ZingTruyen.Top

Full Vi Thanh Gui Lai

Khi hai chúng tôi đến nơi thì trời cũng đã hửng nắng được một lúc. Lam thích thú cởi áo khoác rồi gấp gọn, để ở cốp xe tôi, nhanh nhảu chạy vào khuôn viên trường. Lam bước vội tới mức thỉnh thoảng tôi phải nhắc em cẩn thận kẻo trơn trượt.

Ngày cuối tuần, chuyên Việt Ninh dường như hơi vắng vẻ hơn thường lệ. Đi qua từng góc sân, chỗ nào tôi cũng gợi nhắc tôi về những kỉ niệm cũ. Nào là phòng thư viện nơi tôi phát hiện ra trang blog của Lam, nào là dãy hành lang nơi tôi và em có nụ hôn đầu khi bầu trời trước mặt đã tối như mực, cả nhà thi đấu nơi tôi từng lén nhìn em ngồi trên khán đài trong phút đưa tay lau những giọt mồ hôi giữa từng trận bóng rổ. Tôi dạo bước, thỉnh thoảng lại nhìn sang Lam, tự hỏi không biết em có thấy những gì tôi đang thấy, có nhớ những gì tôi đang khắc khoải...

Chầm chậm qua từng góc sảnh, Lam chợt dừng lại.

- Anh nhìn này!

Em chỉ vào bóng của hai đứa đổ dài trên bức tường bên cạnh. Lam thích thú lại gần cái bóng của tôi, chạm lên phần đỉnh đầu. Tôi tỏ ra khó hiểu:

- Em làm gì thế?

- Em xoa đầu anh. - Lam nhoẻn cười. - Anh cao như thế, chẳng bao giờ em với tay được quá đầu.

Tôi cười, bước đến gần em, chầm chậm cúi xuống.

- Này, xoa đầu đi.

Lam ngập ngừng, nhưng cũng từ từ chạm lên mái tóc tôi, nhẹ nhàng vuốt. Cảm nhận từng ngón tay em êm êm khiến tôi cứ thế nghiêng mình, dựa hẳn đầu vào vai em. Lam chợt sững người lại, cố gắng giữ thăng bằng. Mùi hương trên vai em hòa với nắng trời ấm dịu, xóa đi chút se se đầu đông.

- Em xoa tiếp đi.

Tôi nhỏ giọng nói qua vai em. Lam chần chừ rồi cũng chạm lại vào mái tóc tôi, động tác vẫn dịu dàng như cũ. Giây phút đó, tôi rất muốn nói với em rằng, những năm tháng không có em thực sự chẳng hề dễ dàng. Dù tôi cố tỏ ra là mình ổn mỗi lần hai đứa gọi cho nhau, nhưng sâu thẳm trong lòng, bao ngày chật vật ấy, tôi nhớ từng cái chạm của em đến tê dại. Được một lúc, tôi thì thầm:

- Không đẩy anh ra à?

- Không.

Tôi ngạc nhiên:

- Tại sao? Không nỡ hả?

- Sắp đến sinh nhật anh rồi mà. Coi như quà mừng thọ anh!

Tôi cười, dù không nỡ nhưng cũng đành rời khỏi em vì sợ bờ vai kia sẽ sớm mỏi. Nhìn về phía xa, chúng tôi quyết định đi vào căn phòng mà khi trước còn là lớp Anh 2. Mọi thứ dường như chẳng có gì đổi thay, vị trí của tấm bảng dài, giá sách và từng vật dụng vẫn y nguyên như cũ, những ô cửa kính rộng rãi kia vẫn rực sáng khi ánh hoàng hôn xuyên qua, đậu trên từng dãy bàn thẳng tắp. Nhìn xuống bên dưới, khung cảnh hai đội bóng rổ đang luyện tập lôi cuốn tôi và Lam.

- Anh chọn đội nào?

- Em chọn trước đi, anh "bắt" đội còn lại.

Nghe thấy thế, Lam nhanh nhảu:

- Vậy em chọn đội áo đỏ.

Chúng tôi cứ thế thảo luận về trận đấu tập hăng say ấy. Xen giữa vài câu cảm thán của em là những pha hò reo dưới sân vọng lại. Dõi theo từng con người máu lửa dưới sân, tôi chợt nhớ đến bản thân những năm cấp ba. Cũng như cậu trai kia, bị huých trúng đến mức chảy máu mũi nhưng vẫn cười để cô bạn sốt sắng bên cạnh an tâm hơn. Cũng chẳng khác cầu thủ hồi bên rìa sân nọ, ánh mắt ánh lên sự chờ đợi để được vào nhập cuộc cùng đồng đội. Lam thích chí reo lên:

- Đội em chọn thắng rồi nhé!

Tôi cười, chẳng nói gì, chỉ âm thầm nhìn ngắm vẻ rạng rỡ trên gương mặt em.

Ừ thì, em lúc nào cũng thắng hết.

