ZingTruyen.Top

Fyodor Dostoevsky Lu Nguoi Quy Am

Chương Sáu

PIOT'R VERKHOVENXKI VẤT VẢ

1

Ngày lễ đã ấn định rồi, nhưng ông Lembke càng lo buồn thêm. Ông chỉ thấy toàn là điềm gở, làm bà cũng rối cả ruột. Thật ra, mọi chuyện cũng không được như ý cho lắm. Quan tổng đốc tiền nhiệm vốn người hiền lành đã giao lại cho ông một cái tỉnh chẳng ra gì: nào là mầm bệnh thổ tả, nào là chứng dịch súc vật lên cao tại đôi chỗ, nào là các vụ hỏa hoạn khắp chợ cùng quê suốt mùa hè, và các tin đồn hoang mang về đốt nhà phá hoại ngày càng tràn lan. Con số trộm cướp và bạo hành tăng gấp đôi. Tuy thế, mọi chuyện cũng còn khả dĩ lo cho êm thấm, nếu không có những sự việc khác xảy ra làm quan tổng đốc, từ trước tới nay vẫn hạnh phúc, phải mất ăn mất ngủ.

Điều làm cho bà tổng đốc âu lo nhất là ông ngày càng trở nên lặng lẽ và kín tiếng một cách kỳ lạ. Không biết ông có chuyện gì giấu bà? Thực ra thì ông mấy khi trái nghịch với bà, ông đã cho thực thi vài ba biện pháp nhằm củng cố uy quyền tổng đốc, tuy rằng không được hợp pháp cho lắm. Cũng với mục đích đó, dăm vụ vi phạm thực là nặng nề đã được khoan thứ, và những người lẽ ra phải tống giam hay đày đi Xibir, nhờ bà xin đã được thăng chức hay ban thưởng. Rồi một số vụ điều tra và chất vấn cũng bị cố tình làm ngơ. Tất cả những chuyện đó sau này mới sáng tỏ. Ông Lembke không những bảo gì ký nấy, mà còn không hề thắc mắc gì về việc bà vợ can thiệp vào những việc trong phần vụ của ông. Nhưng có thể bất thần ông làm ầm ĩ lên vì những "cái lăng nhăng", và điều này luôn luôn làm bà sửng sốt. Hiển nhiên là những phút nổi loạn kia là để bù trừ cho những ngày dài phục tòng. Mặc dù tinh nhanh và trực giác bén nhạy, bà Lembke không sao hiểu nổi cái nhu cầu tế nhị này trong cái nhân cách cao thượng của chồng. Hơn nữa, đầu óc bà còn bận túi bụi bao chuyện khác đâu có rảnh mà lo tìm hiểu. Hỡi ôi, cơ sự vì thế mà sinh ra vô số ngộ nhận.

Ở đây chủ điểm của tôi không phải là những việc ấy. Hơn nữa, tôi thấy mình không đủ thẩm quyển thảo luận. Việc của tôi không phải là bàn về các khuyết điểm hành chính, và tôi sẽ loại bỏ tất cả khía cạnh này của vấn đề khỏi cuốn truyện. Khi ghi lại những biến cố đó, tôi có một chủ đích khác. Vả chăng, cuộc điều tra đương tiến hành ở tỉnh nhà do chính quyền trung ương chắc chắn sẽ đưa nhiều sự kiện ra ánh sáng, chúng ta chỉ cần đợi thêm ít lâu nữa. Tuy vậy, có những điều không giải thích không xong.

Đây nói về chuyện bà Lembke. Tôi thật tiếc thay cho bà. Con người như bà có thể đạt được mọi điều ham muốn (danh vọng cũng như mọi thứ), mà không cần phải đi đến những biện pháp liều lĩnh và dính dáng vào những phong trào bạo động và quái gở, như bà đã nhúng tay vào ngay từ khi mới bước chân đến đây. Không biết đó là do sự lãng mạn quá độ của bà, hay là do những thất bại liên tiếp và đau buồn thời thanh xuân, khi mà vận may thình lình tới, bà cảm thấy mình như được "ơn thiêng liêng" kêu gọi để thực hiện những việc vĩ đại, như một kẻ được "chọn lựa" giữa tất cả mọi người. Trăm thứ rắc rối đều nằm trong cái "ơn thiêng liêng" kia, bởi dù sao nó cũng không phải là một cái búi tó đơn giản nằm yên trên đầu bất cứ người đàn bà nào. Nhưng làm thế nào thuyết phục một người đàn bà chịu nghe ra chuyện đó. Thế cho nên, bất cứ ai vuốt ve cái ảo tưởng kia của bà đều được bà hậu đãi; và thiên hạ thi nhau nịnh hót bà. Chẳng bao lâu, người đàn bà đáng thương đó trở thành cái đích cho đủ mọi hạng người tìm cách lung lạc, trong khi bà cứ ngỡ mình là một nhà tư tưởng độc đáo. Nhiều tay lợi dụng sự ngây thơ cửa bà mà vơ vét trong giai đoạn tại chức ngắn ngủi của chồng bà. Tư tưởng bà rối như mớ bòng bong, trong khi lúc nào bà cũng tự đánh lừa mình là đầu óc phóng khoáng. Bà chủ trương bao nhiêu là ý kiến và quyền lợi mâu thuẫn nhau cùng một lúc: giới đại địa chủ, tầng lớp quí tộc, uy quyền tổng đốc, mà bà ra sức tăng cường; cơ cấu dân chủ mới ở địa phương; trật tự mới trong tương lai; tư tưởng tự do; và các quan niệm xã hội chủ nghĩa đủ loại. Bà bị quyến rũ cả vì cái vẻ thanh lịch khắc khổ của một phòng khách quí tộc, lẫn vì cái vẻ bình dân thô kệch của đám thanh niên vây quanh bà, họ coi nhà bà chẳng khác cái quán. Bà ao ước mang lại hạnh phúc chung, hòa giải cái không thể hòa giải, hay nói đúng hơn là kết hợp mọi người và mọi vật trong niềm kính ngưỡng cá nhân bà. Dĩ nhiên, bà có ưa nhiều người một cách riêng. Bà rất thú vị Piot'r Verkhovenxki vì anh ta nịnh bà không biết ngượng miệng. Ngoài ra, bà còn chú ý tới anh ta vì một lý do khác, rất lố bịch nhưng hoàn toàn tiêu biểu cho con người đáng thương của bà: bà hi vọng anh ta sẽ chỉ cho bà cả một âm mưu lật đổ chế độ hiện hữu. Chuyện khó tin nhưng có thực. Không hiểu sao bà lại yên trí rằng có một âm mưu toan chống chính phủ đang ấp ủ tại tỉnh nhà khi đó, và Piot'r nửa kín nửa hở càng thúc đẩy cho bà bám chặt vào ý niệm kỳ lạ đó hơn. Bà ngỡ rằng anh ta liên lạc với tất cả những phần tử cách mạng hoạt động khắp nước Nga, nhưng đồng thời anh ta lại ngưỡng mộ và hoàn toàn trung thành với bà. Khám phá âm mưu, Petersburg phải biết ơn, cả một sự nghiệp huy hoàng chờ đón bà, ảnh hưởng của bà trên thế hệ trẻ bằng "từ tâm" sẽ giữ cho họ khỏi "quá trớn" - tất cả những điều đó không hiểu sao chung sống được với nhau trong đầu óc rối beng và mộng mơ của bà một cách rất êm thấm. Bà đã chẳng chinh phục và cứu được chính Piot'r rồi đó ư? Bà đinh ninh như thế lắm. Và bà sẽ cứu luôn những kẻ khác. Không để cho một ai bị hư mất. Bà sẽ cứu xét từng trường hợp cá nhân, tường trình, và giải thích duyên do của họ với Petersburg sao cho tất cả không ai việc gì: bà chỉ hành động theo tình lý cao thượng nhất. Rồi, biết đâu lịch sử, và có thể cả phong trào tư tưởng tự do ở Nga, cũng sẽ nêu cao danh thơm của bà. Đồng thời, âm mưu kia vẫn bị vỡ tan. Lợi cả trăm bề.

Tuy nhiên, phải làm cho quan tổng đốc vui lên một chút để dự buổi dạ hội sắp tới. Cần phải cho ông an tâm và khuây khỏa. Chủ tâm như vậy rồi, bà sai Piot'r đến nói chuyện với ông, hi vọng rằng anh ta sẽ giải tỏa được nỗi buồn của chồng. Bà còn dám trông mong rằng Piot'r có thể làm được chuyện đó bằng cách hé mở cho ông biết vài tin sốt dẻo của người ở trong chăn. Bà mặc nhiên tin tưởng vào tài tháo vát của anh ta.

Piot'r đã lâu không vào văn phòng tổng đốc. Lần này anh ta tới đúng ngay lúc "con bệnh" đang cáu kỉnh quá chừng.

2

Ông Lembke đang không biết xoay xở ra làm sao vì một sự cố đặc thù ngẫu nhiên mới xảy ra xong. Gần đây, ngay tại quận mà Piot'r đã du chơi linh đình, có một thiếu úy bị cấp chỉ huy trực tiếp khiển trách ngay trước mặt lính của anh ta. Viên thiếu úy này mới từ Petersburg tới trình diện trung đoàn, là một thanh niên còn rất trẻ. Anh ta ít nói, lầm lì, vẻ trang trọng, mặc dù thấp người, mập mạp và mặt còn bụ sữa. Không chịu được sự khiển trách, anh ta thụp đầu lao thẳng tới sĩ quan thượng cấp và thét lên một tiếng làm cả đại đội kinh hoàng. Anh ta húc toàn lực và ngoạm vào vai viên thượng cấp, mạnh tới nỗi người ta phải khó khăn lắm mới lôi anh ta ra được. Chắc chắn là anh ta nổi mát rồi. Thực thế, hành vi của anh ta trong vài tuần trước đó cũng đã kỳ khôi rất mực. Anh ta liệng hai tấm ảnh thánh của bà chủ ra khỏi nhà mà anh ta đang thuê, rồi còn lấy rựa chẻ vụn một tấm ảnh ra nữa. Trong phòng ngủ, anh ta bày các tác phẩm của Vogt 1 , Moleschott 2 , Buechner 3 trên hương án và đèn nến thờ phụng nghi ngút. Xét theo sổ sách tìm thấy trong phòng thì anh ta là một người chịu khó học. Nếu có năm chục ngàn quan tiền thì hẳn anh ta đã dong buồm đi tuốt sang quần đảo Macseeva 4 giống như chàng "sinh viên sĩ quan" mà Herzen 5 đã mô tả lính hoạt trong một cưôn sách của ông. Khi bị bắt giữ, người ta tìm thấy trong tui anh ta và tại phòng trọ bao nhiêu là truyền đơn phản tuyên ngôn nảy lửa.

Tôi nghĩ rằng những truyền đơn như thế rất là thường và không có gì đáng lưu tâm. Chúng ta đã thấy quá nhiều loại truyền đơn như vậy! Hơn nữa những truyền đơn đó cũng không mới mẻ gì; sau này tôi nghe nói người ta tìm thấy những tờ bươm bướm in hệt như vậy tại một tỉnh khác. Liputin hồi sáu tuần trước có đi sang một tỉnh lân cận cũng cam đoan với tôi rằng anh đã thấy chúng có mặt ở đó rồi. Nhưng điều làm quan tổng đốc hoảng kinh nhất là người quản lý ở xưởng Spigulin ngay lúc đó lại giao cho cảnh sát buộc mấy bó truyền đơn giống hệt như thứ tìm thấy trên mình viên thiếu úy. Người ta đem gài chúng tại xưởng thợ vào ban đêm. Sự tình thực ra cũng không có gì quan trọng. Mấy bó truyền đơn còn cột dây, nên thợ thuyền cũng chẳng ai hay biết gì. Nhưng nó cũng làm ông Lembke phải nghĩ ngợi: xem ra nội vụ rắc rối quá chừng.

Mới đây xưởng thợ là nơi diễn ra vụ "ô nhục Spigulin" làm bao nhiêu người trong tỉnh xôn xao và báo chí thủ đô đăng tải lung tung. Ba tuần trước, có một người thợ trong xưởng Spigulin mắc bệnh thổ tả và qua đời. Mấy người thợ khác lây bệnh mà chết theo. Dân trong tỉnh càng phát hoảng, vì nạn dịch tả đã xuất hiện trong mấy tỉnh lân cận. Tôi phải ghi nhận thêm là mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết đã được áp dụng để đối phó với tình trạng khẩn cấp, nhưng không hiểu sao xưởng máy của dòng họ Spigulin, là một gia đình triệu phú và quen biết rất lớn, lại bị thanh tra bỏ sót. Bấy giờ dân chúng phẫn uất rêu rao rùm beng lên rằng cái xưởng kia, và nhất là khu gia đình công nhân nằm kề bên, là một ổ truyền nhiễm vì nó dơ dáy quá đến nỗi dù cho xung quanh không có bệnh dịch thì nó cũng phát sinh ra chứ chẳng không. Các biện pháp thích nghi được quyết định ngay tức khắc, và quan tổng đốc khăng khăng đòi phải thi hành liền. Chỉ trong ba tuần, xưởng máy được quét dọn sạch sẽ - nhưng rồi không ai hiểu sao gia đình Spigunn cho đóng cửa luôn. Hai anh em nhà Spigulin thì một người từ lâu đã định cư hẳn ở Petersburg; người còn lại cũng bỏ đi Moskva ngay khi nhà chức trách ra lệnh thanh tẩy xưởng máy. Viên quản lý trả tiền thợ, cho họ nghỉ việc luôn, và sau này chúng tôi khám phá ra rằng lão đã lường gạt họ một cách không hề thương tiếc. Thợ thuyền phản đối, đòi trả lương đầy đủ, và vụng về kéo cả đoàn đi thưa cảnh sát, mặc dù không gây náo loạn vì họ không bị khích động cho lắm. Chính lúc đó viên quản lý phát giác ra mấy bó truyền đơn và đem nạp cho quan tổng đốc.

Bấy giờ Piot'r xông vào văn phòng tổng đốc không hề báo trước; dù sao anh ta cũng là bạn thân, hơn nữa còn đi làm giùm một việc do chính tổng đốc phu nhân nhờ vả. Trông thấy Piot'r, ông Lembke cau mày và đứng khựng lại bên bàn giấy, khó chịu ra mặt. Nãy giờ ông đi lại trong phòng, đang bàn chuyện riêng tư với thuộc sự viên của ông là Blium, một anh chàng người Đức sồ sề và lầm lì mà ông đã mang từ Petersburg theo, mặc cho bà vợ phản đối. Khi Piot'r tiến vào, Blium bước lui lại phía cửa, nhưng không rời khỏi phòng. Piot'r còn có cảm tưởng như hắn liếc mắt ra hiệu cho thượng cấp. Piot'r vừa cười rộ vừa xòe tay đập xuống tờ truyền đơn nằm trên bàn mà nói oang oang:

- A ha, tôi bắt được ông quả tang rồi nhé, nhà chính khách bí mật! Bộ sưu tập của ông thêm được một tờ nữa, đúng không?

Mặt ông Lembke đỏ bừng và nhăn nhúm lại. Ông giận run cả người và hét lên:

- Để im đó! Lập tức! Và tôi cấm anh không bao giờ...

- Ông làm sao thế? Ống giận tôi thật đấy à?

- Thưa ông, tôi xin phép được thông báo cho ông hay là từ nay trở đi tôi không thể chịu được cái cung cách vô lối của ông nữa, và tôi muốn ông nhớ cho rằng...

- Chết mẹ, ông ấy giận thực rồi!

Ông Lembke giậm chân xuống thảm mà thét lớn:

- Câm ngay, câm ngay! Tôi không muốn nghe...

Câu chuyện giữa hai người không biết sẽ đi đến đâu. Phải nói rằng ông Lembke còn nổi xung vì một nguyên do đặc biệt mà Piot'r (và ngay cả bà tổng đốc) dường như không ngờ tới chút nào. Ông tổng đốc đáng thương bị sa sút tinh thần đến nỗi ông đã bắt đầu ngấm ngầm nghi ngờ mối giao du giữa hai người, và chớm ghen từ ít ngày gần đây. Khi đêm khuya canh vắng một mình, ông thường khắc khoải về chuyện này. Piot'r nói, làm vẻ rất trang trọng:

- Tôi cứ ngỡ rằng một kẻ đã hai đêm liền thức mãi quá nửa đêm để đọc cuốn tiểu thuyết của ông, và muốn xin thỉnh ý kiến của ông, thì đâu cần giữ những nghi thức đãi bôi đó. Bà Lembke coi tôi như người thân tín, thế mà ông thì lại... Làm sao tôi không ngỡ ngàng cho được? Đây, cuốn tiểu thuyết của ông đây!

Anh ta đặt trên bàn xấp bản thảo nặng nề dầy-cộm, cuốn trong giấy bao mầu xanh. Ông Lembke đỏ bừng mặt và cười ngượng ngùng. Ông hỏi dè dặt, cố gắng nhưng cũng không kiềm chế nổi niềm vui đang dâng trào:

- Thế anh tìm ra nó ở đâu vậy?

- Đoán xem. Cuốn nguyên như vậy, no lăn xuống dưới gầm tủ. Người ta tìm thấy nó ngày hôm kia khi lau nhà. Ôi chao, ông làm tôi mệt với nó quá!

