ZingTruyen.Top

Chuyen Cu Ha Noi Tap 2 To Hoai

Đọc truyện Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi thấy vào mùa nước nổi, đêm nghe ngoài đồng như có bao nhiêu cơn mưa, mưa trận xa xa gần gần. Không phải mưa, đấy là khi mùa lũ có nước lớn về trong đồng, những đàn cá lóc, cơ man triệu triệu con cá lóc đi thành một giải đen sì vừa bơi vừa nhảy ra sông lớn lướt trên cọng lá súng, lá trang, bèo lục bình. Đến rạng sáng lại lặng tờ, rồi đêm sau cá lại đi rào rào. Còn mưa, nước càng lớn, cá ăn đàn càng đi nhiều.
Ở huyện Mường Khổn bên Lào, sông Mê Kông về, chảy quanh ôm đến trăm hòn đảo vào lòng rồi cả dòng nước đâm vào núi mọc giữa sông, trong khi hai bên bờ sông là bãi bồi bằng phẳng, những luống ngô được trồng xuống gần mép nước. Dòng sông hung dữ thúc vào các khe đá, réo ầm ầm đêm ngày, xa mấy quãng rừng hàng chục cây số vẫn nghe tiếng thác, nhưng sang bên kia núi vào tỉnh Stung Treng đất Camphuchia, mặt nước con sông mẹ ở dưới xa lại phẳng lặng như tờ. Đấy là thác Mường Khổn, thác Ly Phi mà ngày trước trong sách Quốc văn Giáo khoa thư bậc tiểu học có bài văn miêu tả cái thác hùng vĩ này, trong sách gọi là Thác Khôn, như Nguyên Hồng đã kể tên trong bài thơ Cửu Long giang ta ơi! Đấy cũng là nơi du lịch kỳ thú, người Pháp đã dựng từ xưa mấy cái nhà "boong ga lô" hai bên bờ sông, cho khách đến chơi ngắm sóng, nghe nước réo.
Vào mùa nước nổi, những đàn cá bơi ngược dưới Stung Treng lên đến đấy vấp núi, nhao nhao nhảy như mưa lên thác. Cá vướng núi nằm trắng xóa mặt đá. Các làng hai bên sông xưa nay làm nghề cá mà đặc biệt không thuyền không lưới. Đến mùa nước, chỉ ra công đi nhặt cá vượt thác mắc vào đá tảng mà có cá ăn cá bán quanh năm.
Đấy là những quang cảnh về cá ngược nước. Quê tôi, cũng có cá ngược nước khi mưa tới, nhưng chỉ cỏn con bé nhỏ thôi. Dẫu vậy, cũng là ước mong của con cá cả mùa cạn quanh quẩn ao tù bây giờ được dịp bay nhảy. Những con cá rô rạch. Cá rô rạch là những con rô cụ mình đen nhoáng to bằng bàn tay, vây và ngạnh cứng như thép. Bọn nhãi nhép rô con chỉ kiếm ăn bên cầu ao rửa bát không thể đủ lực rạch được.
Đã sang mùa hạ, hoa gạo nở đỏ khè bên kia sông Tô Lịch, nắng mới càng chói chang, gay gắt. Từ sớm trên cây đã ríu rít, líu lo từng đàn chim. Chẳng kể những con vành khuyên, con chích bông chuyên bắt sâu cắn lá thấp thoáng qua lại cả ngày. Họ nhà quạ đến đậu cành la, nhưng làm tổ trên những cành bổng. Đàn sáo sậu náo loạn trong cây, tiếng choang choác như đám cãi nhau to.
Giữa trưa giãi nắng, tiếng chim đàn càng inh ỏi. Chốc chốc những con sáo bay đổi cành nắng khác, khát quá, há mỏ ra, thế mà cũng vẫn tiếng râm ran khắp cây.
Đến một lúc, bọn trẻ chơi dưới gốc gạo để ý thấy trên cây bỗng im phắc. Những cái hoa gạo càng đỏ ối giữa nắng lửa. Lạ chưa, tự dưng vắng bặt thế này là làm sao? Cái gì thế? Ngoài cánh đồng, một đám mây đen kín chân trời đương đùn đùn tới. Mưa, mưa to đến nơi. Thì ra những con chim cảm được hơi nước, đã bay tránh mưa.
Đám mây đen nặng trĩu là là trên cánh đồng, gió xô vào xốc điên đảo các lũy tre, thế là mưa xuống. Tiếng mưa sàn sạt như cát bay, chớp mắt đã trắng xóa cả. Cơn gió ẩm ướt lạnh mát. Những hạt đầu tiên như mưa đá, bước chân mưa đi dẫm lộp độp trên tàu cau, tàu chuối và những giại nứa đương khô cong. Nước trút xuống, những con gà trụi ở đâu nhô ra luống cuống chạy mưa. Cánh gà thưa lông, mưa quật như ngọn roi quất đỏ thắt lưng, cái cổ rụt lại.
