ZingTruyen.Top

Khi Cha Me Lam Teen Phat Dien Full

15. Vì tôi đang lớn!

Hãy thử nghĩ lại mấy năm trước mà xem, các ấy sẽ thấy mình trẻ trâu kinh khủng. Không biết bao lần, tớ ngồi nhớ về cái quãng thời gian hoành tráng ấy mà rùng mình, vừa xấu hổ lại vừa buồn cười, rồi tự hỏi: “Sao hồi ấy mình lại như thế nhỉ?”, “Con gái gì mà cứ chạy nhảy loạn xị, tóc tai bù xù, ăn mặc thì quê mùa…”. Và tớ thề, tớ sẽ không bao giờ quay lại giống như tớ của ngày xưa nữa.

Chẳng ai ở cái tuổi chúng mình có thể phủ nhận một điều rằng “Tôi đang lớn!”. Chiều cao của tớ tăng lên theo tuần, tớ cũng không còn hứng thú để mà nhí nhảnh quá mức như ngày xưa nữa. Nếu như vậy, lũ bạn sẽ gán cho tớ cái mác “giả nai” ngay lập tức. Khi bạn nhận ra rằng mình đang lớn, bạn sẽ thấy không gì khó chịu bằng việc mọi người đối xử với bạn giống như với một đứa con nít. Đồng ý rằng tớ vẫn thích được cưng chiều, được nhường nhịn, nhưng tớ chẳng bao giờ muốn có người nghĩ hộ tớ, quyết định thay tớ, nói với tớ những câu:

- Nhớ đi về sớm trước chín giờ!

- Đừng có yêu đương vớ vẩn.

- Mặc cái này vào trông cho nó đàng hoàng.

- Đi học bài đi!

- Ăn bát cơm nữa đi!

- …

Tớ cần những người lắng nghe tớ, chia sẻ cùng tớ, coi những gì tớ suy nghĩ, cảm nhận là nghiêm túc và có giá trị. Một ngày đến trường với tớ đâu chỉ có học, học và học. Còn bạn bè tớ, còn biết bao chuyện vui, buồn, tức tối và rung động. Tại sao ba mẹ cứ nghĩ rằng con cái họ đơn giản, đứa nào cũng giống đứa nào, đều phải áp vào cái công thức mấy chục năm nay vẫn chưa thay đổi?

Gạt đi tất cả những điều tớ tâm sự, ấy là cách ba mẹ thủ tiêu mọi nguy cơ khiến tớ trở nên hư hỏng? Chẳng đúng một tẹo nào cả. Tớ có cách nghĩ của riêng tớ, ba mẹ không lắng nghe thì sao có thể hiểu được? Tớ cực kỳ dị ứng với mấy kiểu nói:

- Vớ vẩn, nghĩ linh tinh.

- Học thì không học, toàn làm mấy việc không đâu.

- Đừng có mà dại dột!...

- Nó chỉ là đứa trẻ con, “dở ông dở thằng”, nghĩ ngợi được cái gì đâu. Mình không lo uốn nắn là hỏng ngay ấy mà.

Giá như có thể hiểu được những gì tớ nghĩ, tớ cảm thấy thì chắc chắn ba mẹ sẽ không nói vội vàng như vậy. Nhưng chưa bao giờ ba mẹ cho tớ được tâm sự hết tất cả. Chuyện tớ thích H., ba mẹ coi là vớ vẩn. Nào là, thấy bạn ấy đẹp đẹp thì thích, lại giống kiểu mấy anh Hàn Quốc, hàn xẻng là cùng. Vậy còn cảm giác rung rinh, hồi hộp đến ngạt thở trước H., còn những bối rối, nhớ nhung khi nhìn thấy vật gì đó gợi nhớ đến cậu ta… Tất cả là vớ vẩn hết hay sao? Tớ không nghĩ như vậy.

 

Tớ rất cần những lời khuyên răn của ba mẹ nhưng không phải là cái kiểu vùi dập ý tưởng và cảm xúc. Chẳng lẽ một con bé mười lăm tuổi như tớ lại không đủ nếp nhăn ở não để suy nghĩ một điều ra hồn hay sao. Tất cả những gì tớ nói, những việc tớ làm cũng là bởi tớ xem xét kỹ rồi mới quyết định. Hoặc có khi nào tớ sống với chính mình, làm một cái gì liều lĩnh thì cũng bởi tớ muốn được tự do một chút mà thôi. Bên cạnh những khi suy xét kỹ càng, cũng có những lúc bạn cần phải bước đi thoải mái như không có gì ngăn trở. Cuộc sống như vậy mới thật tuyệt vời chứ!