Ông Lembke nghiêm mặt nhìn xuống. Piot'r tiếp tục:

- Hai đêm liền tôi không hề chợp mắt vì ông đó. Tìm được nó rồi là tôi bỏ suốt hai đêm để đọc, vì ban ngày tôi không có thì giờ. Tôi phải nói là cuốn truyện không hợp với gu của tôi; tôi không nhìn sự vật theo lối đó. Nhưng cái đó tôi cóc cần - tôi không bao giờ ưa cái món phê bình văn chương cả. Tuy vậy, không đồng ý về tư tưởng mà tôi không thể nào ngừng tay bỏ cuốn truyện xuống được. Chương bốn và chương năm thật là, hừm, thật là quá xá. Ông nhét bao nhiêu là khôi hài vào làm tôi thực tình phải ôm bụng mà cười lăn cười lộn. Tôi phải nhận rằng ông có biệt tài chọc quê mọi người mà bề ngoài vẫn cứ tỉnh bơ như không. Dĩ nhiên là chương chín và chương mười bàn về ái tình (không phải là địa hạt sở trường của tôi) rất có tác dụng. Và tôi suýt nữa rớt một giọt nước mắt khi đọc lá thư tình của Igrenev. Tôi phải nhận rằng chỗ đó ông miêu tả tinh tế lắm. Ông biết không, lá thư đó rất cảm động, mặc dù ông cũng đồng thời phơi bầy được cái khía cạnh trá ngụy trong con người hắn, phải không nào? Tôi nói thế có trúng ý tác giả không? Lại còn đoạn kết nữa! Thú thật tôi muốn đánh đòn ông vì đoạn kết đó quá. Ông định truyền bá cái gì? Ôi, cũng lại vẫn một thứ tôn thờ đời sống gia đình hạnh phúc xưa hoắc - lấy vợ đi, rồi đẻ con đàn cháu đông, làm giàu, rồi sống ấm êm mãi mãi. Nói cho đúng, ông làm cho độc giả say mê - ngay chính tôi cũng bị quyến rũ mà tay không rời được sách, nhưng như thế càng hóa ra nguy hiểm hơn. Người độc giả trung bình thường ngu si, và nhiệm vụ của những kẻ thông minh là phải khai cái ngu, cho họ nhìn thấy bản chất thực của mọi vật; trong khi đó ông lại đi... Nhưng thôi, tôi nói thế cũng là lắm lời quá rồi. Xin chào ông. Hẹn lần khác, ông bớt giận hơn. Tôi có dăm ba chuyện hay ho định đến kể cho ông nghe, nhưng bữa nay sao ông kỳ quá...

Trong lúc Piot'r nói, ông Lembke lấy cuốn tiểu thuyết đem cất kỹ và khóa kín trong một tủ bằng gỗ gụ, và ra dấu cho người phụ tá ra ngoài. Mặt anh chàng chảy dài ra như người đưa ma, và anh ta chuồn mất. ông Lembke ngồi xuống bàn giấy. Ông cau mày và nói khẽ, không còn vẻ giận dữ nữa:

- Tôi không có gì gọi là "kỳ quá" cả. Đó chỉ là tôi có nhiều mối lo âu quá. Anh ngồi xuống, và nói cho tôi nghe dăm chuyện hay ho mà anh tính kế đó. Đã lâu tôi không gặp anh, anh Piot'r ạ, nhưng từ giờ trở đi có ghé lại đây anh đừng dùng cái lối như gió như giông thế nữa. Đôi khi tôi đang mắc việc, phiền hà lắm; rồi nó sinh ra...

- Đối với ai tôi cũng coi như nhau...

- Tôi biết, tôi biết. Và tôi chắc chắn anh không có ý xấu, nhưng khi con người ta có những chuyện nghĩ ngợi... Nhưng kìa, anh ngồi xuống chơi đã.

Piot'r ngả ngay mình xuống chiếc trường kỷ. Một lát sau, anh ta đã bắc chân chữ ngũ ngon lành.

3

- Ông nghĩ ngợi chuyện gì? Hẳn không phải cái đồ lăng nhăng đó chứ? Piot'r hất hàm chỉ về phía tờ truyền đơn, và nói tiếp: - Thứ đó ông muốn bao nhiêu, tôi cũng có thể lấy cho ông được. Tôi đã bắt gặp chúng khối ra ở tỉnh Kharkov 6 ,...

- Anh muốn nói khi anh còn ở đó?

- Chứ còn gì nữa? Không lẽ lại bắt gặp khi không ở đó? Có một tờ bên trên còn in thêm một chiếc rìu nhỏ. Ông cho phép (anh ta cầm lấy một tờ truyền đơn và ngắm nghía). Đúng rồi, cái rìu đây chứ đâu. Đúng là cùng một thứ.

- Phải, tôi có thấy chiếu rìu. Làm sao anh?

- Sao? Ông sợ một chiếc rìu à?

- Không phải là vấn đề chiếc rìu... Hơn nữa tôi không có sợ cái gì hết, nhưng nội vụ rắc rối... có một số trường hợp...

- Trường hợp nào? Việc họ tìm thấy những truyền đơn này ở xưởng Spigulin phải không? Ha ha ha! Tôi nói thực với ông, nói ra chẳng mấy chốc chính bọn thợ thuyền trong xưởng sẽ viết lấy truyền đơn cho mà xem.

Ông Lembke trố mắt nhìn anh ta:

- Anh bảo sao?

- Đúng thế đấy. Tốt hơn ông phải canh chừng, ông tổng đốc ơi. Ông mềm yếu quá. Ông đi viết tiểu thuyết văn chương và các thứ đại loại, trong khi cái cần áp dụng ở đây là những biện pháp cổ.

- Những biện phâp cổ nào? Anh định nói gì? Xưởng máy cần tẩy uế. Tôi ra lệnh, và nó đã được tẩy uế rồi!

- Nhưng bây giờ công nhân nổi loạn. Cần phải cho họ một trận đòn, thế là xong.

- Nổi loạn? Toàn chuyện phịa! Tôi đã ra lệnh cho tẩy uế, và việc đã được thực hiện.

- Ôi, ông Andrei ơi, ông thực yếu mềm quá!

Ông Lembke lại cảm thấy bất bình, nhưng ông cố nén lòng nói chuyện với Piot'r, hi vọng rằng anh ta sẽ cho biết được điều gì mới. Ông nói:

- Điều thứ nhất, tôi không yêu mềm như anh nghĩ đâu; và điều thứ hai...

- A ha! Lại một cổ vật nữa đây rồi! - Piot'r ngắt lời ông, và chộp lấy một tờ truyền đơn khác đang nằm dưới cái chặn giấy. Tờ này in ở nước ngoài và bằng văn vần. - Xem nào, bài này nhan đề là Vị anh hùng, và tôi cũng có thể đọc thuộc lòng cho ông nghe nữa! Phải, đúng là nó - vị anh hùng này tôi đã quen hồi còn ở nước ngoài. Của này ông đào đâu ra được đây?

Ông Lembke hỏi, giọng dượm vẻ lo âu và chú ý:

- Anh bảo rằng anh đã trông thấy nó khi còn ở nước ngoài, ư?

- Nhất định rồi, cả bốn hay năm tháng trước.

Ông Lembke nhận xét, một cách khéo léo:

- Thế ra ở nước ngoài anh biết được nhiều chuyện quá nhỉ.

Piot'r phớt tỉnh như không nghe thấy gì. Anh giở tờ truyền đơn ra và đọc to:

VỊ ANH HÙNG

Không phải là con dòng cháu giống,

Anh lớn lên trong đám nhà nông.

Số phận anh mang mãi xiềng gông,

Của thù hận vua quan hào phú.

Dù khổ sở, đớn đau, tù tội,

Lòng son sắt tôi thành thép nguội.

Tiếng anh vang khắp cùng nhân loại:

Tự do, Bình đẳng, Đoàn kết lại.

Thế rồi khởi nghĩa bừng ánh đuốc,

Anh lê gót lánh ra nước ngoài.

Thoát kìm tra, thoát dây treo cổ,

Thoát bàn tay của đao phủ thủ.

Toàn dân đen đau khổ dứng lên,

Đập tan ách nô lệ triền miên.

Từ Xmolen cho đến Taskent,

Xiết hàng ngũ chờ anh hô tiến.

Họ mong anh như vị cứu tinh.

Họ chờ anh để phá tan tành,

Cả đế quốc Nga ô nhục đó.

Để đời họ bừng lên rạng rỡ;

Để đất đai thành của cải chung;

Để hủy diệt một lần cuối cùng,

Gia đình, hôn nhân, và giáo hội,

Tàn tích của thời xưa tăm tối.

Piot'r hỏi:

- Tôi đánh cuộc rằng cái này ông tìm thấy trên người viên sĩ quan kia, phải không nào?

- Vậy ra anh cũng quen với viên sĩ quan đó nữa?

- Hẳn thế rồi. Chúng tôi nhậu nhẹt với nhau suốt hai ngày liền. Anh ta uống cho cố mạng đến gần mất cả trí khôn.

- Biết đâu chừng, có thể anh ta không hề mất trí khôn tí nào.

- Căn cứ vào đâu mà ông bảo thế - hay vì, anh ta nổi chứng cắn thiên hạ?

- Hãy khoan. Nếu anh thấy bài thơ ấy ở nước ngoài, rồi người ta lại bắt gặp nó trên mình viện sĩ quan tại đây...

- Sao, ông định nóị gì? Quan tổng đọc ơi, xem ra ông muốn thẩm vấn cả tôi nữa. Thôi được, để tôi kể cho ông. - Giọng Piot'r chợt mang vẻ cực kỳ hệ trọng. - Những gì tôi thấy và làm ở nước ngoài, tôi đã tường trình và giải thích với những người có thẩm quyền, ngay khi tôi hồi hương. Và những lời giải thích đó chắc chắn phải thỏa đáng, nếu không tỉnh này đã không có cái hân hạnh tiếp đón tôi. Vì thế, tôi xem như trường hợp của tôi đã kết thúc, và tôi không có gì phải phân trần với ai nữa cả. Tôi chấm dứt mọi chuyện đó cũng bởi vì tôi không thể làm điều gì khác hơn, chứ không phải tôi là một kẻ phản bội. Những kẻ đã viết thư giới thiệu tôi với bà Julia biết rành rẽ về quá khứ của tôi và đã chứng nhận rằng tôi là một người đàng hoàng... Nhưng thôi, kệ xác mấy chuyện đó. Tôi đến đây để kể cho ông một việc rất quan trọng, và tôi mừng là ông đã đuổi cái tên quét dọn kia ra khỏi phòng. Chuyện này rất quạn trọng đối với tôi, ông tổng đốc ạ: tôi muốn yêu cầu ông một việc đặc biệt.

- Yêu cầu hả? Anh làm ơn nói ra xem sao. Tôi phải nhận là tôi cũng nóng lòng nghe anh nói xem là cái gì. Lúc nào tôi cũng thấy anh khó hiểu quá.

Quan tổng đốc hơi có vẻ cảm động. Piot'r bỏ chân đang gác chữ ngũ xuống. Anh ta bắt đầu nói:

Ở Petersburg, tôi đã nói thẳng thằn về nhiều chuyện. Nhưng có vài chuyện, chẳng hạn như cái này (anh lấy ngón tay chỉ vào bài thơ Vị anh hùng) tôi không hề động chạm đến, trước tiên bởi vì nó không đáng nhắc nhở tới, sau nữa là bởi vì tôi chỉ trả lời những câu hỏi người ta nêu ra. Tôi không thích hăng hái quá trong những trường hợp như vậy. Theo tôi đó chính là cái khác biệt giữa một tên chỉ điểm phản phúc và một người dàng hoàng bị hoàn cảnh bắt buộc... Hừm, nhưng thôi gác chuyện đó lại. Còn lúc này, khi những kẻ ngu xuẩn kia... Thôi thì mọi chuyện đã vỡ lở và chúng đã nằm trong tay ông, tôi nhận thấy rằng không thể giấu ông được gì cả, vì mắt ông rất tinh tường, tuy ông làm như chẳng hay biết tí gì - và bởi bọn chúng vẫn tiếp tục, tôi,.., tôi..., vâng, thưa ông tổng đốc, tôi đến để xin ông cứu giúp một kẻ ngu xuẩn trong bọn đó. Hắn ta có thể mất trí, nhưng tôi cũng xin ông vì tuổi trẻ, vì các bất hạnh của hắn và bằng lòng nhân đạo của ông... Tôi hi vọng rằng không phải chỉ trong tiểu thuyết ông mới tỏ ra có tình người, mà ông còn thể hiện nó trong đời sống thực nữa. - Anh ta chấm dứt một cách đột ngột và như thể nóng nảy.

Thực ra, Piot'r có vẻ như một người thẳng tính, vụng về, không biết cư xử, và lòng tràn ngập tình nhân đạo, lại quá xúc cảm nữa. Trên hết, anh ta xem như không được lanh lợi cho lắm. Điều này ông Lembke nhận ra ngay với sự sâu sắc cố hữu của ông. Hơn nữa, ông ngờ như thế đã từ lâu, nhất là trong tuần lễ vừa qua, khi ban đêm thanh vắng một mình trong thư phòng ông tự hỏi đi hỏi lại, không biết vì cớ gì người thanh niên kia lại thành công một cách không thể hiểu nổi, trong việc chiếm cảm tình của bà Julia như thế.

Ông tổng đốc hỏi bằng một giọng cửa quyền, cố giấu cái tò mò của mình:

- Thế anh định xin cho người nào? Và đầu đuôi câu chuyện ra sao?

- Hắn ta là... hắn ta là... Thôi thì thôi, tôi không tin cậy vào ông, thì còn biết tin cậy vào ai. Đâu phải lỗi tại tôi, khi tôi coi ông như người cao quí nhất và hơn nữa, thông suốt nhất, có thể hiểu rõ... Thôi, mặc xác!

- Rõ rệt là Piot'r cảm xúc quá độ. Anh ta tiếp tục: Ông phải hiểu rằng khi tôi kể tên hắn ta ra, là tôi giao hắn vào tay ông, cầm bằng như phản bội hắn. Có đúng thế không?

- Nhưng làm sao tôi có thể biết được kẻ đó là ai, nếu anh không cho tôi biết tên?

- Đó, chính vậy? Luận lý của ông sắc bén và bao giờ cũng thắng! Thôi, kệ, được rồi: hắn ta, "vị anh hùng" đó, chẳng phải là ai khác ngoài Satov. Đó, vậy là bây giờ ông biết hết rồi.

- Satov? Anh hỏi sao, đó là Satov ư?

- Satov là "vị anh hùng" mà tờ truyền đơn để cập đó. Hắn ta sống ở đây. Trước kia hắn là một nông nô. Hắn là cái người đã thoi vào mặt Xtavroghin đó...

- Phải, chuyện đó tôi có biết, - ông nhíu mày, ra chiều hiểu biết. - Nhưng, xin lỗi, tôi không hiểu anh ta bị khép tội gì, lại càng không hiểu anh thực sự yêu cầu chuyện gì?

- Tôi xin ông tha cho anh ta mà. Ông hiểu rồi chứ? Tôi đã quen hắn trong tám năm trường và là bạn của hắn, - Piot'r càng nói càng tăng xúc động. - Dù sao tôi cũng không có bổn phận phải tường trình cho ông về quá khứ của tôi. - Anh ta vung tay tuyệt vọng. - Câu chuyện không có gì hết. Tất cả chỉ dính líu đến có ba người rưỡi ở đây, và tính gộp cả ở nước ngoài thì nhiều lắm chỉ đến mười người. Nhưng trong trường hợp này, tôi trông cậy vào lòng nhân đạo và sự thông cảm của ông. Ông sẽ hiểu rõ hoàn cảnh và đặt nó đúng trong tầm mức. Đó chỉ là một giấc mộng xuẩn ngốc của một con người rối loạn, đã suốt một đời cùng khốn - xin ông nhớ cho điều đó - chứ không phải là một âm mưu ghê gớm chống chế độ chế đung gì hết trọi!

Anh ta nói thở không ra hơi.

- Hừm, vậy thì tôi có thể kết luận rằng Satov là người chịu trách nhiệm về những tờ truyền đơn có in hình chiếc rìu, - ông tổng đốc tuyên bố một cách long trọng. - Nhưng tôi xin đặt câu hỏi: nếu chỉ có một mình anh ta dính líu, làm sao anh ta có thể vừa phân phát ở đây, lại vừa phân phát trong các tỉnh lân cận, và ngay đến cả tỉnh Kharkov tít mù kia được? Và điều quan hệ hơn nữa là do đâu mà anh ta có được những tờ truyền đơn đó?

- Nhưng tôi đã trình bày với ông rằng, dường như nhiều nhất chỉ có năm người dính líu vào; hay nếu ông kể cả bên ngoài nữa là mười mà thôi. Còn tôi, làm sao tôi biết chắc được?

- Anh không biết sao?

- Tôi biết thế đếch nào được!

- Thế sao anh biết rằng Satov là một người trong đám âm mưu?

Piot'r nhún vai thất vọng như thể anh đầu hàng trước sự thẩm vấn khôn khéo của ông tổng đốc.