Lũ trẻ con trốn vào tránh mưa trong thềm hè đứng rúm ró, ngẩn ngơ nhìn ra. Trên sân, bụi đất, hơi nắng hơi nước ngùn ngụt bốc lên, âm ấm, ngai ngái lùa vào nhà. Chẳng mấy chốc cả bốn vách, nước chảy xối trong các rãnh ngầu bọt đỏ.
Ngấn nước đã trắng mờ lưng bụi tre. Ngoài ngõ, trong mưa nghe tiếng chân người lạch bạch. Người đội rổ, đội thúng, xách giỏ chạy ra cổng đồng, đi bắt cá rô rạch.
Suốt mùa hanh hao, bây giờ ngửi thấy mùi nước mới. Những con cá thiểu, con mài mại, con rô con cũng ngo ngoe tung tăng. Con ếch ngồi ngậm hơi suốt mùa đông đã đạp vỡ cái mà đất rồi nhảy ra. Chỉ có con trạch, con trê cả đời rúc ráy trong bùn thì chẳng biết mô tê gì. Các loài trong nước, khi mưa đầu mùa xuống đều ngứa ngáy đi đâu đó, nhưng chỉ những cá rô cụ mới rạch được. Các loài cá trắng không ngạnh thì đợi đấy, bao giờ đến được thác Mường Khổn bên Lào thì cứ việc nhảy lên chết phơi mình trên đá. Bức tranh "cá vượt vũ môn" vẽ con cá chép lừ đừ trên ngọn sóng, cổ tích gọi là cá đi thi, cá đi ăn thề chỉ là cái vẽ tưởng tượng.
Trong làng, rải rác các xóm đều có những cái ao. Ao nhà, ao xóm, ao đình, ao làng. Mưa rào xuống, những đàn cá náo nức bơi ao này qua ao khác ra đến ao đình cả nước nhất. Nhưng cá rô không theo đường dễ ra ao đình, như những con cá chép rô ron đã đánh hơi theo rãnh nối đuôi nhau ra ngoài hào chắn lũy tre. Ở hào có những lạch xẻ, mùa cạn người ta tát nước hào ra ruộng làm màu, làm mạ.
Ra đấy đã tưởng như thấy được ngoài kia, mênh mông đồng sâu tiếp đến trắng nước sông Tô Lịch. Nhưng chỉ đứng đấy. Đám cá rô rạch ra ao đình, mưa vẫn ồ ạt trong gió đùng đùng. Ngọn tre ngả nghiêng lắc một cái, tổ cò rơi bộp xuống hào nước. Cả nhà cò bợ bơi lội quáng quàng lên nấp trong gốc tre. Mưa càng ràn rạt, mờ mịt. Những cá rô đến đầu bờ đã đánh ngạnh bò lên khỏi mặt nước. Hai đầu ngạnh bạnh ra như người đi nạng, cả mình cá vảy dựng đứng. Con cá nghiêng ngả bò có lẽ đã không biết đã lên mặt đất, bởi mưa vẫn trắng đất trắng trời, có thể cá ngỡ còn đương trong nước, đương bơi. Đằng xa, dưới đồng lẫn dòng sông, hơi nước ngọt ngào mát rượi đưa lên.
Ở các đầu cống, lố nhố những người đội mưa đi bắt cá. Cái rổ, cái thúng, cái giỏ đã mở hom. Những con cá rô rạch qua, trời vẫn tầm tã, chẳng biết mối nguy hiểm đương ụp xuống. Đàn cá ăn lên quẫy vào rạch ngược, bị gạt lăn vào rổ, vào thúng, vào giỏ, lổm ngổm như cua bò.
Một lúc, tạnh mưa, trời quang thình lình. Từng tảng mây trắng như bông nõn giữa trời xanh trong. Nắng loang loáng nước trên những khoanh tre, những cây móc diều, những hoa gạo đỏ ối, hớn hở. Đàn sáo sậu, sáo đá lại à ra trên cây gạo, ríu rít vang động.
Lối ra đầu đồng, người bắt cá đã về hết. Bây giờ tôi mới dò ra. Ở rãnh, chỉ có lầy lội vết chân trong những đống bùn đất thó. Thế mà nhòm xuống vẫn còn một con cá rô cụ. Cụ cá đen ngòm như màu bùn chắc là vừa lạch lên được đến bờ hào thì tạnh mưa. Rô cụ mải miết lên dốc. Hai cái ngạnh chống xuống, nhích mình lên, nhấp nhô. Cá rô đánh ngạch như đâm dáo, chảy máu tay, buốt lắm. Nhưng thấy rô cụ, tôi quên cả sợ. Tôi lựa nắm đầu cá, nhấc lên ném vào bãi cỏ. Được rồi. Con rô to xụ nướng lên được hẳn nồi canh rau muống tương gừng.
Trong thành phố, có những trận mưa đầu mùa, nước sông hồ tràn vào lòng đường. Cá rô trong hồ theo nước cống, có khi cả rắn mòng, rắn hổ mang cũng bơi vào phố quanh hồ Thiền Cuông ngập nước.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top