Kết thúc trận một lúc, khi các bạn học sinh rời đi thì chúng tôi cũng quyết định ra khỏi phòng học. Nhưng lạ thay, cánh cửa cứ kẹt cứng lại, mặc cho tôi ra sức đẩy. Hé mắt nhìn qua khe nhỏ, tôi nhận ra chúng đã bị khóa từ lúc nào. Tôi nhớ tầm giờ này các bác bảo vệ hay đi qua từng phòng học để khóa cửa và cúp cầu giao các tòa. Có thể hôm nay không phải ngày học và khu này cũng không có lớp nào đang dạy nên chẳng được kiểm tra kĩ. Tôi cố gọi lớn nhưng không thấy ai bên ngoài cả, lục tung danh bạ trên điện thoại nhưng chẳng tìm được ai trong khoảng bán kính này có thể đến giúp.

Trời cứ tối dần, xung quanh chỉ còn ánh đèn nhàn nhạt ở ngoài sân trường là còn chút lập lòe. Tôi và Lam bật flash trên điện thoại, dò dẫm tìm cách thoát ra ngoài. Tôi lấy giấy và bút lông, viết dòng chữ để báo hiệu sự tình bị mắc kẹt của mình rồi dán lên ô kính trên cửa ra vào. Mãi mà chẳng có động tĩnh gì, chúng tôi đành phải liên lạc để sắp xếp các công việc sáng mai vì sợ không thể về Hà Nội kịp, nhất là khi điện thoại không còn nhiều pin. Tình trạng của Lam cũng chẳng khá hơn, thậm chí em còn phải gọi điện xin được thông cảm, gương mặt căng thẳng rõ rệt.

- Dạ, em sẽ không lùi quá 24 tiếng đâu ạ.

Tôi thở dài, đứng tựa vào bàn học, hướng mắt nhìn ra ngoài khung cửa sổ. Lâu rồi tôi mới có dịp nhìn trời sao như thế. Khung cảnh lộng lẫy ấy hiện ra với hết thảy những lấp lánh rải rác trên tấm thảm trời bao la. Trong sự im lặng bao trùm mọi thứ, tôi thấy Lam từ từ đến gần, chăm chú cùng tôi ngắm nhìn cảnh vật trước mặt.

- Nhìn đẹp thật đó...

Thấy Lam khẽ rùng mình, tôi cởi chiếc áo khoác bên ngoài ra, phủ lên vai em. Lam định từ chối nhưng vì có vẻ cũng đang mệt cũng như thấy vẻ kiên quyết của tôi nên em đành nhận lấy.

- Ấm ghê, cảm ơn anh.

Tôi cố trấn an Lam, mặc dù trong lòng cực kì sốt ruột:

- Mai là lễ kỉ niệm, kiểu gì cũng sẽ có người đến nên chắc không sao đâu.

Lam không nói gì, dường như em còn mải nhìn ra bầu trời xa xăm trước mặt. Im lặng một hồi, em chợt cất giọng:

- Anh có nhớ hồi năm lớp mười, lúc anh cố tình gợi ý cho cả phòng thi không?

Tôi lục lại kí ức trong đầu. Ngày đó, tôi đã mạo muội nói với giáo viên coi thi là hình như câu cuối đề bài bị sai, "những câu khác em ghép đồ thị thì vẫn ra nhưng câu này lại không được", thế là cả phòng thi hiểu ngay rằng các bài trước có thể thử ghép đồ thị. Lần đó tôi đã phải chắc chắn rằng giám thị không dạy Toán, nếu không thì trò của tôi sẽ lộ mất.

- Có, anh nhớ.

Em tiếp tục:

- Năm lớp mười hai, giám thị lần đó tình cờ dạy thay cho lớp mình một tiết, cô kể với bọn em rằng cô biết thừa rồi. Cũng từ đợt đó mà cô ghim tên anh luôn đấy, còn bảo Anh 2 truyền thống toàn mấy đứa liều.

Tôi ngạc nhiên:

- Thật à?

- Ừ. Cô bảo, "mười mấy năm đi dạy, tôi nắm có thiếu trò nào của các anh chị đâu". Nhưng cô muốn nhắm mắt cho qua, tại cô thấy tổ Toán trường mình hay ra mấy bài lắt léo quá, suốt ngày đánh đố học sinh. Em vẫn nhớ lần đó cô đồng cảm với bọn em lắm, nào là "những học sinh phải khá thế nào mới thi đỗ vào đây, ai dè bị trường thường cho mấy con điểm trông đến thảm."

Tôi cười:

- Thầy Thanh còn bảo, "ra đề dễ là coi thường các em" nữa chứ.

- Nên hồi ấy, đối với môn Toán thì em chỉ còn cách cắm mặt vào học. Một là học, hai là điểm dưới trung bình.

Lam cười khúc khích, còn kể với tôi những chuyện khác hồi lớp mười hai, khi tôi đã du học. Trong phút chốc, chúng tôi chợt quên đi rằng, những ngày phía trước mình vẫn là guồng quay bất tận của công việc. Theo năm tháng, rồi những câu chuyện thời cấp ba cũng sẽ lùi dần vào dĩ vãng mỗi người.

Mãi mãi.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top