- Thôi được! Ông nghe đây vậy. Tôi sẽ kể cho ông hết đầu đuôi. - Tôi không biết gì về những tờ truyền đơn cả, không biết một tí gì hết. Ông rõ chưa? Không có gì hết là không có gì. À, có viên thiếu úy đó, một người nữa, rồi đến Satov, và một người khác nữa, có lẽ thế là hết - ông thấy không, toàn là thứ không ra hồn, người? Nhưng tôi đến là để xin cho Sạtov, bởi vì hắn ta viết bài thơ đó và đích thân đem in ở nước ngoài. Điều đó tôi biết chắc chắn, còn, về chuyện truyền đơn thì tôi không hay biết gì cả.

- Nếu thơ đó là của anh ta, thì truyền đơn cũng phải là của anh ta nốt. Nhưng tôi muốn biết vì những lý do nào mà anh nghi cho ông Satov?

Dáng điệu trông như một người rõ rệt đã bị đẩy đến chỗ mất hết kiên nhẫn,- Piot'r móc ví và rút ra một mẩu giấy. Anh ta kêu to khi liệng mẩu giấy lên mặt bàn:

- Lí do của tôi đây này!

Ông Lembke giở tờ giấy, để đọc, thì ra nó viết hồi sáu tháng trước ở đây và gửi đi nước ngoài. Nó chỉ có hai hàng:

"Tôi không thể in Vị anh hùng ở đây, cũng như bất cứ cái gì khác. Xin cho in ở nước ngoài.

Iuan Satov"

Ông Lembke nhìn Piot'r chăm chú. Bà Julia đã nói đúng, khi bà nhận xét rằng đôi lúc ông có cái nhìn của loài bò tót. Piot'r nói vội vã:

- Để tôi giải thích cho ông. Bài thơ đó Satov viết ra đã được sáu tháng, nhưng không làm sao in lậu ở đây được, vì thế hắn muốn cho in ở nước ngoài. Chuyện như vậy rõ ràng quá, phải không ông?

Ông Lembke đưa ra nhận xét tinh tế:

- Phải, chuyện rõ ràng quá. Nhưng anh ta viết cho ai để nhờ in? Chuyện đó chưa được rõ ràng cho lắm, phải không anh?

- Thì cho Kirillov chứ ai! Giấy đó gửi cho Kirillov khi còn ở nước ngoài. Ông không biết sao? Tôi bực mình ghê vì ông cứ giả bộ không biết gì cả, trong khi thực sự ông biết rành bài thơ kia cũng như các chuyện khác từ đời tám hoánh nào rồi! Nếu không thì sao trên bàn ông lại có nó? Ông phải khám phá ra rồi. Nhưng nếu thế, ông còn hành hạ tra hỏi tôi làm gì?

Piot'r vội lấy khăn lau mồ hôi trên trán, Ông Lembke đỡ đòn một cách khéo léo:

- Phải, tôi cũng nghe được ít nhiều... Nhưng còn Kirillov là ai?

- Viên kỹ sư mới tới đây đó, cái người làm nhân chứng cho Xtavroghin trong vụ đấu súng ấy mà. Anh ta thuộc loại người cuồng, người điên. Viên thiếu úy của ông có lẽ chỉ nổi cơn có lúc, nhưng tay Kirillov này thì hoàn toàn mất trí. Tôi bảo đảm với ông điều đó. Ôi, ông tổng đốc ơi, nếu nhà chức trách thực tình thấu rõ những loại người đó chắc hẳn sẽ không nỡ lòng nào mà bắt họ. Họ đáng phải cho vào nhà thương điên - tuốt luốt. Hồi ở Thụy Sĩ họ nhóm đại hội, tôi đã tha hồ có dịp mà quan sát họ.

- Họ ở đó, mà lãnh đạo phong trào trong nước?

- Có lãnh đạo cái khỉ mốc gì! Tổ chức trần ra chỉ có ba mống rưỡi! Nguyên nhìn họ múa may quay cuồng cũng đủ phát chán mà ngủ gục. Phong trào trong nước ông nói đây, là cái gì? Truyền đơn chắc? Hay đảng viên? Dăm tay thiếu úy mê sảng, với vài ngoe sinh viên! Ông là người sáng suốt, ông cho tôi đặt một câu hỏi: tại sao không bao giờ họ tuyển mộ lấy được một người đàng hoàng? Tại sao họ chỉ câu được có đám sinh viên hai chục tuổi đầu? Mà cũng có nhiều nhõi gì cho nó cam! Người ta tung ra có đến cả triệu chó săn để lùng bắt, mà thử hỏi tóm được bao nhiêu? Tính đi tính lại chỉ có bảy mạng. Tôi nói thực với ông, bọn chúng rõ chán mớ đời.

Ông Lembke lắng nghe Piot'r nhưng gương mặt ông như muốn nói: "Cà kê dê ngỗng mãi rồi cũng phải vào vấn đề chứ".

- Cho tôi hỏi, anh bảo rằng mảnh giấy đó gửi đi nước ngoài. Nhưng tôi không thấy có ghi địa chỉ nào cả. Làm sao anh biết được là nó gửi cho ông Kirillov, và ở nước ngoài... hơn nữa, nó thực sự là do ông Satov viết ra?

- Cái đó ông chỉ cần lấy một mẫu thủ bút của Satov và đem đọ là xong. Chắc chắn là trong hồ sơ lưu của ông thể nào chả tìm được một chữ ký của hắn. Còn về phần Kirillov, thì chính anh ta trao cho tôi xem khi nhận được mảnh giấy.

- Vậy là chính anh phải...

- Phải chính tôi. Hồi ở nước ngoài tôi thấy được nhiều chuyện lắm. Còn về bài thơ, dường như nó do Herzen thuở còn sinh tiền viết cho Satov, khi Satov còn đang phiêu bạt ở nước ngoài. Ông ta viết bài đó để kỷ niệm cuộc gặp gỡ giữa hai người, như một phần thưởng ngợi khen công tác của Satov. Thực ra, tôi biết thế quái nào được! Dù sao, Satov cũng đem nó phổ biến trong giới thanh niên, như thể muốn rêu rao rằng: "Hãy nhìn xem, đây là những gì chính Herzen nghĩ về tôi".

- À ra thế; đúng rồi. - Ông Lembke sau cùng hiểu ra. - Có điều tôi không nắm vững là bài thơ kia. Truyền đơn chính trị - cái đó thì hẳn rồi, nhưng thơ phú để làm gì?

- Có gì đâu mà ông không hiểu? Nhưng tôi mắc chứng gì mà bữa nay thổ lộ hết cả với ông thế này. Ông hãy nghe tôi, tha cho Satov, còn bọn kia thì mặc mẹ chúng, - kể cả Kirillov hiện đang cấm cung tại nhà của Filippov. Satov cũng nương náu ở đó nữa. Bọn họ không ưa tôi bởi vì tôi đã hồi chánh. Nhưng, nếu ông hứa để Satov cho tôi, tôi sẽ nạp chúng cho ông, cả bọn, dọn nguyên mâm. Xin ông tin nơi tôi, tôi sẽ giúp cho ông được rất nhiều, ông Lembke ạ! Tôi theo dõi chúng vì lý do riêng. Tôi nói thực, cả cái nhóm khốn kiếp đó chỉ có chín hay mười mống, và ông đã biết được ba mạng rồi: Satov, Kirillov, và viên thiếu úy kia. Tôi còn phải khám phá ra những tên còn lại, nhưng ông cứ tin là tôi không đến nỗi đui! Tôi cam đoan rồi chuyện cũng đến như ở tỉnh Kharkov mà thôi. Ở đó, người ta tóm được một mớ cùng với truyền đơn: hai sinh viên, một học sinh, hai thanh niên con nhà tử tế, một giáo viên, và một thiếu tá hồi hưu, đã sáu mươi tuổi rượu chè be bét đến mụ cả người. Tất cả chỉ có thế, tôi cam đoan với ông như vậy. Nhà cầm quyền quả tình chưng hửng khi thấy không còn gì khác hơn nữa. Nhưng tôi cần sáu ngày. Tôi đã tính toán kỹ lưỡng rồi: phải đúng sáu ngày mới được. Nếu ông muốn có kết quả, thì ông đừng động tới bọn chúng trước thời gian đó, và tôi sẽ giao bọn chúng cho ông nguyên cả một xâu. Còn nếu ông tìm cácn can thiệp trước, động ổ bọn chúng sẽ bay hết, mất cả chì lẫn chài. Nhưng tôi muốn Satov và tôi chỉ bằng lòng thực hiện việc đó nếu ông hứa để hắn cho tôi. Theo tôi nghĩ cách hay nhất là cho gọi hắn tới văn phòng của ông, một cách kín đáo, và dò hỏi hắn với tư cách một người bạn. Thoạt đầu, phải cho hắn thấy trước là ông đã tỏ rõ hết ngọn ngành... Tôi chắc chắn hắn sẽ quì sụp xuống chân ông mà khóc. Đó là một kẻ khốn khổ và rối trí; vợ hắn ta thường lăng nhăng với Nicolai Xtavroghin. Ông cứ đối xử tử tế là hắn ta sẽ tự kể cho ông nghe hết mọi chuyện. Nhưng, phải chờ cho đủ sáu ngày đã, và cốt nhất là ông chớ có hé môi, dù chỉ một lời, hay nói bóng nói gió, cho bà nhà biết. Phải tuyệt đối kín tiếng. Ông nghĩ xem, ông có thể giữ bí mật được không?

Mắt ông tổng đốc trố ra, ông nói:

- Sao? Tất cả chuyện này anh chưa hề nói một tí gì cho bà Lembke hay cả à?

- Nói với bà ấy? Sức mấy! Đời nào tôi nói. Ông tổng đốc ơi, như ông cũng thấy, tôi hết sức quí mến tình thân hữu của bà ấy cũng như rất coi trọng bà, và tất cả những thứ đó. Nhưng tôi có ngu gì mà phạm vào một sơ hở như thế! Tôi không bao giờ trái nghịch lại ý bà ấy, vì như ông chắc cũng thừa rõ, làm thế nguy hiểm lắm. Tôi có thể một đôi lần nói bóng nói gió một chuyện nào đó với bà bởi vì, bà ấy thích thế. Nhưng có bao giờ tôi lại đi tiết lộ các tên tuổi cho bà ấy, như đối với ông được? Tại sao bây giờ tôi lại đến nói với ông? Lý do là bởi vì dù sao ông cũng là một người đứng đắn, giầu kinh nghiệm cai trị. Ông kinh lịch đã nhiều, và tôi chắc rằng những vụ như thế này ông đã rành từ trong ra ngoài và hiểu từng đường đi nước bước ngay từ thuở ông còn ở Petersburg. Nếu tôi nêu hai tên kia ra với bà ấy, thế nào mà bà ấy chẳng làm rùm beng lên khắp nơi khắp chốn. Như ông cũng biết, bà ấy chỉ cốt cho thủ đô phải lác mắt. Không được, ông ạ, bà ấy có nhược điểm là hấp tấp quá.

- Phải rồi, bà ấy cũng có phần hơi hăng một chút. - Ông Lembke lẩm bẩm tán đồng, vừa khoan khoái mà cũng vừa bực mình là sao tên ó đâm này lại dám phê bình bà Julia một cách quá luông tuồng như thế.

Piot'r, có lẽ nhận thấy rằng mình nói thế chưa đủ, quyết định nịnh nọt và chinh phục ông Lembke thêm chút nữa:

- Vâng, ông nói chí lý: hơi hăng. Bà nhà có thể là một người đàn bà có tài, học thức cao, nhưng nếu để bà dính vào là thế nào cũng sổng cả bầy. Bà ấy không làm sao giữ bí mật cho được sáu giờ đồng hồ, chứ đừng nói là sáu ngày! Ôi, ông tổng đốc ơi, chớ có bao giờ bắt một người đàn bà phải lặng im đến sáu ngày. Tôi mong rằng ông cũng nhận cho là tôi có ít nhiều kình nghiệm, ít ra là trong những vụ như thế này. Tôi biết những gì tôi đang đề cập, và ông cũng biết là tôi biết. Chắc chắn ông hiểu là tôi không xin ông hoãn lại cho tôi sáu ngày kia chỉ vì tôi lăng nhăng vô lối, mà vì tình thế bắt buộc.

Ông Lembke nói đắn đo:

- Tôi nghe nói khi anh ở nước ngoài về, anh có giãi bày với những nơi thích đáng về sự... sự hội ngộ của anh.

- Tôi có giãi bày cái gì, thì việc đó cũng không can hệ gì tới ai.

- Phải, tôi hiểu, tôi không muốn đi sâu vào những gì không liên quan đến mình. Nhưng tôi thấy, dường như cho tới nay, anh phát biểu tư tưởng tại tỉnh này một cách rất khác - chẳng hạn về Kito giáo, về các cơ cấu xã hội, và sau rốt, luôn cả về chế độ nữa...

- Cho dù tôi có nói một số ý kiến, thì đã sao? Tôi vẫn còn giữ nguyên nếp suy tư ấy, có điều tôi cho rằng không thể thực hành những tư tưởng đó, theo lối của bọn ngu xuẩn kia làm được. Cắn vào vai của sĩ quan thượng cấp thì ích lợi quái gì? Thế chính ông chẳng đồng ý với tôi là gì, chỉ có phản đối là việc thực hiện còn sớm quá?

- Khi tôi nói sớm quá, tôi đồng ý với anh về việc khác, đâu phải những thứ đó.

Piot'r tươi tắn nói:

- Ha ha, tôi thấy ông là con người cẩn thận, cân nhắc từng lời như một nhà ngoại giao. Cha nội ơi, chính để tìm hiểu ông mà tôi nói ướm thử ông như thế. Tôi tìm hiểu thiên hạ toàn bằng đường lối ấy, chứ không riêng gì với ông. Ông có muốn tôi nói ra cá tính của ông không?

- Tại sao anh lại cần tìm hiểu cá tính tôi?

Piot'r cười to:

- Làm sao tôi trả lời được tại sao? Ông Lembke thân mến ơi, ông tinh quái lắm, nhưng tôi chưa nói tới chuyện đó đâu, chắc chắn không đời nào. Ông hiểu không? Có lẽ ông hiểu chứ? Mặc dù tôi có thể đã giải thích ít nhiều tại một số nơi khi tôi ở nước ngoài về, tôi thấy không vì một lý do gì mà một người có những tin tưởng chân thành lại không hành động cho xứng hợp với những tin tưởng đó... Tuy vậy, không có ai ở trên đó yêu cầu tôi dò xét ra tính của ông, và nói chung, tôi cũng chưa bao giờ đảm nhận một công tác như thế với họ. Xin ông nắm vững cho điều này: lẽ ra tôi rất có thể cho ở trên đó biết tên hai người kia, khi giãi bầy về công việc riêng tư của tôi, thay vì kể ra cho ông. Nếu tôi chỉ nhằm đến tài chính hay những lợi lộc khác, dĩ nhiên tôi làm như thế này là ngu si, bởi vì họ sẽ coi là ông có công chứ không phải tôi. Dù sao tôi hành động cũng chỉ vì Satov (giọng Piot'r cao thượng hẳn lên), tất cả là để cứu hắn ta mà thôi, nhân danh tình bạn trước đây của chúng tôi. Hẳn nhiên là khi xong xuôi ông viết trình cho họ, nếu muốn, ông có quyền nhắc nhở khen cho công lao của tôi một lời, nhất định là tôi không kiện ông đâu, hê, hê, hê! Thôi bây giờ xin từ giã. Tôi viếng thăm quá lố. Chắc chắn, tôi cũng ba hoa quá nhiều, - anh ta nói pha trò thêm và đứng dậy.

Ông Lémbke cũng vừa đứng đậy vừa mỉm cười trước câu nói sau chót của Piot'r.

- Trái lại, trái lại, tôi rất vui mừng là chúng ta đã làm sáng tỏ ít nhiều điều là đằng khác. Tôi rất lấy làm biết ơn anh đã vui lòng giúp đỡ chúng tôi, và xin: anh cứ yên chí rằng, để đáp lại tấm lòng nồng nhiệt của anh, tất cả những gì nằm trong quyền hạn của tôi,...

- Sáu ngày - điều cốt yếu là trì hoãn sáu ngày, và trong kỳ hạn đó ông không được làm gì kinh động. Tôi chỉ cần có thế.

- Xong rồi.

- Tôi không trói tay ông đâu, và dĩ nhiên tôi cũng đâu dám phạm thượng như thế. Ông vẫn phải canh chừng họ, nhưng xin ông làm ơn đừng làm họ hoảng sợ khi chưa tới lúc. Việc này tôi xin trông vào sự sáng suốt và kinh nghiệm của ông. Tôi tin chắc làm gì ông chả bủa chó săn ra khắp. Ha, ha! - Piot'r tuôn ra một cách vui vẻ như một chàng tuổi trẻ vô tư lự.

Ông tổng đốc mỉm cười nói nhún:

- Không, hẳn thế đâu. Thanh niên các anh lúc nào cứ ngỡ là nhà cầm quyền nhiều chó săn lắm... Nhưng này, anh cho tôi hỏi một câu khác nữa nhé. Nếu đúng như anh nói là Kirillov làm nhân chứng cho Xtavroghin trong vụ đấu súng, thì chắc hẳn Xtavroghin cũng...

- Xtavroghin làm sao?

- Tôi muốn nói: nếu họ thân thiết với nhau đến như vậy...