Nhiều khi làm được việc gì ra dáng người lớn một tẹo như là thẳng thắn nhận lỗi, nhường áo cho bạn, bảo vệ lũ nhóc hàng xóm… tớ lại nghĩ: “Chắc ba mẹ sẽ không tưởng tượng nổi mình làm được như thế này”. Vì ba mẹ vẫn cho tớ là đứa con nít, chưa thể làm được việc to tát cũng như không tự quyết định được bất cứ điều gì.

Vậy mà tớ đã lớn hơn suy nghĩ của ba mẹ nhiều lắm rồi. Tớ sẽ thấy thật buồn cười nếu như ba mẹ cứ nhắc nhở thường xuyên:

- Đừng cho ai mượn ô không mất ô đấy nhé! (…) Đừng cho bạn nào ngồi lên xe đạp điện cùng không thì méo vành chết!

- Nhìn thấy đánh nhau thì cứ tránh xa. Kể cả có bạn mình trong ấy cũng đừng có dây vào.

- Đừng uống chung chai nước với bạn nào nhé!

- …

Thế đấy! Tớ đâu còn là đứa trẻ con mà lúc nào cũng răm rắp nghe theo ba mẹ để bảo quản của cải hay tránh nguy cơ bị truyền nhiễm bệnh. Đối với tớ, có những điều còn quan trọng hơn thế rất nhiều. Đó là tình bạn, là sự rộng lượng và những cảm nhận trong cuộc sống.

Tớ đang lớn và muốn bảo vệ ý kiến của mình. Tớ không thể đóng khuôn theo suy nghĩ của ba mẹ. Vậy nên mỗi lần bị ba mẹ áp đặt, cấm đoán một cách vô lý, tớ đều thấy bực tức, ức chế nhiều đến không tả nổi.

Đã là người lớn thì sẽ cực kỳ khó chịu nếu như mọi người không chịu công nhận sự cố gắng của bản thân mình. Ba mẹ cho tớ là kẻ thua cuộc chỉ vì tớ lỡ thấp điểm hơn tí tẹo so với “đối thủ” mặc dù tớ đã vất vả biết bao nhiêu mới có được điểm số như vậy. Ba mẹ sẵn sàng mắng tớ vì một vết bẩn mà không để ý đến cả căn bếp sạch bong tớ hì hục dọn dẹp cả ngày.

Tớ đang lớn. Bẳng chứng là tớ tự nhận thấy, thỉnh thoảng… tớ cũng thật trẻ con. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhỉ. Nhưng đúng là như vậy đấy. Nếu bạn thực sự là một đứa con nít, sẽ chẳng bao giờ bạn chịu thừa nhận rằng mình trẻ trâu đâu. Mấy cái vụ như bỏ nhà ra đi, tuyệt thực hay là “trả thù” đứa em, rồi cãi lại ba mẹ thì rõ là chẳng người lớn tí nào. Bởi thế nên tớ cần phải sửa. Ba mẹ đã sai khi nghĩ tớ là đứa con nít, suy nghĩ giản đơn, không biết phải trái gì. Tớ hiểu những điều chưa tốt của mình và cũng đang cố gắng sửa chữa đấy chứ.

Có một trái tim cũng đang lớn dần trong tớ. Tớ nhìn cuộc sống theo cách của riêng mình. Sẽ thật tẻ nhạt khi tớ lại trở thành một ba, một mẹ thứ hai. Tại sao cứ phải như vậy? Sao không nghĩ khác đi, làm khác đi? Ba mẹ chưa bao giờ cho tớ câu trả lời mà chỉ có những lời áp đặt, cấm đoán. Ba mẹ yêu thương nhưng chưa thực sự hiểu tớ. Sao chưa một lần ba mẹ tự hỏi rằng: “Con gái mình cho thế nào là đúng? Nó nghĩ như thế nào? Cảm thấy ra sao?” nhỉ? Tớ đang lớn, cũng đã đến lúc, suy nghĩ của ba mẹ về tớ cũng cần lớn theo.

Làm thế nào để bố mẹ hiểu được đây?

Lớp tớ vừa có một sự kiện “long trời lở đất” đấy. Chả là, cô bạn ngồi ở cuối lớp mới được mẹ add friend trên Facebook. Hôm sinh nhật bạn ý, bà mẹ đáng yêu ấy đã post một cái note dài ngoằng gửi con

