khẩu đã bị cát bồi mất bến và thành phố đã lấp cửa sông. Các hàng đường lúc nào cũng nhớp nháp, ẩm thấp, những bao tải đường ướt xếp lên sát trần nhà. Nhặng xanh và ong bay à à suốt ngày trên lòng đường phố quãng này.

Lại như phố Hàng Giấy, bên những cửa hàng bán giấy moi, giấy bản, còn nhiều nhà bán gạo, vì đây cạnh phố Hàng Gạo và chợ Gạo. Xưa kia, phố Hàng Giấy cũng có nhà hát ả đào. Thuở ấy, thành phố chưa lan tràn nhiều nhà hát ả đào như sau này các nhà hát xuống Vạn Thái, hăm bốn gian cuối đường Huế và các vùng ven thành ở Vĩnh Hồ, Ngã Tư Sở, Thượng Cát. Các nhà hát ả đào thời phố Hàng Giấy chỉ có đào hát kép đàn, chưa thêm cô đầu rượu, - như bia ôm, hát ôm, ăn ôm, tắm ôm bây giờ. Khách tao nhã đến nghe hát, thưởng thức bài thơ, bài hát đôi khi của mình và bè bạn làm ra.

Sau rồi nhà hát ả đào chuyển xuống phố Khâm Thiên thì thời buổi đã nhố nhăng, nhà hát tương tự nhà thổ chứa gái điếm. Không còn thuần, nhưng "đi hát Khâm Thiên" vẫn là nơi sáng giá nhất. Tuy vậy, cũng không phải phố Khâm Thiên (dài 1.170 thước, từ đường Hàng Lọng - Hàng Tàn đến ô chợ Dừa - Đường phố Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc) tất cả là phố nhà ả đào. Chỉ có một số nhà hát ở quãng giữa, chỗ Cống Trắng. Ngoài ra, ánh đèn các hiệu ăn uống sóng đôi với nhà hát và các cửa hàng gạo, hàng xén và nhiều lò may. Không phải Khâm Thiên bây giờ mới được tiếng là phố cho người ta đến sắm sửa, may mặc, mà các lò may khéo quần áo ta, vải vóc quí, mỗi nhà có một hai cái máy khâu đã chiếm số đông nhất phố Khâm Thiên bấy giờ.

Sự đổi thay, đan cài các phố nghề còn do khi làm ăn phát đạt người ta buôn to bán lớn, nổi lên nhiều nhà giàu có. Giữa các phố nghề lụp xụp, chen chúc cửa nhà, đình đền có những dinh cơ đồ sộ kín cổng cao tường của những nhà buôn, nhà làm nghề nên triệu phú: Cửu Nghi Hàng Bồ, Lê Thuận Khoát, Quảng Hưng Long, Chấn Hưng Nhà Đỏ Hàng Bạc.

Lại cũng thời kỳ thành phố mở rộng ở các phố nghề còn chung đụng những nhà làm để cho thuê, đấy là nơi ở những người đi làm công tư sở, nhà buôn nhỏ. Và đã hình thành ở nhiều khu vực nhà của người khá giả vì làm công chức như khu các phố quanh chợ Hôm và vùng những người ở các nơi về Hà Nội làm nghề lao động lam lũ: kéo xe, đi ở, phu hồ, khuân vác, culi... Những người này ở gầm cầu và lan ra các bãi nhà lá dọc sông Hồng, từ Nghĩa Dũng xuống Phúc Xá.

Ngày nay, cứ như tự nhiên vì sự nảy nở qua lại của đời sống nơi trung tâm cả nước, các chợ và các phố nghề đang dần dần mọc hình thù trở lại. Nhưng không thể và không bao giờ có một phố toàn nhà một nghề như tên phố và trong tưởng tượng xưa nay. Những phố nghề liên quan tới đòi hỏi của cuộc sống hôm nay, lại được thấy vui mắt.

Phố Hàng Thiếc, làm các đồ thô bằng tôn, bằng thiếc, vẫn sản xuất đồ chơi tết tháng tám Trung thu cho con trẻ. Phố Hàng Chiếu, bán chiếu. Phố Hàng Da, phố Hà Trung, các thứ đồ da, giả da. Phố Nguyễn Hữu Huân (trước là phố Bắc Ninh) chuyên bán giường tủ, bàn ghế đồ gỗ, bây giờ lại lác đác cửa hàng đồ gỗ - nhưng các hàng "trang trí nội thất" còn rải rác các phố khác nữa.

Tôi đã thấy trong khu phố cổ ở Le Caire thủ đô Ai Cập có những cửa hàng bán đồ trang sức theo cung cách cũ. Những ông thợ bạc, thợ dát vàng ngồi trước cái bễ, vừa kéo bễ vừa cầm búa đập, dát những vòng tay, nhưng chiếc "lắc" kỷ niệm. Khách nước ngoài đứng quanh đợi mua hàng đặt ông thợ thủ công rèn dũa, nhìn ngắm dáng dấp người thợ cũ kỹ, râu dài, hút cái điếu như điếu bát - bát bằng hộp thủy tinh, và quàng mảnh tạp dề xanh đậm.

Ở Hà Nội phố Hàng Bạc ngày trước đã tương tự thế. Không phải bắt chước, không phải mới nghĩ ra, mà phố Hàng Bạc xưa kia là vậy. Người trong làng ra Hàng Bạc, đánh bộ xà tích, khách ngồi đợi xem ông thợ bạc dũa và mài bóng cái ống vôi bạc - vôi để ăn trầu. Khách hàng đặt làm đôi khuyên, đôi hoa tai vàng, cái vòng cổ, sợi dây chuyền. Ông thợ và thường cũng là chủ hiệu, lò đấy, đe đấy, đồ nghề đấy, ông kéo bễ, đập dát ngay cho khách ngồi đợi.

Hãy thêm cho cái thích thú của du khách được xem người thợ làm. Dạo chơi Hà Nội ba mươi sáu phố phường không phải chỉ thấy nhà cửa, đường xá và những đầu hồi chuôi vồ, lỗ cửa mắt bò xa xưa còn lại, mà còn được xem mọi sinh hoạt, công việc làm của người Kẻ Chợ ở phố nghề.

Tưởng như, theo những câu ca dao về phố nghề mà làm cho sống lại hôm nay của một thời, bên trong cái phồn hoa đô hội mới thật ra sắc thái riêng.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top