- Không, không, không! Dù thông minh cách mấy, ở điểm này ông cũng lầm rồi. Thực, ông còn làm tôi ngạc nhiên nữa. Tôi cứ ngỡ là mọi chuyện ông đã rõ hết ngành ngọn rồi. Không, - Xtavroghin hoàn toàn trái nghịch, không giống một chút gì... xin bố cáo!

Ông Lembke nói, ra vẻ nghi ngờ:

- Thực vậy sao? Tôi khó tin quá. Nhà tôi bảo rằng, theo nguồn tin bà ta nhận được từ Peterburg thì Xtavroghin là một người có nhận được chỉ thị.

- Tôi không biết, không biết, không biết gì cả. Xin kiếu. Bố cáo. - Piot'r rõ ràng từ chối thảo luận thêm chút nào về điểm này, anh vừa nói vừa lao ra cửa văn phòng tổng đốc.

- Hãy khoan, Piot'r, đợi một chút. Tôi có một chuyện nhỏ khác muốn bàn với anh. Tôi không giữ anh lâu hơn đâu.

Ông ta lấy ở trong ngăn kéo bàn giấy một phòng bì.

- Đây là một món cũng nằm chung trong loại đó. Đưa cho anh xem chứng tỏ là tôi hết sức tin cậy anh. Nó đây. Anh cho tôi biết ý kiến.

Phong bì chứa một lá thư nặc danh gửi cho quan tổng đốc, mà ông mới nhận được ngày hôm trước. Piot'r chán chường ra mặt và đọc những dòng sau đây:

Thưa ngài:

Chức vụ của ngài đòi hỏi tôi phải xưng hô như trên. Bằng thư này, tôi muốn báo cho ngài hay hiện đang có những âm mưu chống các viên chức cao cấp chính quyền và chống lại xứ sở chúng ta. Sự vật đang đi theo chiều hướng đó. Chính tôi cũng đã phân phát những thứ ấy trong nhiều năm. Vô thần cũng là một lý tưởng nữa. Một cuộc nổi dậy đang được ấp ủ. Có hàng ngàn truyền đơn và cả trăm người sẵn sàng è cổ ùa đi bất cứ nơi nào mà họ sai phái, trừ khi nhà chức trách ra tay. Bởi vì những truyền đơn kia hứa hẹn quá nhiều điều tốt đẹp, mà dân chúng thì ngu ngốc, rồi lại thêm rượu nữa. Tôi sợ cả hai bên, và ân hận về những gì tôi chưa phạm, vì lỗi là do hoàn cảnh. Nếu ngài muốn một sự tố giác để cứu vãn tổ quốc, cũng như nhà thờ và ảnh tượng, thì tôi là người duy nhất có thể làm được điều đó, với điều kiện là Phòng Ba gởi ngay điện văn khoan hồng cho tôi; và chỉ mình tôi mà thôi. Còn những kẻ khác, họ sẽ phải trả lời trước pháp luật. Ngài hãy đốt một cây nến ở cửa sổ của người quản dinh mỗi buổi tối, để làm ám hiệu. Nhìn thấy nó, tôi sẽ tin ngài và đến hôn bàn tay nhà chức trách; miễn là có một khoản trợ cấp cho tôi, kẻo không làm sao tôi sống nổi? Nhưng còn ngài - ngài sẽ không hối tiếc vì chuyện này đâu và ngài sẽ nhận được một bội tinh cao cấp. Nhưng, chúng ta phải làm cho êm! Kẻo không chúng bẻ cổ tôi.

Lúc nào tôi cũng vẫn là kẻ đầy tớ tuyệt vọng quì dưới chân ngài.

Người tự do tư tưởng hối cải.

Nặc danh

Ông tổng đốc giải thích rằng thư đó bỏ vào nhà viên quản dinh ngày hôm qua, trong lúc mọi người vắng mặt.

Piot'r hỏi gần như lỗ mãng:

- Thế ông coi nó như thế nào?

- Tôi cho đó là một trò đùa.

- Tôi nghĩ rằng ông đúng. Tôi thấy khó ai mà lừa ông cho nổi.

- Tôi cho là thế phần lớn bởi vì thực ra nó xuẩn ngốc quá.

- Thế ông có nhận đước lá thư nặc danh nào khác nữa không?

- Có, hai cái.

- Cũng giọng văn như thế? Cũng tuồng chữ đó?

- Giọng văn khác và tuồng chữ khác.

- Nhưng họ viết có pha trò, như lá thư này không?

- Có, họ cũng định pha trò, nhưng thực ra chỉ càng lợm giọng.

- Như ông nói, ông đã nhận được những lá thư khác cùng một loại, thì lá thư này ắt là cũng phải phát xuất từ một nguồn đó.

- Đặc điểm chính của những lá thư này là sự xuẩn ngốc. Những người kia là kẻ có học - quyết là họ không viết lăng nhăng như thế này.

- Hẳn rồi. Dĩ nhiên là không.

- Nhưng giả sử người này thực sự muốn cung cấp tin cho chúng ta thì sao?

Piot'r nói cụt lủn cắt ngang:

- Hoàn toàn không thể xảy ra. Nghĩa lý ra làm sao mà lại điện văn của Phòng Ba, rồi lại trợ cấp? Rõ ràng, là chọc quê ông.

Ông Lembke xấu hổ đáp:

- Phải, tôi nghĩ là anh nói đúng.

- Tôi bàn với ông như thế này - để tôi giữ lá thư đó trong một thời gian. Tôi cam đoan sẽ tìm ra được người gửi. Còn sớm hơn là tìm được bọn kia nữa.

Ông Lembke đồng ý, mặc dù hơi ngần ngại:

- Được, anh giữ lấy.

- Thế ông đã đưa cho ai xem chưa?

- Chưa, dĩ nhiên là không. Đời nào tôi mà lại làm chuyện đó?

- Còn bà Lembke thì sao?

- Trời đất ơi! Anh nói cái gì vậy? Cốt nhất, là đừng cho bà ta xem! - Ông tổng đốc hốt hoảng kêu lên. - Nó sẽ làm bà xỉu... và bà ta sẽ sinh sự với tôi.

- Phải, bà ấy sẽ trách ông trước tiên, và nói rằng nếu người ta dám viết cho ông như vậy cũng là do lỗi ở ông. Lý luận đàn bà ấy mà, biết thừa đi. Thôi, xin chào ông nhé. Tôi có thể đem tác giả lá thư này lại nộp cho ông trong vòng hai hay ba ngày. Nhưng, cần nhất là ông nhớ đến thỏa ước của chúng ta.

4

Piot'r Verkhovenxki có thể không phải là một người ngu xuẩn, nhưng tù nhân khổ sai là Fedca đã nói đúng về anh ta, khi hắn bảo rằng: "Hắn ta sống với mẫu người do hắn bịa đặt ra". Thế nên, sau khi giã từ ông Lembke, anh ta cảm thấy chắc chắn rằng ông tổng đốc sẽ kín miệng ít nhất trong sáu ngày, một thời gian trì hoãn anh ta cần thiết. Nhưng anh ta tự đánh lừa mình, và cái sai lầm của anh ta là đã tạo trong trí tưởng tượng hình ảnh một ông tổng đốc Lembke ngốc nghếch.

Giống như bất cứ một kẻ nào khác mà nghi ngờ đã trở hành mệt căn bệnh, ông Lembke thoạt tiên bao giờ cũng hớn hở khi một điều mơ hồ bị xóa tan. Ông cảm thấy tình thế đã xoay sang chiều hướng tốt, mặc dù những cái rắc rối phiền hà nó gây ra cho ông. Ít nhất, những điều hồ nghi ám ảnh ông từ trước đã chứng tỏ hoàn toàn vô căn cứ. Thêm nữa, mới đây ông cảm thấy quá mệt, quá kiệt lực một cách vô vọng, tới nỗi tự nhiên ông trông mong an nhàn. Nhưng, hỡi ôi, những điều gở mới lại bắt đầu ùa đến xâm chiếm ông. Khoảng thời gian dài ở Petersburg đã ghi một dấu vết không bao giờ phai nhòa lên con người ông. Ông biết rành về "thế hệ mới", vì với địa vị chuyên môn của ông, ông quá quen với những hồ sơ mật về họ, và ông còn là một người tò mò ưa sưu tập truyền đơn của họ. Tuy vậy, ông không bao giờ có thể hiểu được gan ruột của họ. Bây giờ ông cảm thấy mình như một đứa bé lạc trong rừng già. Một tiếng nói tự thâm tâm mách cho ông biết rằng có một cái gì chương chướng và giả dối trong những lời lẽ của Piot'r. Ông cãi nhau với nó: "Nhưng, làm thế quái nào mà ai biết được cái bọn "thế hệ mới" đó sẽ làm gì, hay có những chuyện gì xảy ra trong bọn chúng?"

Như để làm ông càng bực mình thêm, cái đầu của Blium ló ra trong khe cửa. Suốt trong thời gian Piot'r có mặt, Blium lúc nào cũng ở lại ngay gian phòng kế cận. Anh chàng Blỉum này là bà con xa với ông Lembke, đó là một điều mà ông tổng đốc bao giờ cũng giấu giếm cẩn thận. Tôi xin cáo lỗi, nhưng tôi cảm thấy rằng, dù cho anh ta không quan trọng mấy, ở đây cũng cần phải nói qua loa về Blium. Đó là một kẻ thuộc cái loại lạ lùng gồm những người Đức "thất bại", họ "thất bại" không phải là vì họ quá bất tài, mà thực ra không biết vì sao. Nhưng người Đức "thất bại" không phải là những sinh vật hoang đường - họ có thực, ngay cả ở nước Nga nữa - và tự hợp thành một chủng loại riêng. Ông Lembke luôn luôn tỏ ra quan tâm cho Blium một cách rất mực cảm động. Hễ khi nào có thể, và tùy theo bước tiến thân của ông trên hoạn lộ, bao giờ ông cũng chỉ định Blium vào chức vụ nào tốt đẹp nhất dưới quyền của ông. Nhưng Blium chẳng bao giờ gặp may. Hoặc chức vụ của anh ta bị bãi bỏ, hoặc một viên thượng cấp mới không có cảm tình mấy lại được thuyên chuyển đến. Có một lần anh ta suýt nữa phải xách chiếu ra tòa đại hình vì gây gổ với một công chức khác. Anh ta là một người tận tâm, nhưng thường tận tâm một cách không cần thiết, và bẳn tính chỉ làm anh ta thiệt thòi. Anh ta cao lớn, tướng đi hơi còng, tóc đỏ hoe, vẻ mặt u ám, và thực ra khá mẫn cảm. Dù nhiệt thành cách mấy, thường khi anh ta cũng bướng bỉnh như con lừa. Và khi anh ta giữ một lập trường bất di bất dịch, bao giờ anh ta cũng chọn sai mục tiêu và không đúng lúc. Hai vợ chồng anh ta và bầy con đông đảo đều trung thành một cách cuồng nhiệt với vị ân nhân. Ngoài ông Lembke ra chẳng có ai ưa anh ta cả. Bà tổng đốc mới gặp anh ta là đã ghét ngay, nhưng không bao giờ thuyết phục nổi chồng, vì ông vẫn khăng khăng giữ anh ta bên mình. Điều ấy đã là đề mục cho cuộc cãi cọ đầu tiên của hai vợ chồng, và nó xảy ra rất sớm - thực ra là ngay trong tuần trăng mật khi Blium ló mặt trên sân khấu, sau mấy ngày được che giấu trong hậu trường. Bà Julia sững sờ khi biết mối liên hệ họ hàng bí mật và xấu hổ giữa hai người. Mặc dù ông Lembke đã phải chắp tay năn nỉ và kể lại một cách hết sức cảm động tiểu sử buồn đau của Blium, và tình bạn giữa hai người từ hồi thơ ấu, bà Julia vẫn cảm thấy đó là một sự nhục nhã thâm căn cố đế, và bà dùng đủ mọi mưu kế, kể cả việc giả lên cơn động kinh ngất xỉu, để tạo sự đổ vỡ giữa hai người đàn ông. Nhưng ông Lembke không hề lay chuyển, và tuyên bố ông sẽ không chịu để Blium đi. Bà rất ngạc nhiên về sự kiên quyết của ông, và cuối cùng đành nhượng bộ cho phép chồng giữ Blium lại. Tuy nhiên, hai bên thỏa thuận với nhau rằng chuyện Blium có họ hàng với ông Lembke là một điều bí mật càng phải giữ kín hết sức, hơn cả trước kia nữa, và tên cùng phụ danh của anh ta cũng phải thay đổi, vì một sự ngẫu nhiên lạ lùng lại trùng với tên ông. Trong tỉnh Blium không chơi với ai ngoài một nhà bào chế thuốc người Đức. Anh ta không bao giờ đến thăm ai, và cũng như ở các nơi trước, anh ta sống một đời chật hẹp và khép kín. Từ lâu, anh ta đã được biết về những sáng tác văn nghệ thầm kín của ông Lembke. Thường khi, anh ta tình nguyện dự những buổi thính văn bí mật, và ngồi im lặng nghe ông Lembke đọc bản thảo tiểu thuyết, đôi lúc kéo dài đến sáu giờ đồng hồ liền; anh ta ngồi cứng ngắc, mồ hôi nhỏ giọt, hết sức cầm mình cho khỏi ngủ gà ngủ gật và cố giữ nụ cười trên môi. Khi về nhà, anh ta than với vợ, là một thiếu phụ cao và gầy, về cái đam mê khốn khổ của vị ân nhân đối với văn chương Nga.

Bây giờ, khi Blium bước vào, ông Lembke nhìn anh ta một cách thống khổ. Ông nói nhanh, bằng một giọng lo lắng, như sợ rằng Blium nối lại câu chuyện đã bị Piot'r làm gián đoạn:

- Blium, - tôi xin anh để tôi một mình.

Blium năn nỉ, kính trọng nhưng vẫn bướng bỉnh; anh ta khom lưng bước chậm lại phía ông tổng đốc:

- Tuy nhiên, tôi tin là chuyện đó vẫn có thể thu xếp một cách khéo léo và kín đáo, không ai hay biết, ông có đủ thẩm quyền cần thiết để xử sự.

- Anh biết không, Blium, anh trung thành với tôi quá, đến nỗi mỗi lần ngắm anh tôi không sao tránh được sợ hãi.

Ông bao giờ cũng thú vị nói những câu hay ho như thế, rồi lát nữa ông cảm thấy không còn gì đáng lo và đi ngủ kỹ, hài lòng về lời lẽ của mình. Nhưng như thế, về lâu về dài, ông chỉ tự hại thôi.

- Anh biết không, Blium, tôi vừa mới rút ra kết luận là bao lâu nay chúng ta đã sai lầm hết.

- Điều gì đã làm ông nghĩ như vậy? Người thanh niện hư hỏng kia, một kẻ mà chính ông cũng ngờ vực, đã nói với ông những gì? Gã đã nịnh hót tài văn chương của ông để chinh phục cảm tình.

- Anh không hiểu tí gì hết. Kế hoạch của anh khờ lắm.

Chúng ta sẽ không tìm thấy gì đâu, chỉ gây ra một loạt phản đối, và thành trò cười cho thiên hạ mà thôi. Rồi lại còn Julia Mikhailovna nữa...

Blium xích lại gần ông Lembke hơn, anh đặt bàn tay mặt lên chỗ trái tim và hỏi:

Tôi quyết chắc chúng ta sẽ tìm thấy những gì trông đợi. Chúng ta sẽ lục soát bất ngờ, vào lúc nửa đêm về sáng, triệt để tuân giữ đúng luật pháp, và kín đáo đến cùng. Mấy gã trẻ tuổi Liamsin và Teliatnicov xác nhận rằng chúng ta sẽ tịch thu được tất cả những gì mong muốn. Họ đã đến chơi nhà ông Xtepan Verkhovenxki lắm bận; không ai ưa ông ta cả. Bà Varvara rõ ràng đã quay lưng đi, và mọi người đàng hoàng - nếu trong đám dân cư thô lậu của cái tỉnh chó ăn đá, gà ăn muỗi này còn kiếm ra được một người đàng hoàng - đều đinh ninh rằng nguồn gốc vô thần và khuynh đảo xã hội đều núp náu ở đó. Tất cả những sách cấm đều chất tại nơi ấy - như cuốn Tư tưởng của Ryleev 7 toàn bộ tác phẩm của Herzen, đủ hết. Tôi đã lập sẵn một danh sách gần trọn vẹn, trong trường hợp cần...

- Anh thực ngây thơ quá, anh Blium ạ, ai mà chẳng có những sách đó.

Blium vẫn tiếp tục, không để ý đến sự ngắt lời của ông tổng đốc:

- Nhưng ở đó còn vô số truyền đơn và tuyên ngôn nữa. Sau chót, tôi tin chắc chúng ta sẽ tìm ra được kẻ nào sản xuất truyền đơn ở tỉnh này. Tôi xern ra Piot'r rất, rất là khả nghi.

- Xem ra anh lẫn lộn cha với con hết rồi, Blium. Họ có tương đắc tí nào đâu, anh cũng biết chứ. Người con còn cười thẳng vào mặt cha nữa.

- Họ chỉ đóng kịch thôi.

- Blum, anh nhất định làm tôi phải phát điên hay sao! Anh thử nghĩ lại một chút xem: dù ai nói sao mặc lòng, ông ta cũng là một nhân sĩ tỉnh nhà. Ông ta là một cựu giáo sư, có danh phận; rồi ông ta sẽ làm rùm beng lên, và chúng ta sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ; bọn kia lại sổng mất. Hơn nữa, anh thử nghĩ, rồi ra Julia Mikhailovna sẽ nói sao.