 

gái rượu. Cái note là bao yêu thương, gửi gắm của một trái tim hết lòng nghĩ suy cho con trẻ. Tớ xin trích đoạn lại thế này: “Con gái à, có đôi khi, vì quá thương yêu, mà bố, mẹ đã dành nhiều bảo bọc, lo lắng cho con. Có lúc, mẹ trót quên trước khi trở thành một người lớn, mẹ cũng phải bước qua tuổi “ẩm ương”. Tuổi “ẩm ương” là gì? Là làm những việc ngốc nghếch chính mình cũng không hiểu hết, là căn bệnh “thích thể hiện, muốn chứng tỏ” mà không ít thì nhiều đứa trẻ đều mắc phải, là mong muốn có một góc thế giới của riêng mình những lúc muốn trốn tránh phần - còn - lại của thế giới”. Đọc cái note, không chỉ tớ mà tất thảy “thần dân” trong lớp đều rưng rưng xúc động. Đứa nào cũng chép miệng: “Giá mà bố, mẹ mình cũng được như mẹ bạn ấy”. Còn cô bạn ngồi ở cuối lớp, bình thường, bạn ấy trầm lặng và rụt rè là thế bỗng tự tin, chan hòa hẳn lên. Có một bà mẹ tâm lý như thế thì không tự hào mới là lạ đấy. Tớ cũng ngước mắt lên trời (trong giờ học) và vẽ ra viễn cảnh đẹp tươi - ngày mà bố, mẹ tớ sẵn sàng add friend với tớ. Không chỉ là trên Facebook thôi đâu, còn cả trong cuộc sống thực nữa cơ. Lúc đó thì khỏi cần mơ mộng thiên đường ở chín tầng mây, cuộc sống của tớ cũng đủ là thiên đường rồi.

Nhưng không thể phủ nhận một điều là, càng ngày tớ càng thấy bố, mẹ xa cách mình hơn. Vì sao lại thế, tớ không thể biết. Có thể vì cuộc sống bận

 

rộn, cuốn bố, mẹ của tớ đi xa hơn, làm họ bớt dễ thương đi. Vì tớ cũng đang lớn lên, đang đổi khác từng ngày và bố, mẹ không theo kịp sự đổi khác đấy. Hay vì cả hai “chúng tớ” (hy vọng là bố, mẹ sẽ không nổi cáu lên nếu biết tớ gọi thế này) đều tự đẩy mình vào hai quỹ đạo khác nhau cho đến khi nhìn lại thì mới phát hiện ra mình đã rời xa những thương yêu thắm thiết tự khi nào.

Tớ đã ước có một cái gạch nối nào đó để bố, mẹ hiểu mình hơn. Hiểu những chênh vênh, bất ổn của lứa tuổi đang “mon men” làm người lớn, những ước mơ vừa thành hình, những cảm xúc vừa nảy nở… Tớ chợt nghĩ ra là, tại sao lại cứ bắt bố, mẹ phải hiểu trong khi chúng mình chẳng nói ra. Vì thế, tớ đã lấy hết can đảm để viết ra những gạch đầu dòng cơ bản nhất để bố, mẹ đọc được, hiểu được những gì đang diễn ra trong cái đầu và trái tim của những đứa trẻ chưa qua vòng khôn lớn. Thôi, gửi email vậy. Sáng mai đến công ty, bố, mẹ sẽ check mail ngay ý mà.

1. Email từ con

(From: Con

To: Bố, mẹ)

Con muốn là duy nhất

Là bản sao của ai đó, dù người đó có tốt đẹp, hoàn hảo đến cỡ nào cũng là điều con không bao giờ mong muốn. Bố, mẹ đừng bắt con phải học giỏi toàn diện như cậu bạn lớp trưởng, ăn mặc nền nã như một học sinh gương mẫu hay sống “nhạt nhẽo” với vòng quay quen thuộc từ nhà – đến trường – đến lớp học thêm – về nhà... Vì là duy nhất nên có thể chiếc áo con mặc, người bạn con chơi cùng, những sở thích con có đều “hổng giống ai”. Lúc đó, con mong rằng bố, mẹ sẽ biết thương yêu những khác biệt, kể cả là khác biệt với bố, mẹ ở lứa tuổi ấy và khác biệt với những tấm gương sáng chói bố, mẹ trưng ra để con soi vào. Dám khác biệt thì con mới phát huy được những thế mạnh của mình một cách tối đa.

Bố mẹ hãy lắng nghe con

Bố, mẹ hãy dành thời gian để lắng nghe chúng con. Hãy cho con có cơ hội nói với mẹ về một mẫu giày hoặc quần áo mới trông sẽ duyên dáng thế nào nếu con biết cách kết hợp. Con sẽ nói với bố về cậu bạn của mình có những đức tính gì tốt, dẫu là so với một người bình thường thì cậu ấy “hơi quái chiêu” một chút. Có sao đâu, miễn là chúng con hiểu và thân thiết với nhau. Nếu không ngại, biết đâu, con sẽ kể cho bố, mẹ nghe về đối tượng con đang “cảm nắng” trên lớp hoặc giải thích về chủ nhân của bó hoa hồng to bự tặng con nhân sinh nhật vừa rồi.

Vậy, bố, mẹ sẽ lắng nghe như thế nào? 

