ZingTruyen.Top

Chuyen Cu Ha Noi Tap 2 To Hoai

Cưới là phong tục, nếp sống, nét văn hóa lâu đời của dân tộc và xã hội từ quê ra tỉnh. Từng thời gian, có những chi tiết khác nhau, nhưng ý nghĩa và tinh thần việc cưới xin thì đã nghìn xưa, thời nào cũng như một. Lễ cưới, đám cưới là cái mốc quan trọng, quyết định trong đời người, chẳng những đối với trai gái thanh tân mà cả những tay đôi đi bước nữa, rổ rá cạp lại ở lứa tuổi nào cũng đều được coi là trân trọng, thành kính như vậy.
Phong tục lâu năm đã thành hèm, thành luật như cùng huyết thống đến như thế nào thì không được lấy nhau (luật hôn nhân gia đình) và cưới phải có giá thú (giấy đăng ký kết hôn). Ở trong làng, ngày trước, các việc sinh, tử, giá thú thì người hộ lại giữ sổ. Ở thành phố, đôi vợ chồng mới lên tòa đốc lý làm giấy giá thú. Bây giờ vẫn tương tự như vậy. Riêng lệ cheo làng - trai lấy vợ làng khác thì phải có lễ cheo nộp làng nhà vợ, tục này nay không còn.
Những nhiêu khê, phiền hà đều nên thay đổi. Nhưng đừng hôm trước hôm sau đã khác và làm rồi lại bỏ, vì bao giờ cũng thế, mọi việc phải làm có nền nếp rồi mới thành phong tục. Một dạo ở Hà Nội, cấp quận tổ chức đăng ký kết hôn. Lễ làm trên hội trường, phó chủ tịch quận long trọng trao đăng ký và dặn dò cô dâu chú rể, có hai họ chứng kiến. Được ít lâu rồi bỏ, lại về phường về xã, chú rể ra xin cái giấy chứng nhận, cầm về như cầm cái biên lai đóng thuế!
Mỗi thời có lệ, có thói quen khác nhau, nhưng phong tục cưới thì vẫn nguyên, nhiều năm đã qua, kể cả hai thời kỳ kháng chiến, trong đơn vị hay ở cơ quan, cả ở những vùng gian khổ chiến đấu, nếu một đám lấy nhau, thế nào cũng có một hình thức thích hợp được tổ chức, như vậy cũng là đám cưới, cũng để lại những kỷ niệm sâu xa nhớ đời.
Ngày trước, nhiều lễ lạt dềnh dàng lôi thôi nhưng thú vị và ý nghĩa, người ta sẵn sàng lo. Đầu tiên, đã mối manh xuôi chèo mát mái rồi thì nhà trai đi chạm mặt (chạm ngõ, vấn danh) rồi ăn hỏi, xin cưới. Trong ngày cưới có tế tơ hồng, lễ gia tiên - đôi nơi, lễ sống cha mẹ, ông bà. Khi đã có đi lại, nhưng chưa cưới, nhà trai phải sêu tết, mùa nào thức ấy, nhất là tháng tám, nhà trai đem lễ siêu hồng, cốm, dưa hấu, đôi ngỗng. Và những dịp nhà gái có việc từ cúng cất nóc, giỗ chạp, người con trai đều đến nhà gái làm giúp và ăn cỗ như đã là người trong nhà. Những lễ tết sêu tết trên nhiều nơi đã bỏ, nếu không thì cũng giản dị hơn. Chỉ là đánh tiếng, được hai nhà thỏa thuận hoặc đôi bên đã yêu nhau rồi về thưa với gia đình. Luật hôn nhân đã quy định: trai gái đến tuổi thành niên được tự quyết định việc hôn nhân.
Cũng như việc thách cưới, chẳng còn chuyện mặc cả, nài ép, không đâu có trường hợp đòn thù truyền kiếp hay gả chồng như mua bán con, bỏ mất ý nghĩa chính của việc thách cưới là cho "đẹp mặt". Nhiều đám, thách to đấy, nhưng rồi bên nhà gái cho cô dâu của hồi môn còn nhiều hơn, nào ruộng, nào tiền. Ngày xưa đã vậy.
Các tục lệ nhỏ, như chăng dây, đóng cửa nhà gái để nhà trai phải cho trẻ con tiền mới mở cho đám đón dâu vào, hoặc cô dâu phải bước qua hỏa lò, mẹ ném nắm muối theo chân con gái vừa bước ra, hay là ông cụ cầm hương trịnh trọng đi đầu. Rước dâu về rồi, đôi cụ ông cụ bà song toàn, con cái đề huề vào trải chiếu giường cô dâu chú rể. Những cái ấy phần nhiều không còn giữ.

Nhưng vẫn lệ nhà trai gái phải có người vai vế biết ăn nói đối đáp vui và chững chạc trong lễ đón dâu và các bạn trai gái phù dâu phù rể thì ăn diện bảnh bao và nhất là tục mẹ đẻ không đi đám cưới đưa con gái về nhà chồng bây giờ vẫn thế. Ngày vui của con gái, nhưng với mẹ có con gái về nhà chồng vừa là vui lại vừa là thương, mẹ không đi đưa dâu và con gái thì sa nước mắt.
Quần áo của cô dâu chú rể, trước nay đều được quan tâm trong đám cưới, nhất là cô dâu. Ngày trước, giàu nghèo thế nào chẳng kể, nhưng xống áo cô dâu khác ngày thường. Bộ cánh mặc hôm cưới, nhiều cặp vợ chồng còn giữ mãi để đến khi già làm kỷ niệm. Bây giờ thường đi thuê váy năm tầng trắng toát, mặt chùm chàng mạng, lại mượn người cửa hàng thẩm mỹ đến trang điểm cho cô dâu, đánh phấn, bôi son, kẻ lông mày. Kiểu cách và váy áo như thế là bắt chước phim ảnh nước ngoài, đầu tiên còn xì xào là lố lăng, thế mà rồi quen mắt dần và hiện nay mọi cung cách quần áo tân thời ở thành thị đáng chê cười này đương lan dần đến các làng xóm xa.
Về cỗ bàn, tùy nhà có hoặc nhà nghèo, nhưng thế nào ngày vui cũng tốn kém vài ba mâm. Bây giờ, có nhà tính lỗ lãi trong mâm cỗ cưới. Trước kia, chia vui với gia đình có hai vế: người sơ hoặc ở xa thì nhận thiếp báo hỉ; bè bạn thân và họ hàng ruột thịt thì báo hỉ kèm giấy mời ăn cỗ. Người tiệc trà ăn kẹo bánh và trà nước dự tiệc "vỗ tay" và người đi tiệc mặn, khác nhau.
Bây giờ giấy mời vừa báo hỉ vừa mời chén luôn. Vâng, người đi ăn cỗ nhiều lắm, có đám cỗ cưới cả bạn bè cô dâu chú rể, họ hàng và người thân của bố mẹ, đông đến hàng trăm, mấy trăm khách.
Nhưng phải biết tính khéo chứ không thì chỉ có lo. Bởi làm cỗ, nhưng chẳng phải làm, vì tiệc thì đặt ở nhà hàng, nhà khách cơ quan, đặt hàng trăm mâm là thường. Khách đến dự, có phong bì tiền, cô dâu chú rể đi từng bàn chào khách, với bố mẹ hoặc người thân đi cùng để thu phong bì khách mừng đã đưa ngay ở bàn như trả tiền ăn.
Sắm sửa và cỗ bàn đám cưới như thế thật lai căng và đấy lại là hủ tục mới.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top