Nhưng Blium vẫn bướng bỉnh, không chịu nghe gì hết. Anh ta đấm ngực mà nói:

- Ông ta chỉ là giảng viên và chỉ vào ngạch giáo sư phụ tá lúc hồi hưu. Ông ta chưa hề được thưởng huân chương gì và bị giải chức vì tình nghi hoạt động phản nghịch chống chế độ. Từ đó, ông ta vẫn bị mật vụ theo dõi, và tôi chắc đến nay vẫn còn. Vì vậy, xét tình trạng bất an hiện nay, ông có bổn phận phải can thiệp. Ông đang để lỡ cơ hội chứng tỏ khả năng xuất sắc bằng cách khám phá ra thủ phạm.

Ông tổng đốc chợt la lên, vì vừa nghe thấy tiếng bà vợ ở phòng kế cận:

- Julia! Chuồn đi, Blium!

Blium rùng mình, nhưng chưa chịu bỏ cuộc. Anh ta lấy hai tay đập vào ngực mà nài nỉ:

- Ông cho phép, cho phép tôi hành động.

Ông Lembke nghiến răng khẽ thốt:

- Đi đi, đi đi! Để sau... rồi anh muốn làm sao thì làm. Ôi lạy Chúa!

Tấm màn dày trước cửa rẽ làm đôi và bà Lembke xuất hiện. Bà oai nghi dừng lại, lấy cặp mắt cao kì và khinh thị nhìn Blium từ đầu tới chân như thể ngay sự có mặt của anh ta cũng là một xúc phạm tới bà Blium cúi đầu lễ phép chào bà, và khom mình kính cẩn nhón bước ra phía cửa, hai tay khẽ dang ra.

Dù cho Blium hiểu theo nghĩa đen cái câu bực tức mà ông Lembke thốt ra sau chót - nghĩa là, cho phép anh tùy ý xử sự, - hoặc anh cho rằng làm như thế là tốt cho vị ân nhân của anh, trong niềm tin tưởng rằng anh có thể bảo đảm thành công tối hậu của kế hoạch, chúng ta cũng sẽ thấy là cuộc đàm thoại giữa quan tổng đốc và thuộc viên đó sẽ mang lại những hậu quả bất ngờ nhất. Những hậu quả này làm khối người vui cười, gây tiếng vang lớn, khiến bà tổng đốc nổi cơn thịnh nộ, và hoàn toàn xáo trộn đầu óc của ông Lembke, đẩy ông rơi vào tình trạng bất định thảm hại nhất chính ngay giây phút quyết liệt.

5

Piot'r ngày hôm ấy thực mệt nhoài, ở dinh tổng đốc ra, anh ta hối hả đến đường Giáng sinh, nhưng trên đường đi qua phố Chuồng Bò, anh ta phải tạt ngang nhà mà Karmazinov đang tạm trú. Anh ta chợt nhe răng cười, hin hin mũi, và ghé vào. Anh ta xưng tên và người hầu trở lại thưa:

- Ông chủ đang chờ ngài.

Điều này làm Piot'r khá sửng sốt: anh ta chưa hề hứa hẹn tới thăm Karmazinov bao giờ.

Nhưng sự thực nhà đại văn hào kia đang chờ đón anh ta. Đúng ra, ông đã mong anh ta từ hôm qua, hôm kia. Bốn bữa trước, Karmazinov đã trao cho Piot'r tập bản thảo của ông, nhan đề là Cảm tạ, mà ông định đọc tại buổi họp mặt văn nghệ do bà tổng đốc tổ chức: Karmazinov làm thuần vì lịch sự và chắc rằng hành vi của ông sẽ khiến chàng thanh niên nở mũi, vì nhờ đó có dịp làm quen với danh tác văn chương kia trước mọi người. Piot'r đã nhận thấy từ lâu là con người kiêu ngạo này, người đã bị danh vọng làm hư và cao kỳ bắc bực một cách khiếm nhã đối với kẻ phàm, con người "hùng tài đại trí" này, đang ra mặt vuốt ve chiều chuộng anh ta, đôi khi một cách quá ư lộ liễu. Anh ta phỏng đoán rằng, dù cho bậc vĩ nhân kia không xem anh ta như lãnh tụ thực thụ của toàn thể phong trào cách mạng bí mật, thì ít ra ông cũng cho anh ta là một trong những người thông suốt mọi bí mật của phong trào này ở nước Nga, và có một ảnh hưởng không thể chối cãi đối với thế hệ trẻ. Tâm trạng của "bộ óc thông minh nhất nước Nga" đó làm cho Piot'r chú ý, nhưng vì những lý do riêng, cho đến nay anh ta vẫn tránh không chuyện trò thân mật với ông.

Nhà đại văn hào Karmazinov tạm trú tại nhà của bà chị; bà này kết hôn với một điền chủ địa phương làm thị vệ tại triều. Cả hai vợ chồng đều hết lòng thán phục người em lừng danh, và hiện rất tiếc vì phải lên Moskva mà không ở được tỉnh. Căn nhà vì thế chỉ có một bà già trông nom. Bà này là một người họ hàng nghèo túng của viên thị vệ, và bình thường giữ nhiệm vụ quản gia. Từ khi Karmazinov đến cả nhà bắt đầu bước chân rón rén. Bà hầu như mỗì ngày đều gửi báo cáo về Moskva trình rõ cái ăn cái ngủ của bậc vĩ nhân; một lần bà còn đánh cả dây thép để báo cáo rằng, sau một bữa tiệc tại nhà ông thị trưởng, ông Karmazinov đã phải dùng một muỗng đầy thứ thuốc gì đó. Chỉ trong những dịp rất họa hoằn đặc biệt bà mới dám đặt chân vào phòng ông. Về phần Karmazinov, ông vẫn lịch sự với bà, tuy giọng nói có phần lạnh lùng, và chỉ khi nào cần gì ông mới cất tiếng hỏi bà.

Khi Piot'r bước vào, nhà đại văn hào kia dạng dùng bữa sớm với lườn bò và nửa li rượu vang đỏ. Mọi lần ghé thăm trước, Piot'r bao giờ cũng thấy ông dùng bữa sớm với lườn bò, và ăn ngay trước mặt khách mà không khi nào Karmazinov ra dấu mời chào. Thông lệ là sau món lườn thì tới một tách cà phê nhỏ. Người hầu mặc áo choàng và đeo bao tay, chân đi dép mềm, không gây tiếng động, phục dịch ông.

Karmazinov đang ngồi ở trường kỉ đứng dậy và vui vẻ kêu lên: "A!" Ông lấy khăn ăn chùi miệng rồi vội vã tiện ra để trao hôn với khách, theo thói quen của những người Nga một khi đã nổi danh. Nhưng bằng kinh nghiệm, Piot'r đã thừa biết là Karmazinov chỉ làm ra vẻ ôm hôn người khác, trong khi thực sự ông chỉ giơ má chờ người ta hôn, mặc dù chính ông mở màn cho nghi lễ. Piot'r cũng chìa má của mình ra. Thế là lần này hai má đụng nhau. Karmazinov làm như không nhận thấy thủ đoạn ấy; ông ngồi uống trường kỉ vui vẻ ra dấu cho Piot'r ngồi cái ghế bành đối diện. Anh ta lập tức ngả mình xuống ngay. Trái với lệ thường, Karmazinov lên tiếng hỏi, nhưng ngầm gợi ý một sự từ chối một cách lịch sự:

- Anh hẳn đã dùng bữa rồi chứ?

Hẳn nhiên là Piot'r đáp liền ngay là chưa và anh sẵn sàng dùng bữa. Gương mặt chủ nhân thoáng vẻ ngạc nhiên bất bình. Nhưng nó chỉ lộ trong giây phút. Ống nóng nảy rung chuông gọi người hầu, và dù giọng ông vẫn hoàn toàn nhã nhặn, người ta vẫn nhận thấy một chút gì bực tức gay gắt, khi ông sai người hầu dọn thêm phần ăn cho một người nữa. Karmazinov hỏi:

- Anh thích dùng gì, lườn bò hay cà phê?

Piot'r vừa trả lời vừa chăm chú quan sát trang phục của nhà văn:

- Luôn cả hai chứ: lườn bò và cà phê, và dĩ nhiên, tôi ưa có thêm chút rượu vang nữa. Đói lắm rồi.

Ông Karmazinov mặc một thứ áo chẽn kép trong nhà có gắn khuy xà cừ. Áo khí ngắn và phình căng trên cái bụng to bệu tròn trịa của ông. Nhưng thôi, mỗi người có một thị hiếu. Hai mảnh len đan hình quả trám che đôi đầu gối của ông và chảy dài chạm đất, mặc dù căn phòng cũng ấm áp chán.

Piot'r cất tiếng hỏi:

- Ông bị đau hay sao?

Nhà văn trả lời the thé, nhưng điệu bộ nắn từng tiếng và uốn éo giọng một cách quí phái:

- Không, tôi đâu có đau, nhưng tôi sợ có thể dễ bị cảm với thời tiết này. Tôi mong anh từ hôm qua.

- Sao vậy? Tôi có hẹn sẽ đến khi nào đâu?

- Phải, anh không hẹn, dĩ nhiên rồi, nhưng anh giữ tập bản thảo của tôi. Anh đã đọc chưa?

- Bẳn thảo ư? Bản thảo gì?

Karmazinov hoảng kinh. Ông giật mình đến ngừng cả ăn, mà nhìn Piot'r chòng chọc soi mới.

- Thể anh có mang theo không? Anh có giữ trong mình bây giờ đó không?

- À, ông muốn nói cái xấp Thân chào đó, phải không?

- Cảm tạ...

- Thì Cảm tạ, cũng được. Không, tôi quên bẵng nó mất rồi. Tôi chưa ngó ngàng gì đến nó cả. Bận quá đi mất. Dường như túi trên, túi dưới gì đều không có cả; chắc tôi để nó trên bàn ở nhà rồi. Nhưng ông đừng lo, thế nào tôi cũng tìm ra mà.

- Không được, tôi nghĩ phải sai người đến chỗ anh ở mới được, kẻo nó lạc mất - hay kẻ nào khác lấy trộm mất.

- Ai trên đời này thèm ăn trộm nó làm gì! Mà việc gì ông phải cuống lên? Bà Lembke nói rằng bao giờ tác phẩm ông cũng có mấy bản, một gửi ở văn phòng luật sư tại nước ngoài, một để ở Petersburg, một để ở Moskva, và một cất trong tủ sắt của ông ở ngân hàng. Có đúng như vậy không?

- Nhưng, anh cũng biết, Moskva cũng có thể cháy tiêu với luôn bản thảo của tôi. Không được, tốt hơn tôi nên sai một người tới ngay nhà anh.

- Khoan đã, nó đây rồi! - Piot'r thình lình kêu lên, và rút một xấp giấy ở sau túi quần ra. - Xin lỗi, nó hơi bị nhàu nát. Thử nghĩ xem kể từ lúc tôi lấy của ông, nó vẫn nằm nguyên ở sau túi quần tôi cùng với chiếc khăn tay. Tôi quên tiệt nó đi mất.

Karmazinov hăm hở chộp ngay lấy tập bản thảo, ngắm nó tỏ ra hết sức quan hoài, đếm từng tờ, rồi trịnh trọng đặt nó bên cạnh người, trên một chiếc bàn tròn nhỏ, mà chốc chốc ông lại ngó chừng. Ông rít lên, cầm mình hết nổi:

- Anh không có vẻ ham đọc cho lắm.

- Phải, chẳng ham mấy.

- Thế về văn chương Nga hiện đại, anh có đọc cái gì không?

- Về văn chương Nga hiện đại? Xem đã... tôi có đọc... Dọc đường... Lên đường, hay Ngã tư đường gì đó, tôi nhớ không rõ cho lắm. Tôi đọc đã lâu rồi, năm năm thì phải. Tôi không có lấy thì giờ đọc nữa.

Một lúc im lặng. Sau một lát, Karmazinov nói:

- Khi tôi mới tới đây, tôi cam đoan với mọi người rằng anh là một người cực kỳ thông minh, và dường như bây giờ thiên hạ ai cũng say mê anh cả.

Piot'r trả lời thản nhiên:

- Cảm ơn.

Bữa ăn dọn ra. Chàng thanh niên khoan khoái tấn công miếng lườn ngấu nghiến chỉ nháy mắt là xong. Anh uống li rượu vang, rồi bắt đầu nhấm nháp cà phê. Karmazinov nhai miếng thịt, sau chót, hớp ngụm rượu cuối cùng, khẽ đưa mắt liếc Piot'r và nghĩ: "Tên vô học này có lẽ đã thấu hiểu lời mỉa mai của ta. Chắc hẳn hắn cũng đã say sưa đọc bản thảo của mình - nhưng chỉ khoác lác làm bộ làm tịch. Nhưng biết đâu hắn không phải giả vờ, mà là ngốc thực sự. Nhưng ta thích những thiên tài có đôi phần ngốc nghếch, và không chừng hắn là một thiên tài thực. Dù sao, cũng mặc xác hắn!"

Nhà văn đứng dậy và bắt đầu bước tới bước lui trong phòng cho dễ tiêu. Sau bữa ăn nào ông cũng vận động như thế. Piot'r hỏi ông:

- Ông có ở lại đây lâu không?

- Thực ra, tôi về đây để bán điền sản; mọi chuyện đều tùy thuộc vào viên quản lý.

- Ồ, vậy ra không phải ông về nước vì sợ có nạn dịch xảy ra ở Pháp sau chiến tranh 8 sao?

- Khô... ông... đó không hẳn là lý do. - Ông vừa làm duyên uốn éo câu nói vừa bách bộ trong phòng, và mỗi lần quay lại ông đều gõ bàn chân phải. Ông cười gằn một cách độc địa và nói tiếp: - Mặc dù, tôi nhất quyết sống dai chừng nào hay chừng ấy. Trong giai cấp thượng lưu Nga có một cái gì mòn mỏi rất chóng, về cả mọi mặt. Nhưng tôi mong ước càng mòn mỏi chậm càng hay, và vì thế tôi định sẽ ra nước ngoài sống luôn. Khí hậu ở bên ấy tốt hơn, nhà xây bằng đá hợp vệ sinh hơn, và mọi thứ đều chắc chắn hơn. Tôi nghĩ châu Âu còn vững bền khá lâu - ít nhất cho đến hết đời tôi. Anh có thấy thế không?

- Tôi biết thế quái nào được mà ông hỏi.

- Hừ. Nếu cái Âu châu Babylon 9 kia có ngày nào sụp đổ thì đó thực là một tai họa vĩ đại. Tôi đồng ý với anh về điểm đó, mặc dầu, như tôi đã nói, tôi chắc chắn nó còn tồn tại cho đến hết đời tôi. Còn về nước Nga, thì trái lại, chẳng có gì để sụp đổ cả. Nước Nga thần thánh tuyệt đối không có khả năng kháng cự lại bất cứ cái gì, thua hẳn các xứ khác. Đám quần chúng ngu ngốc còn bám vào Thượng đế của nước Nga mà tạm sống cho qua ngày, nhưng theo những báo cáo mới nhất, vị Thượng đế ấy cũng không còn đáng tin cậy nữa và việc giải phóng nông nô cải cách ruộng đất đã làm ngài đứng không còn vững nữa. Nói cho ngay, ngài đã trở thành rất lung lay. Bây giờ lại có thêm đường xe lửa và thanh niên các anh... tôi hoàn toàn hết tin tưởng vào Thượng đế của nước Nga rồi.

- Thế còn Thượng đế của Âu châu?

- Tôi không tin vào Thượng đế nào cả. Tôi đã bị xuyên tạc trước thế hệ thanh niên nước này. Tôi đồng tình với hầu hết các vận động của giới trẻ. Tôi đã thấy những truyền đơn lưu hành ở đây. Nhiều người sửng sốt vì lời lẽ trong đó, tuy nhiên họ không ngờ rằng chính họ đã bị thông diệp mạnh mẽ kia ảnh hưởng. Đã từ lâu tất cả chúng ta trượt xuống "hố thẳm", mà cảm thấy không có gì bám víu. Riêng tôi, tôi đinh ninh rằng sự tuyên truyền bí ẩn kia sẽ thành công, bởi vì nước Nga mới chính cống là nơi trên thế giới mà chuyện gì cũng có thể xảy ra, không gặp sức kháng cự nào hết. Tôi hiểu rất rõ tại sao những người Nga giàu có lại đổ xô đi nước ngoài và mỗi năm con số di cư lại mỗi tăng. Họ chỉ hành động theo bản năng đó thôi. Khi cái tàu đắm, lũ chuột bỏ trốn đầu tiên. Nước Nga thần thánh là một nước nghèo nàn, nhà cửa bằng gỗ, và... nguy hiểm. Đó là một nước gồm những kẻ ăn mày, thứ ăn mày kiêu căng trong tầng lớp thượng lưu, trong khi đại đa số chui rúc trong những lều gỗ ọp ẹp. Dân chúng Nga sẽ chào đón bất cứ giải pháp nào, miễn là có người đưa ra. Những kẻ đương quyền còn cố chống lại, nhưng chỉ còn biết múa dùi cui loạn xạ, đập cả lên đầu chính những kẻ ủng hộ họ: Mọi thứ ở nước này đều tới số. Nước Nga như hiện tình chẳng có tương lai gì. Tôi đã trở thành một người Đức, và tôi lấy làm hãnh diện lắm.

- Ông mới nói đen các truyền đơn; tôi muốn biết thực sự ông nghĩ sao về chúng?

- Ai cũng sợ truyền đơn cả; như vậy chúng phải có tác dụng lớn. Chúng phơi bày các sự giả trá, và chứng minh rằng trong xứ sở này người ta không thể dựa vào hay trông mong được gì nữa. Chúng nói lên trong khi mọi người xung quanh đều im hơi lặng tiếng. Điểm mạnh, nhất của chúng - mặc dù lời lẽ và cách hành văn - là sự táo tợn đối diện với sự vật thực tế. Khả năng đối diện với chân lý chỉ riêng thế hệ trẻ ở Nga ngày nay mới có. Tại Âu châu, họ chưa táo bạo đến thế; bên đó có những cơ cấu bằng đá và dân chúng còn có cái gì bấu víu vào. Theo những gì tôi thấy và phán đoán, chủ chổt của tư tưởng cách mạng Nga là sự phủ nhận danh dự. Tôi thán phục cái lề lối thẳng thắn và táo tợn của họ khi bầy tỏ điều đó. Ở Âu châu người ta chưa hiểu tư tưởng ấy đâu, nhưng ở Nga đó chính là cái dân chúng sẽ vồ vập lấy. Đối với một người Nga, danh dự không là cái gì khác hơn một gánh nặng; nó hoàn toàn vô dụng trong suốt lịch sử chúng ta. Nhân dân Nga sẽ nồng nhiệt ùa theo kẻ nào hứa hẹn với họ cái quyền tha hồ xử sự một cách bất kể đến danh dự. Chính tôi, tôi thuộc vào thế hệ đứng tuổi, và tôi phải nhận rằng tôi còn bám lấy danh dự. Nhưng cái đó với tôi chỉ là một thói quen không hơn không kém. Không chừng tôi chỉ thích cái lề lối xưa là vì hèn nhát - thôi thì ai cũng phải sống cho mãn kiếp, và chết theo những nguyên tắc mà cả đời đã bám víu vào...

Ông thình lình ngưng nói và mơ màng nghĩ: "Mình nói cho cố mạng trong khi hắn ngồi im giương mắt ra mà ngó. Hắn tới đây mong ta hỏi thẳng một câu, thì ta hỏi cho rồi."

Nhưng bất chợt Piot'r mở miệng:

- Bà Lembke nhờ tôi đên dây, bằng mọi cách, tìm cho ra ông đang sửa soạn món bất ngờ gì cho buổi dạ hội vào ngày hôm kia.

Karmazinov trịnh trọng nói:

- Phải lắm. Tôi có một bảo bối sẽ làm cho thiên hạ phải thực sự ngạc nhiên. Nhưng tôi không tiết lộ bí mật đâu.

Piot'r cũng không nài. Nhà văn hào lại hỏi:

- Anh hẳn biết một tay tên là Satov sống ở đây chứ? Anh thử nghĩ - tôi vẫn chưa có dịp gặp y.

- Tay đó hay lắm. Nhưng ông hỏi làm gì?

- Ồ, không có gì đặc biệt, nhưng dường như hắn đi lung tung nói đủ thứ chuyện. Phải hắn là người đã thoi vào mặt Xtavroghin đó không?

- Chính hắn.

- Anh nghĩ ra sao về Xtavroghin?

Piot'r lẩm bẩm:

- Tôi không rõ - dường như cũng chỉ là một thứ chơi bời.

Gần đây, Xtavroghin có vẻ không thèm để ý đến ông nên Karmazinov rất căm. Ông cười giả tạo:

- Nếu có khi nào các điều mà truyền đơn chủ trương được thực hiện, tôi cho rằng kẻ chơi bời đó sẽ là một trong những người đầu tiên bị treo cổ lên ngọn cây.

Piot'r nói phắt ngay:

- Có thể trước đó nữa.

Karmazinov không cười nữa; giọng ông nghiêm chỉnh quá là đằng khác:

- Càng tốt cho hắn.

- Ông nhớ không, ông đã nói câu đó một lần rồi, và tôi đã kể lại cho anh ta nghe là chính ông nói.

Karmazinov cười mà hỏi lại:

- Anh bảo với hắn ta thực à?

- Và ông biết anh ta nói gì không? Anh ta bảo rằng trong khi anh ta có thể bị treo cổ lên ngọn cây, thì đối với ông chỉ cần đánh đòn một trận là đủ - không phải đánh chiếu lệ đâu, mà đánh cho ra trò như kiểu đánh đòn bọn nông nô vậy.

Piot'r đứng dậy và quơ lấy mũ. Lúc từ giã, Karmazinov giơ cả hai tay ra bắt. Cái giọng the thé của ông bỗng đổi sang ngọt như đường. Ông vừa cầm lấy đôi tay của Piot'r vừa nói:

- Anh nói cho tôi biết, nếu tất cả những gì dự tính sẽ xảy ra thì... thì... nó đến vào lúc nào?

Giọng Piot'r khá sỗ sàng:

- Làm thế quái nào tôi biết được?

Họ im lặng nhìn vào mắt nhau một hồi. Karmazinov nằn nì, giọng càng dịu êm hơn bao giờ hết:

- Phỏng chừng? Đại khái thôi?

- Ông có đủ thì giờ để bán điền sản và xéo khỏi nơi đây, - Piot'r nói càng thêm sỗ. Họ nhìn nhau đăm đăm trong im lặng kéo dài trong một phút. Rồi Piot'r đột ngột loan báo: - Nó sẽ bắt đầu vào tháng Năm, và mọi chuyện sẽ xong xuôi vào tháng Mười.

Karmazinov nắm chặt hai bàn tay của Piot'r mà nói một cách nồng nhiệt:

- Cám ơn anh, thành thực cám ơn anh lắm lắm!

Ra đến đường, Piot'r nghĩ ngợi: "Mi vẫn còn đủ thì giờ để bỏ tầu, lão chuột già kia ơi! Phải, phải, phải, ngay đến con người "hùng tài đại trí" kia mà còn kín đáo hỏi đến cả ngày giờ, và hạ mình cảm ơn khi ta cho biết, tin như thế đó, thì thử hỏi làm sao chúng ta còn có thể tự nghi ngờ được? - Anh ta cười gằn: - Lão ta thực ra cũng không đến nỗi ngu ngốc, nhưng chỉ là một thứ chuột chạy trốn, - hẳn sẽ không đi chỉ điểm ta. Cái ngữ đó có bao giờ dám.

Thế rồi anh ta hộc tốc băng lại nhà Filippov ở đường Giáng sinh.

6

Đầu tiên Piot'r đến thăm Kirillov và thấy anh này đứng giữa phòng có một mình đang tập thể dục; chân dang rộng, quơ hai tay trên đầu một cách kỳ khôi. Có một quả bóng cao su trên sàn nhà, và tách trà buổi sáng bỏ dở nguội lạnh trên bàn. Piot'r đứng trên ngưỡng cửa cả một phút để ngắm, rồi anh vừa bước vào phòng vừa cất to tiếng vui vẻ chào hỏi:

- Tôi thấy anh đang chăm sóc sức khỏe cẩn thận lắm. A, anh có trái bóng đẹp quá! Nó nảy hay ghê! Anh có dùng cả nó để tập thể dục nữa không?

Kirillov khoác áo vào và lạnh lùng đáp:

- Có, nó cũng tốt cho sức khỏe. Ngồi chơi.

- Tôi chỉ ghé thăm một phút, nhưng thôi ngồi cũng được. Anh nghĩ về sức khỏe cũng là điều hay, nhưng tôi tới để nhắc nhở anh về thỏa ước giữa chúng ta. Có thể nói thời gian đã gần kề, - Piot'r lúng túng xoay trở trong ghế mà báo tin.

- Thỏa ước gì?

Piot'r lo lắng hỏi, dường như phát hoảng:

- Anh định nói sao mà hỏi lại tôi thế đó?

- Không có thỏa ước nào cả. Tôi không có nghĩa vụ gì.

- Anh lầm.

Piot'r càng rối thêm. Anh chồm phắt dậy:

- Cơ sự ra làm sao?

- Tôi hành động theo ý chí mình.

- Ý chí nào?

- Như trước đây.

- Như thế tôi phải hiểu ra sao? Nó có nghĩa là anh vẫn giữ những suy nghĩ trước kia?

- Dĩ nhiên. Chỉ có điều là không có thỏa ước gì hết và tôi không mắc nợ anh gì cả. Trước kia là ý chí tự do của tôi, và bây giờ cũng là ý chí tự do của tôi.

Kirillov lạnh lùng giải thích, vẻ mặt khinh miệt. Piot'r ngồi xuống ghế, dường như lấy làm thỏa mãn:

- Thế đối với tôi là được rồi; thì cho là ý chí của anh cũng được, miễn là nó không thay đổi. Anh chỉ chơi chữ. Tôi để ý thấy anh gần đây lúc nào cũng dễ nổi nóng, và đó là lý do tôi tránh tới gặp anh. Nhưng nói cho ngay, tôi cũng đinh ninh rằng anh không thay đổi.

- Tôi rất không ưa anh, nhưng anh cứ yên tâm. Tuy nhiên, tôi không thừa nhận thay đổi hoặc không thay đổi.

Piot'r lại lo lắng nói:

- Khoan đã, chúng ta phải thanh toán vấn đề này một lần cho trót - nó cần phải chính xác, mà anh thì cứ làm tôi điên đảo. Anh cho phép tôi nói chứ?

- Anh nói đi. - Kirillov trừng mắt ngó vào một góc phòng.

- Từ lâu anh quyết định quyên sinh tôi muốn nói ý tưởng đó đã nảy ra trong óc anh. Tôi diễn tả như thế có đúng không? Hay có sai lầm?

- Tôi vẫn giữ nguyên ý tưởng đó.

- Tốt lắm, và anh hãy thừa nhận là ở đây không có ai ép buộc anh làm chuyện đó.

- Dĩ nhiên không. Anh nói gì mà ngu ngốc thế!

- Được rồi, tôi nhận là tôi trình bày có phần ngu ngốc. Ép buộc một người khác làm chuyện đó thì ngu ngốc thật. Bây giờ tôi xin tiếp tục: anh là một hội viên trong Phong trào dưới tổ chức cũ, và anh thú nhận với một hội viên khác.

- Tôi không thú nhận gì cả - tôi chỉ nói.

- Phải. Thú nhận chuyện đó thì kỳ cục quá. Thú nhận như thế là ra làm sao? Vậy, anh nói thôi. Hoàn toàn đúng.

- Không, chẳng có hoàn toàn đúng gì cả, bởi vì anh cục tác nhiều quá. Tôi không mắc mớ gì phải giải thích cho anh cả, và hơn nữa anh cũng không thể nào hiểu được tư tưởng của tôi. Tôi muốn quyên sinh bởi vì tư tưởng đó nảy ra với tôi, bởi vì tôi không muốn sợ chết, bởi vì, bởi vì... Chuyện đó không ăn nhằm gì tới anh cả. Tất cả cái đó dính líu gì tới anh? Uống trà? Nguội rồi, đợi đó, tôi sẽ rót cho anh một tách khác.

Thực ra Piot'r đã chộp lấy ấm trà và đang tìm một cái tách không. Kirillov đi lại bên tủ và lấy một cái tách gạch. Piot'r nói:

- Tôi vừa dùng bữa ở nhà Karmazinov, và nghe lão ta thuyết đến chảy cả mồ hôi rồi tôi chạy một mạch lại đây, làm mồ hôi càng tuôn dữ - vì thế, bây giờ tôi rất khát.

- Uống đi. Trà lạnh uống hay lắm.

Kirillov lại ngồi xuống ghế và chú mục vào một góc phòng. Anh tiếp tục bằng một giọng in như trước:

- Trong Phong trào người ta quyết định rằng tôi có thể hữu ích bằng cách tự sát. Vậy nên, khi các anh gây rối ở đây và cảnh sát bắt đầu lùng bắt, tôi sẽ đột nhiên tự bắn mình, để lại một mẩu giấy nói rằng, tất cả là do tôi làm; thế là họ sẽ để yên cho các anh ít nhất là một năm.

- Dù chỉ một vài ngày cũng là quan trọng, dù chỉ một ngày cũng đỡ.

- Phải. Vì vậy, nghĩ như thế rồi, họ yêu cầu tôi chờ, nếu có thể và tôi nói - được, tôi sẵn lòng chờ đến một lúc thích hợp cho Phong trào, bởi vì cái đó đối với tôi không ăn nhằm gì cả.

- Đúng, nhưng nhớ rằng anh đã hứa là khi thảo lá thư cuối cùng của anh đó anh sẽ tham khảo ý kiến với tôi, và khi anh về nước anh sẽ tự đặt mình dưới.. phải, dưới quyền điều động của tôi - còn ngoài ra trong mọi cái khác, dĩ nhiên, anh hoàn toàn tự do, - Piot'r nói thêm, ra chiều ngọt xớt.

- Tôi không hứa hẹn gì cả. Tôi chấp nhận bởi vì tôi cóc cần.

- Tốt lắm, tốt lắm. Tôi không hề có chút ý định lấn lướt vào chuyện riêng tư hay động đến tự ái của anh, nhưng...

- Chuyện đó không liên can gì tới tự ái...

- Nhưng anh nhớ là họ đã đóng góp một trăm hai chục taler 10 để mua vé xe cho anh về nước, vậy là chót hết anh cũng có nhận tiền.

Kirillov đỏ mặt nổi giận:

- Làm gì có chuyện đó. Không ai ăn tiền để làm chuyện kia cả.

- Cũng có người.

- Anh nói láo. Như đã hứa trong thư, tôi đã trả tiền lại cho các anh - cho ngay cá nhân anh. Một trăm hai chục taler - và số tiền ấy hẳn phải được gửi sang bên ấy, trừ khi chính anh không gửi đi.

- Phải, phải, tôi không phủ nhận điều đó. Tôi có gửi tiền đi rồi. Cái chính yếu là ahh chưa thay đổi ý định chứ?

- Tôi chưa. Bất cứ khi nào anh tới và bảo cho tôi biết thời gian đã đến, là tôi sẽ làm. Sắp chưa?

- Một vài ngày nữa. Nhưng nhớ là chúng ta sẽ cùng nhau soạn lá thư, ngay đêm đó.

- Ngày hay đêm, tôi cóc cần. Anh nói rằng tôi sẽ nhận trách nhiệm về các truyền đơn?

- Đúng, và thêm một thứ khác nữa.

- Tôi không nhận trách nhiệm về đủ mọi thứ.

Piot'r lại lo lắng:

- Anh không nhận trách nhiệm về những gì?

- Về bất cứ cái gì mà tôi cầm thấy không thích. Nhưng thế đủ rồi. Tôi không muốn nói thêm về chuyện đó nữa.

Piot'r dằn mình và đổi đề tài.

- Được, nói thứ khác: anh có đến thăm chúng tôi tối nay không? Bữa nay sinh nhật Virghinxki và chúng ta sẽ lấy cớ đó mà túm năm tụm ba.

- Tôi không muốn tới.

- Anh làm ơn tới cho - anh thực thế nào cũng phải tới. Chúng ta phải làm cho họ ngợp bằng số đông và bằng cốt cách của chúng ta - con người anh có cốt cách của định mệnh.

Kirillov cười:

- Thực à? Thôi được, tôi sẽ tới, nhưng không phải vì cái cốt cách của tôi. Mấy giờ?

- Càng sớm càng tốt. Nếu có thể, anh hãy có mặt ở đó lúc sáu giờ rưỡi. Và nếu muốn, anh có thể bước vào, ngồi xuống, và không nói một tiếng, dù thiên hạ có đông đúc đến đâu cũng mặc. Nhưng anh đừng quên mang bút chì và giấy theo.

- Để làm gì?

- Anh làm thế như một đặc ân cho tôi, vì với anh chuyện đó không ăn thua gì. Anh cứ ngồi đó, không trao đổi một lời với ai, thỉnh thoảng, anh đóng bộ ghi chú một hai điều - anh có thể vẽ nguệch ngoạc hay gì khác tùy thích.

- Ba lăng nhăng! Như thế có chủ đích gì?

- Nhưng với anh chuyện đó không ăn thua gì cơ mà! Anh cứ thường nói đi nói lại là chẳng có chuyện nào ăn thua gì hết.

- Nhưng tại sao phải làm mọi thứ đó?

- À, một thanh tra trong Phong trào của chúng ta bị kẹt lại ở Moskva, và tôi đã đi nói lung tung với họ ở đây là ông có thể ghé thăm chúng tạ. Vậy họ sẽ xem anh là viên thanh tra, và bởi anh đã đến đây cả ba tuần, thực tình họ sẽ càng ngạc nhiên.

- Bịp, các anh cũng chẳng có thanh tra nào ở Moskva hết.

- Giả sử không có, thì đã sao? Anh có cần cóc gì? Nhớ đi, chính anh cũng lạ một hội viên của Phong trào.

- Nói với họ rằng tôi là thanh tra và tôi sẽ ngồi im không nói gì, nhưng tôi không ưa bút chì và giấy.

- Tại sao lại không ưa?

- Tôi không ưa là không ưa.

Piot'r nổi xung. Mặt anh ta tái đi. Nhưng anh tự cầm mình và với lấy chiếc mũ. Chợt anh ta hỏi bằng một giọng thì thào:

- Thế lão có ở đây không?

- Có.

- Tốt. Tôi sẽ đưa lão ra khỏi đây ngay, anh đừng có lo.

- Tôi không có lo. Lão chỉ ngủ đêm ở đây. Bà già nằm ở nhà thương và cô con dâu của bà thì chết rồi; hai ngày nay tôi ở có một mình. Tôi đã chỉ cho lão chỗ ở hàng rào, nơi có thể cạy tấm ván, và đó chính là nơi lão chui vào; không ai thấy lão vào đây cả.

- Tôi sẽ cất cho anh gánh nặng về lão trong một thời gian rất gần. Lão bảo tôi là lão có khối chỗ có thể ngủ đêm được.

- Lão nói láo. Họ đang lùng lão, và ở đây ít ra hiện nay lão cũng được yên thân. Nhưng anh có nói chuyện với lão không?

- Có, chúng tôi nói chuyện suốt đêm. Lão coi thường anh lắm. Tôi đọc sách Khải huyền cho lão nghe và uống trà. Lão nghe, rất chú ý là đằng khác, suốt cả đêm.

- Mẹ kiếp, anh dụ hắn vào đạo mất.

- Lão vẫn là tín đồ rồi. Anh không cần phải lo; lão sẽ cứa cái cổ kia cho anh. Nhưng này, anh định nhờ lão giết ai đó?

- Không, đó không phải là việc tôi định dùng lão. Tôi có những kế hoạch khác đối với lão. À, còn Satov có biết gì về Fedca không?

- Tôi không nói chuyện với Satov và cũng không gặp hắn ta nữa.

- Hai người giận nhau hay sao?

- Không, chúng tôi đâu có giận nhau; gặp nhau chúng tôi chỉ ngó lơ. Ở bên Mĩ chúng tôi đã năm bên nhau quá lâu.

- Tôi sắp đi thăm hắn ta đây.

- Đó là việc của anh.

- Lát nữa, Xtavroghin và tôi có thể ghé lại thăm anh nữa, vào khoảng mười giờ, sau khi chúng tôi ở nhà Satov ra.

- Được, cứ tới.

- Tôi có chuyện quan hệ cần bàn với hắn ta. Nghe đây anh cho tôi trái bóng của anh nhá? Anh dùng nó làm cái gì? Tôi cũng muốn dùng nó để tập thể dục nữa. Tôi sẵn lòng hoàn lại anh tiền.

- Không cần. Lấy đi.

Piot'r lượm trái bóng lên và nhét nó vào túi sau. Kirillov lầm bầm khi dẫn khách ra về:

- Nhưng anh đừng trông mong tôi làm chuyện gì chống Xtavroghin.

Piot'r nhìn anh ta ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Lời nhận xét sau cùng đó của Kirillov làm Piot'r bối rối không ít. Anh ta không có thì giờ nghiền ngẫm nó khi leo cầu thang lên phòng Satov, chỉ kịp đổi nét mặt hậm hực thành một cái cười toe toét vui vẻ.

Satov có nhà. Anh ta không được khỏe và nằm bệt ở giường, mặc dù quần áo tươm tất.

Ngay khi còn ở cửa, Piot'r đã kêu lên:

- Ồ, xin chia buồn! Tôi mong không có gì nghiêm trọng cả chứ?

Vẻ vui tươi vuột khỏi khuôn mặt Piot'r và một thoáng căm hận lóe lên trong khóe mắt. Satov hấp tấp ngồi nhỏm dậy và đáp lại:

- Không có gì. Tôi chỉ đau đầu xoàng.Anh có vẻ bối rối vì cuộc viếng thăm bất ngờ này.

Piot'r nói mau, bằng một giọng kẻ cả:

- Tôi đến thăm anh vì một công chuyện không cho phép ta được đau ốm. (Anh ta vừangồi xuống vừa nói thêm) Tôi ngồi được chứ? Và anh cũng ngồi ở giường đi. Được rồi. Tối nay, đa số bọn mình sẽ tụ tập ở nhà Virghinxki, ngoài mặt làm ra vẻ dự lễ sinh nhật của hắn. Không có người ngoài tham dự. Các biện pháp cần thiết đã được áp dụng. Tôi sẽ đến cùng với Nicolai Xtavroghin. Dĩ nhiên, xét theo tinh thần anh bây giờ, tôi không muốn lôi anh tới đó - tôi muốn nói là tôi không định làm khổ anh, chứ không phải vì chúng tôi sợ bị anh tố giác. Nhưng tình thế đòi hỏi sự có mặt của anh, không có không được. Anh sẽ gặp những người quyết định phương thức cho anh rút lui khỏi Phong trào và anh có thể chuyển nhượng những công tác anh được giao phó. Chúng ta sẽ hành sự hết sức kín đáo. Tôi sẽ đặt anh ngồi ở một góc, và vì thiên hạ đông đảo, hầu hết mọi người sẽ không hay biết gì cả. Tôi thú thật là đã phải tranh luận rất nhiều để bênh vực cho anh, và bây giờ họ đã đồng ý, dĩ nhiên với điều kiện là anh giao lại máy in và tất cả giấy tờ. Sau đó, anh tự do muốn đi đâu tùy thích. Satov cau mày giận dữ lắng nghe Piot'r nói. Anh không còn cảm thấy chút bối rối hay sợ hãi nào.

Anh nói dứt khoát:

- Tôi không nhận có nghĩa vụ gì về phần tôi phải trình bẩm với lũ trẻ ranh các anh, và tôi không việc chó gì phải xin phép một ai để đi bất cứ nơi nào tôi thích.

- Điều đó không đúng hẳn. Anh đã được giao phó nhiều thứ và anh không có quyền dứt bỏ ngang xương như vậy. Sau chót, anh cũng chưa bao giờ trình bày ý định của anh một cách rõ ràng; do đó anh đã đặt chúng tôi vào một vị thế hàm hồ.

- Ngay khi về tới tôi đã gửi thư tuyên bố lập trường rõ ràng.

Piot'r bình tĩnh tiếp tục biện luận.

- Không, không được rõ ràng. Thí dụ, tôi gửi cho anh bài thơ Vị anh hùng để in, và bảo anh, trữ các bản đã in ở đây tại nhà anh cho đến khi chúng tôi hỏi đến. Bài đó và hai tờ truyền đơn khác nữa. Thế mà anh gửi tất cả lại trả tôi, kèm theo một lá thư vô nghĩa khó hiểu.

- Tôi thẳng thắn từ chối in những vật đó.

- Không, đâu có thẳng thắn gì. Anh viết thư bảo rằng anh không thể, nhưng đâu có giải thích vì sao anh không thể đâu. Tôi không thể không có nghĩa là tôi từ chối. Người ta có thể cho rằng những nguyên nhân bên ngoài đã ngăn cản anh và đó chính là cách người ta diễn giải mẩu giấy kia của anh. Cũng bởi trong đó không có dấu hiệu nào khác cho thấy anh có ý định ly khai Phong trào, nên Phong trào có thể lại giao phó cho anh một chuyện khác, và như thế nguy hại cho sự an ninh của Phong trào. Có những người ở đây chủ trương rằng anh chỉ tìm cách dụ họ giao cho anh một công tác quan trọng, để rồi anh đi chỉ điểm về Phong trào. Tôi hết sức bênh vực anh, và đưa cho họ xem mẩu giấy trả lời anh viết nguệch ngoạc hai hàng, như một tài liệu minh chứng sự vô tội của anh. Nhưng bây giờ, đọc đi đọc lại hai hàng chữ đó, tôi phải nhận rằng nó dẫn đển hiểu lầm.

- Suốt từ đó đến nay anh vẫn giữ mẩu giấy ấy cẩn thận đến thế cơ à?

- Chắc chắn rồi, ngay bây giờ tôi cũng vẫn còn giữ đây.

Satov hét lên giận dữ:

- Được rồi. Tôi cóc cần. Cứ để cho bọn ngu si của anh nghĩ là tôi đã tố giác họ. Tôi có coi ra cái thá gì! Tôi rất muốn xem các anh làm gì được tôi.

- Người ta sẽ để ý đến anh, và một khi cách mạng thành công, sẽ treo cổ anh lên trước.

- Anh muốn nói khi các anh đã nấm được chính quyền và kiểm soát nước Nga?

- Điều đó không có gì đáng cười cả. Tôi nhắc lại một lần nữa: tôi đã đứng lên bảo vệ cho anh. Dù anh nghĩ sao thì nghĩ, tôi vẫn khuyên anh bữa nay nên tới nhà Virghinxki. Phí nhiều lời và kiêu ngạo hão làm gì? Sao không chia tay một cách thân hữu? Anh biết rằng trong bất kỳ trường hợp nào, anh cũng phải giao hoàn máy in, bát chữ, cùng giấy tờ cũ. Đó, chúng ta sẽ thảo luận về đề mục đó.

Satov cúi đầu do dự. Anh ta càu nhàu:

- Được, tôi sẽ đến đó.

Piot'r, không hề di động, liếc mắt quan sát Satov. Thình lình Satov ngẩng đầu lên, và hỏi:

- Xtavroghin cũng có mặt ở đó chứ?

- Dĩ nhiên là có.

- Ha!

Cả hai lại im lặng trong giây phút. Satov vẫn thở mạnh và gương mặt lộ vẻ chán chường.

- Thế còn bài thơ khốn nạn của anh - cái bài mà tôi từ chối in đó thì sao? Sau cùng đã có ai in nó chưa?

- Có rồi.

- Có phải để rồi người ta cam đoan với bọn học sinh là chính Herzen đã viết ra bài đó trong cuốn sổ của anh? Phải, đích thân Herzen.

Họ lại im lặng chừng ba bốn phút, sau đó Satov rời giường đứng dậy nói:

- Cút đi mau. Tôi không muốn ở chung trong một phòng với anh.

Piot'r nói nhỏ nhẹ và lập tức đứng dậy:

- Tôi đi đây. Thêm câu chót: có phải Kirillov chỉ có một mình trong chái lều, không có bà vú già không?

- Phải, anh ta chỉ có một mình. Nhưng đi đi - tôi không chịu nổi sự có mặt của anh trong phòng này chút nào nữa.

Piot'r ra đến ngoài đường mà đầu đầy ý nghĩ vui: "Phải, mi thực sự ở trong một tâm trạng thích hợp rồi, và tối nay tâm trạng mi càng hợp hơn! Đó chính là điều ta mong muốn mi xử sự hôm nay, tốt hơn cả hi vọng. Ngay vị Thượng đế Nga dường như cũng giúp đỡ ta nữa."

7

Ngày hôm đó Piot'r hoạt động và thành công, bởi vì người ta thấy khuôn mặt anh ta nở nụ cười toe toét mãn nguyện khi đến nhà Xtavroghin bữa tối hôm đó, vào đúng sáu giờ. Tuy nhiên, người ta không cho anh ta vào gặp Nicolai ngay. Anh ta nghe nói là Nicolai đang khóa chặt cửa phòng sách đàm đạo với Mavriki. Mẩu tin này làm Piot'r hoảng hồn, và anh ta nép cạnh cánh cửa phòng Nicolai chờ khách về. Anh ta không phải chờ đợi lâu. Piot'r nghe thấy một tiếng động lớn, rồi một giọng nói lanh lảnh sắc như dao; kê cửa phòng bật mở và Mavriki mặt tái xanh như tàu lá vọt ra. Mavriki đi băng ngang mà anh ta không nhìn thấy, và Piot'r lao ngay vào phòng.

Tôi không thể không nán lại ở đây để kể lại cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa hai địch thủ. Nó ngắn ngủi thật, và xét hoàn cảnh thì không thể nào có được, thế mà nó vẫn xảy ra.

Đầu đuôi câu chuyện như thế này. Nicolai Xtavroghin đang chập chờn trên trường kỷ trong phòng sách sau bữa ăn tối, thì người lão bộc là Alecxei bước vào báo tin có ông khách bất ngờ tới thăm. Nghe tên, Nicolai nhảy nhổm lên như không thể tin được lời người lão bộc. Nhưng chỉ giây lát, một nụ cười đắc thắng ngạo mạn nở trên môi anh, tuy vẻ sửng sốt, bán tin bán nghi còn vương trong cặp mắt. Mavriki Drozdov khi bước vào hẳn là choáng váng vì nụ cười và nét mặt của Nicolai. Dù sao đi nữa, anh ta cũng đứng sững lại ngay giữa phòng, không biết nên tiến tới hay quay mình rút lui. Trong khi khách còn ngập ngừng, Nicolai đã đổi ngay nét mặt và bước tới đón với một vẻ ngạc nhiên nhưng không cười cợt. Mavriki không bắt bàn tay giơ ra chào, mà lúng túng nắm lấy một chiếc ghế, kéo lại về phía mình, và ngồi xuống không chờ mời mọc. Nicolai cũng ngồi xuống chiếc trường kỷ, nửa đối diện với khách nửa nhìn nghiêng, và chờ đợi.

Mavriki chợt buột miệng, và xét theo âm điệu của câu nói, khó có thể đoán đó là một lời cầu xin, một câu khuyên nhủ, một sự nhượng bộ, hay một yêu cầu.

- Cưới Liza đi, nếu anh có thể làm điều đó.

Nicolai vẫn giữ yên lặng. Nhưng dường như đó là tất cả những gì Mavriki có để nói ra với Nicolai. Anh chờ cậu trả lời, đôi mắt đăm đăm ngó Nicolai. Cuối cùng Nicolai nói:

- Nếu tôi không lầm - và chắc chắn tôi không lầm - thì cô Liza đã đính hôn với anh rồi.

Mavriki dõng dạc và minh bạch xác nhận:

- Phải, cô ta đã đính hôn với tôi.

- Vậy hai người xích mích với nhau hay sao? Xin lỗi cho tôi hỏi câu đó, anh Mavriki.

- Không, theo lời cô ta thì cô ta thích và kính nể tôi, và ý kiến cô ta đối với tôi là thứ quí báu nhất trên đời. Tôi tin chắc là thế.

- Nhưng anh cũng biết rất rõ là dù ngay ngày cưới, dù trong giáo đường hay trước bàn thờ, cô ta vẫn bỏ tôi, hay bất kì người nào khác, để chạy theo tiếng gọi của anh.

- Ngay khi đứng trước bàn thờ?

- Phải, và cả sau khi làm lễ ở bàn thờ nữa.

- Anh có lầm chăng?

- Không, dưới cái hận thù sâu đậm mãnh liệt và ngùn ngụt của nàng đối với anh, lúc nào tôi cũng nhìn ra những tia lửa yêu đương - và điên cuồng. Phải, tình yêu cùng sự điên cuồng thật thà, mãnh liệt và ngùn ngụt nhất! Ngược lại, dưới tấm tình của nàng đối với tôi, cũng thật thà và bền bỉ, lúc nào cũng âm ỉ một mối hận thù vĩ đại! Trước khi tôi không thể nào ngờ rằng những biến đổi như thế có thể chung sống với nhau.

- Tuy vậy, tôi vẫn ngạc nhiên là anh có thể đến đây; như thế này để đặt định số phận của Liza. Trừ phi là cô ta cho phép anh làm như thế?

Mavriki cau mày, và trong một phút, cúi thấp đầu. Bỗng chợt anh nói:

- Anh chỉ dùng những lời lẽ suông. Đó là những lời lẽ báo thù và đắc thắng. Tôi tin anh thừa hiểu những gì tôi không nói ra. Nhưng ở đây có thực còn chỗ cho cái kiêu hãnh nhỏ mọn không? Sự thể như thế này chưa hoàn toàn vừa bụng rồi sao? Hay tôi còn phải rành rọt chấm dấu các chữ i và gạch ngang các chữ tờ nữa? Được, nếu anh cần tôi phải nhục nhã hoàn toàn, tôi sẽ chấm dấu và gạch ngang cho anh: tôi không có quyền, và cũng không có lẽ nào nàng lại cho phép tôi tới đây. Cô Liza không hề biết gì, và người chồng chưa cưới của nàng thì đã mất hết trí khôn, đáng phải nhốt vào nhà thương- và trên hết, là đích thân tới để trình chuyện đó với anh. Khắp cả thế giới, anh là người duy nhất có thể làm cho nàng hạnh phúc - tôi chỉ có thể làm nàng mất hạnh phúc thôi. Anh theo đuổi nàng, hành hạ nàng; nhưng không hiểu vì một lý do gì, anh không muốn cưới nàng. Nếu đó chỉ là chuyện đôi tình nhân giận hờn nhau vì việc xảy ra ở nước ngoài, và chỉ cần hy sinh tôi đi là xong, thì xin cứ hy sinh tôi đi. Còn như bây giờ, nàng đau khổ quá, và tôi chịu hết nổi. Những lời của tôi không phải là sự cho phép cũng không phải mệnh lệnh, vậy chúng không thể nào làm anh phật lòng được. Nếu anh muốn thế chỗ của tôi bên cạnh nàng trước bàn thờ, anh cũng chẳng cần phải xin phép tôi, và tôi cũng không cần phải đến đây gặp anh mà phơi bầy cái điên rồ của mình. Dù sao đi nữa, bây giờ sau những gì tôi đã làm, việc hôn nhân giữa nàng và tôi không còn là vấn đề nữa. Tôi không sao còn có thể dẫn nàng đến trước bàn thờ sau khi đã xử sự một cách đê hèn như thế này, đã tới đây và kể hết sự tình cho anh nghe, anh - kẻ thù số một khôn nguôi của nàng - đối với tôi đây là một sự ti tiện tới mức không sao chịu nổi.

- Anh sẽ nổ súng tự sát khi chúng tôi đến trước bàn thờ làm lễ cưới?

- Không, sau này, thật lâu sau đó. Sao tôi lại nỡ lấy máu làm hoen tấm áo cưới của nàng? Nhưng cũng có thể là tôi chẳng hề tự sát, dù ngay khi đó hay về sau này.

- Biết đâu anh chỉ nói vậy để tôi yên tâm?

- Để anh yên tâm ư? Thêm hay bớt vài giọt máu đối với anh có ăn nhằm gì?

Mavriki tái ngắt và cặp mắt rực lửa. Trong khoảng một phút, họ rơi vào im lặng. Rồi Nicolai nói, để phá bầu không khí lặng lẽ:

- Anh tha lỗi cho những câu của tôi hỏi. Tôi biết có một số câu tôi không có quyền được hỏi. Tuy nhiên có một câu tôi hoàn toàn được phép đặt ra: điều gì đã khiến anh tin rằng cảm tình của tôi đối với Liza lên tới mức đó? Tôi muốn nói là sâu đậm tới mức đó. Anh quá tin vào điều ấy tới nỗi anh đến gặp tôi và - và liều đưa ra đề nghị kia.

Mavriki giật bắn người kêu lên:

Sao? Anh không theo đuổi nàng sao? Không phải anh còn quan hoài tới nàng nữa à? Anh không định nghĩ tính cho xong với nàng thực à?

- Thông thường, không bao giờ tôi thảo luận về tình tự của tôi với một người đàn bà trước mặt kẻ thứ ba nào - thực ra là với bất kỳ ai ngoài người đàn bà liên quan - tôi cho đó là một bẩm tính căn cốt của tôi, xin anh tha lỗi cho. Tuy nhiên, tôi sẽ nói thực với anh về mọi chuyện khác: tôi đã có vợ rồi, cho nên tôi không thể thành hôn hay, như anh nói, "tính cho xong" được.

Mavriki quá kinh dị, tới nỗi anh bật ngửa ra trong ghế, và nhìn Nicolai trừng trừng một lúc, không thốt nên lời.

Anh lắp bắp:

- Tôi phải nói là không bao giờ, không bao giờ, tôi ngờ đến chuyện đó. Bữa trước, anh nói rằng anh còn độc thân và - và tôi tưởng...

Người anh mỗi lúc mỗi thêm tái ngắt, đổi dần thành xám như tro. Bỗng anh nắm tay và dùng hết sức giáng xuống bàn:

- Nếu sau lời thú nhận này, anh còn không buông tha cô Liza Tusina, và nếu vì bất cứ lỗi nào của anh mà cô ta còn đau khổ, tôi sẽ đập chết anh như đập một con chó dại và để cho thối sình dưới cống rãnh!

Anh bật dậy và lao ra khỏi phóng. Piot'r vọt vào trong phòng ngay khi Mavriki khuất dạng. Anh thấy Nicolai ở một trạng thái khác hẳn điều mình mong chờ. Nicolai vừa cười to vừa nói, như thể cười hẳn vào mặt Piot'r, là kẻ bỗng dưng không biết ở đâu ló đầu ra, mặt đầy vẻ hiếu kỳ và thở không ra hơi.

- A, té ra anh! Nghe lén phải không? Khoan - anh đến đây có chuyện gì? À, phải, tôi nhớ ra rồi, chúng ta phải đi gặp "bạn bè"! Nào thì đi; ngay lúc này tới không còn thích gì hơn. Ý kiến của anh thật hay!

Nicolai cầm lấy mũ và hai người lập tức rời khỏi nhà.

- Vậy ra nguyên sự kiện sắp gặp "bạn bè" cũng đủ làm anh phá ra cười? - Piot'r vui vẻ nói thao thao, và cố giữ đồng hạng với bạn trên vỉa hè lát gạch, mặc dù thường khi, anh bị ép phải bước xuống bùn, vì Nicolai dường như không để ý đến chuyện đó; cứ bước ngay giữa và choán cả vỉa hè.

Nicolai vui vẻ đáp to:

- Tôi đâu có cười gì về việc đó. Thật ra; tôi còn tin chắc rằng họ là một bọn người quá ư đứng đắn là đằng khác.

- Có lần anh đã gọi họ là "một lũ ngu si ảm đạm."

- Đôi lúc không có gì làm ta khoái chí hơn "một lú ngu si ảm đạm".

- Chắc hẳn anh nghĩ tới Mavriki, phải không? Tôi đánh cá là hắn ta đến để nhường vị hôn thê cho anh. Đúng chưa nào? Tôi gần như khuyên hắn làm việc đó - dĩ nhiên là một cách gián tiếp, anh hẳn cũng hiểu. Dù sao, nếu hắn không tự nguyện giao cô ta cho mình, thì chính mình cũng tước cô ả của hắn, phải không?

Dĩ nhiên, Piotr cũng biết tự dính dấp vấo những chuyện rắc rối kia là liều lĩnh, nhưng khi bị kích động, anh ta thà liều bất kể chuyện gì còn hơn là chịu ù ù cạc cạc. Nicolai chỉ cười. Anh hỏi:

- Vậy ra anh vẫn còn định giúp tôi?

- Nếu anh gọi đến tôi. Nhưng còn có một cách khác tốt nhất để thực hiện, anh biết không?

- Tôi biết cách của anh rồi.

- Không, anh chưa biết đâu. Nó còn là một điều bí mật. Nhưng, anh nhớ cho, bí mật là tiền đấy.

- Tôi cũng biết thừa nó đáng bao nhiêu, - Nicolai toan thốt lên, nhưng tự kiềm mình và lặng thinh.

Piot'r giật mình:

- Đáng bao nhiêu? Anh nói sao?

- Tôi nói mặc xác anh với các bí mật của anh. Tốt hơn anh nên kể cho tôi biết ở đó anh có những ai. Tôi biết chúng ta đi dự tiệc sinh nhật, nhưng tôi muốn biết thực sự có mặt những ai ở đó.

- Ồ, tất cả bọn cà chớn đó - cả Kirillov nữa.

- Tất cả họ đều là hội viên hả?

- Trời, anh thực quá hấp tấp! Chúng ta chưa lập được đến một tiểu tổ ra hồn ở đây.

- Thế làm cách nào thà anh xoay xở rải được nhiều truyền đơn thế?

- Nơi chúng ta sắp tới, sẽ chỉ có bốn tổ viên thôi. Bọn còn lại thì tên này đang do thám tên kia, trông ngóng. Họ giành nhau đến đưa tin cho tôi. Lũ đó rất đáng tin cậỵ. Chúng là tài nguyên còn cần phải tổ chức và phân loại. Nhưng chính anh viết bản cương lĩnh, vậy chắc tôi khỏi cần giải thích thêm những chuyện đó với anh.

- Thế sao? Tiến hành khó à? Có gì trục trặc?

- Công việc tiến hành tốt hơn mình mong. Để tôi kể cho anh, tức cười lắm: việc đầu tiên để tạo ra tác dụng lớn là cần một bộ đồng phục. Không có gì mạnh hơn đồng phục. Thế cho nên tôi cố tình bịa ra cấp bậc và chức vụ. Bây giờ tôi có tổng thư ký, mật sứ, thủ quĩ, chủ tịch, đăng ký viên, và các tay phụ tá. Tất cả đều thành công lớn. Điều thứ nhì, dĩ nhiên, là dây đai tình cảm. Anh cũng biết, ở nước này, chủ nghĩa xã hội truyền bá phần lớn là nhờ tình cảm. Nhưng cũng có lôi thôi trong đó nữa, bởi vì chúng ta thế nào cũng đụng phải những viên thiếu úy nổi điên cắn người, hay đại loại. Rồi đến những tay lưu manh thuần. Họ là những kẻ tốt, và thường rất có lợi cho Phong trào, hẳn rồi, nhưng họ cần sự giám sát thường xuyên, và như thế làm ta mất khối thì giờ. Cuối cùng, lực lượng nòng cốt, chất keo giữ vững toàn thể cơ cấu, là sự xấu hổ của họ về những ý kiến cá nhân. Phải, đó là một sức mạnh thực sự! Nhưng có ai khai thác cái đó? Và ai đã làm việc đó, ai đã khiến cho đầu óc họ hoàn toàn rỗng không, chẳng còn một ý kiến cá nhân riêng tư nào sót lại?! Bây giờ họ lấy làm xấu hổ về bất cứ tư tưởng nào do chính họ suy nghĩ ra.

- Nhưng nếu tất cả chỉ như anh nói, thì việc gì anh phải khốn khổ quá như vậy?

- Tội gì mà không lợi dụng tình thế? Nêu có kẻ giơ tay về phía anh kêu cầu thì phải túm lấy ngay chứ. Bộ anh thực sự không tin mình sẽ thành công sao? Tôi cho là anh có niềm tin, nhưng cái khiếm khuyết là ý chí hành động chưa đủ. Phải, chúng ta có thể thành công chính vì dùng những tên như thế đó. Tôi cam đoan với anh, chỉ cần tôi trách họ là chưa thực nhiệt thành tin tưởng, là họ sẵn sàng nhảy xuống nước, lao cả vào lửa nữa. Những kẻ ngu ngốc trách tôi sao lại đi đánh lừa mọi người ở đây với "ủy ban trung ương" và vô số " hệ thống lãnh đạo". Chính anh cũng có lần cự tôi về chuyện đó; nhưng tôi không cho đó là bịp bợm. Phải, ủy ban trung ương là anh và tôi đây, và chẳng mấy chốc là chúng ta sẽ tha hồ có bao nhiêu hệ thống lãnh đạo, chi bộ và tiểu tổ, tùy thích.

- Toàn một giống hạ cấp!

- Đó chính là thử tài nguyên ta cần; thì ta sẽ sử dụng họ có hề gì.

- Còn tôi thì sao? Anh có cần tôi nữa không?

- Anh là lãnh tụ, là sức mạnh; tôi chỉ ở bên anh, như một thứ bí thư. Chúng ta sẽ...

Bước lên thuyền.

Vung chèo quế

Trương buồm điều

Và nơi bánh lái

Là nàng Liza mĩ miều...

như bài hát gì đó... tôi quên mất rồi...

Nicolai cười rộ:

- Ha, ha! Anh bị vấp rồi. Để tôi kể anh nghe một chuyện cổ tích còn hay hơn. Anh vừa bấm tay tính sổ những lực lượng xa vời mà anh nắm được để tạo lập các tiểu tổ: Tất cả chỉ là tinh thần quan liêu và đa cảm, một thứ keo sơn tốt đó. Nhưng còn có cái hay hơn nhiều: anh làm sao thuyết phục cho bốn tổ viên hạ sát kẻ thứ năm, lấy cớ rằng hắn phản bội và đang sửa soạn chỉ điểm. Thế là họ bị buộc chặt với anh mãi mãi bằng máu đã đổ ra kia. Họ sẽ thành nô lệ của anh, và không bao giờ dám đòi hỏi gì, hay nổi dậy chống anh. Anh nghĩ sao? Ha ha ha!

Piot'r nghĩ thầm: "Tao sẽ bắt mày phải trả giá cho những lời đó, ngay tối nay thôi. Mày lộng quá rồi". Đó là những gì trong đầu óc Piot'r, hay ít ra cũng là một cái gì đại loại như thế, khi họ tới nhà Virghinxki. Chợt Nicolai lên tiếng hỏi:

- Tôi đoán anh lại sắp bắt tôi làm một người của Phong trào, ở nước ngoài về, thanh tra thanh triếc của Quốc tế chẳng hạn chứ gì?

- Không, anh sẽ không phải là thanh tra; anh sẽ là một hội viên sáng lập ở nước ngoài về, và có dự phần trong những bí mật hệ trọng nhất. Đó là vai trò của anh. Chắc hẳn anh sẽ đọc diễn từ chứ?

- Ở đâu ra mà anh có ý tưởng đó vậy?

- Bây giờ thì anh phải nói.

Nicolai quá ngạc nhiên tới nỗi anh ngừng ngay bên cây cột đèn. Piot'r bình thản và ngạo mạn đón tia nhìn của bạn. Nicolai nhổ nước bọt và bước tiếp. Bỗng anh hỏi Piot'r:

- Nhưng chính anh cũng sẽ lên tiếng, phải không?

- Không, tôi chắc ngồi im nghe anh nói thì hơn.

- Mẹ kiếp. Anh thực giúp tôi có một ý kiến hay.

Piot'r giật mình:

- Ý kiến gì?

- Tôi nghĩ tôi sẽ đọc diễn văn, rồi sau đó tôi sẽ quất cho anh một trận - anh cứ tin tôi đi, một trận ra trò.

- À, nhân tiện nói với anh, sáng nay tôi có bảo với Karmazinov rằng anh nói lão đáng bị đòn, và đòn đau, như kiểu một nông nô bị đánh vậy.

- Nhưng tôi có nói thế bao giờ. Ha - ha - ha!

- Để ý làm gì. Bịa ra cho có chuyện.

- Được, dù sao cũng cảm ơn anh, thành thực cám ơn.

- Tôi kể cho anh nghe những gì Karmazinov nói với tôi nhé? Đại lược, lão bảo rằng chủ thuyết của chúng ta là sự phủ nhận danh dự, và cách lôi cuốn người Nga dễ dàng nhất là hứa hẹn với họ quyển làm chuyện phi danh dự.

Nicolai nói:

- Hay, thực là những lời vàng ngọc! Lão điểm đúng huyệt đó. Quyền phi danh dự. Họ sẽ ùa đến tất cả với chúng ta, và phe kia không còn một mống nào nữa. Nhưng này Piot'r, anh nói thật với tôi, anh đang làm cho mật vụ, phải không?

- Nếu người ta có những ý nghĩ đó trong đầu, có ai lại phô bày ra.

- Đúng. Nhưng riêng chúng ta với nhau mà.

- Không, lúc này tôi chưa phải là người của mật vụ. Nhưng thôi, thế tạm đủ. Chúng ta tới nơi rồi. Nicolai, anh lấy dáng diệu cho thích hợp. Tôi luôn luôn giữ tác phong khi xuất hiện trước họ. Anh cố làm ra vẻ càng nghiêm càng hay - tất cả chỉ có thể. Không còn cần gì hơn. Giản dị lắm mà, có gì khó đâu.

--------------------------------
1    Số phận đã được định (tiếng Latin)
2    Nihilism - chủ nghĩa Hư vô, học thuyết của một nhóm cực đoan ở Nga vào thế kỷ XIX, chủ trương vô chính phủ và chối bỏ hoàn toàn những niềm tin đạo đức và tôn giáo hiện hữu để thiết lập một trật tự mới không còn quyền tư hữu; phần đông gồm những thanh niên để tóc dài, ăn mặc kỳ lạ, như giới hippie bây giờ.
3    Karl Vogt (1817-1895): nhà tự nhiên người Đức theo chủ nghĩa duy vật thô thiển; tham dự cuộc Cách mạng 1848-1849 ở Đức; sau đó, trong những năm lưu vong 1850 và những năm 1860, nhận tiền để làm tay sai cho Hoàng đế Pháp là Napoleon III.
4    Moleschott (1822-1893): nhà sinh vật học và triết gia người Đức, đại diện cho trường phái duy vật thô thiển, có dạy học tại Đức, Thụy Sĩ và Italia.
5    Ludwig Buechner (1824-1893): nhà sinh vật học và triết gia người Đức; theo chủ nghĩa duy vật thô thiển.
6    Quần đảo Macseeva: tại phía Nam Thái Bình Dương, thuộc Pháp.
7    Herzen (1812-1870): nhà văn và lý thuyết gia cách mạng Nga, lưu vong khắp Âu châu từ 1847. Các tác phẩm ông viết được bí mật đưa về nước và có ảnh hưởng chính trị lớn trong giới thanh niên Nga. Tư tưởng của Herzen có giá trị tiên tri lớn cho đến tận ngày nay.
8    Kharcov: một tỉnh ở phía Đông Bắc Ucraina nay thuộc Nga.
9    Kondraty Ryleev (1795-1831): thi sĩ Nga, có chân trong nhóm tao đàn của đại thi hào Puskin; ông bị xử tử với tư cách là một lãnh tụ trong cuộc khởi nghĩa của Nhóm tháng Chạp, để lại một tập thơ tranh đấu dân quyền cao cả và hùng tráng.
10    Chiến tranh Pháp - Phổ xảy ra năm 1870-1871, chính là thời gian tác giả viết cuốn truyện này. Những ai quen thuộc với văn chương Nga đều biết nhân vật Karmazinov ở đây là bức ký họa châm biếm nhà văn Nga Turgenev. Turgenev có khuynh hướng tự do tư tưởng, thân Tây phương và lưu vong gần suốt đời ở Đức và Pháp. Doxtoevxki thoạt đầu có quan hệ với Turgenev, sau quay về chủ nghĩa dân tộc mà đối nghịch hẳn với Turgenev.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top