Không phải là cách vừa nghe vừa gật gù hay ậm ừ đâu. Trông buồn cười lắm. Càng không phải là việc khi con chưa kể hết sự tình, bố, mẹ đã phán “Bố/mẹ biết tỏng là con định nói gì rồi” mặc cho con mặt mũi ỉu xìu vì bố, mẹ toàn đoán... trật lất. Nếu lắng nghe bằng sự kiên nhẫn và thấu hiểu, bố, mẹ sẽ biết cách để làm một người bạn lớn của con, thật đấy. 

 

Sử dụng biển chỉ dẫn

Hẳn là bố, mẹ đã từng nghe đến “Luật hấp dẫn” chứ? Nếu cứ nhắc lại một điệp khúc: “Cấm không được...” thì ắt hẳn, bọn con sẽ khắc cốt ghi tâm nội dung nằm sau cái dấu “...” kia. Những lời cấm đoán khiến chúng con sợ phát khiếp vì chúng con cứ nghĩ rằng mình đúng là một bọn “trẻ trâu”, ngày ngày tháng tháng bị bố, mẹ đe nẹt, cho vào khuôn khổ. Sao bố, mẹ không đưa ra những lời đề nghị, kiểu như: “Bố, mẹ nghĩ là, con nên làm thế này...” hoặc “Sao con không làm thế kia...” Được chỉ dẫn kịp thời, con sẽ lắng nghe và suy xét kỹ hơn. Còn ngược lại, với cái mệnh đề “Bố, mẹ cấm con làm...” hoặc “Con không được làm...” thì chắc chắn, đó là cách đơn giản nhất để chúng con tìm mọi cách để làm được cái việc mà mình bị cấm cản.

Đặt mình vào vị trí của chúng con

...để hiểu ra những ước mơ chúng con đang nắm giữ, những giây phút nổi loạn và những hoang mang mà đứa trẻ đang lớn nào cũng phải trải qua. Sẽ có những lúc, con không hiểu mình tại sao lại hành xử kỳ quặc như vậy, tại sao lại chọn cách cãi bướng với bố, mẹ trong khi việc im lặng vâng lời dễ dàng hơn nhiều. Những lúc con rối bời khi thấy mình còn thua kém bạn bè và hừng hực một khí thế “phải cho thiên hạ biết mình là ai”, bố mẹ hãy ở bên con, chỉ cho con thấy điều gì là tốt nhất. Nếu có thể, con ước gì bố mẹ có những phút giây bé lại, để có thể biết được rằng, thực tâm, con đang suy nghĩ những điều gì. Nếu điều đó là quá khó, thì con sẽ nói cho bố mẹ biết. Vì bố mẹ không thể là con được, nên hãy thử tưởng tượng xem ở tuổi mới lớn ấy, bố mẹ sẽ làm gì nếu được đặt vào một tình huống tương tự. Lúc đó, biết đâu khúc mắc giữa con và bố mẹ sẽ được hóa giải trong một cái nhìn bao dung hơn?

Cùng hợp tác

Hợp tác để có không khí thật ấm áp và bình yên trong căn nhà của chúng ta ý. Vì con nghĩ, chẳng thứ gì có được dễ dàng nên tại sao chúng ta không ngồi lại và cùng thảo ra một “hiệp ước hòa bình” xem nhỉ? Với mục tiêu cao nhất là tạo ra sự cảm thông, đồng thuận giữa bố mẹ và con, có thể chúng ta cần vài gạch đầu dòng như dưới đây chẳng hạn:

"Điều 1: Bố, mẹ luôn đúng, con cũng đúng, nhưng là ... đúng sau;

Điều 2: Khi bố, mẹ nói, con lắng nghe. Khi con nói, bố, mẹ đừng quát nạt

(con sợ lắm !!!)

Điều 3: Hãy để đời con là của con.

Điều 4: Tơn trọng những khác biệt.

Điều 5: …

Điều 6: ...

Điều 7: …"

Về phần mình, con nghĩ mình cũng nên làm một cái gì đó để hâm nóng bầu không khí giữa bố, mẹ và con. Làm gì bây giờ nhỉ? Tuổi trẻ có bao nhiêu đam mê, sở thích và thời gian 24 giờ/ngày dường như là không đủ. Phải làm gì đây để gần lại với những phụ huynh thân yêu nhà mình? Chắc phải lập ra hẳn một chiến dịch hoành tráng, có cái tên thật oanh liệt như “Có yêu thương, không gì là không thể” hoặc “Phá băng cho bố, mẹ và con” ấy. Chiến dịch ấy sẽ được tiến hành như thế nào nhỉ? Con sẽ post một cái note lên Facebook và tag cả bạn bè vào nhé.

2. Note gửi teen

(chiến dịch “Phá băng cho bố mẹ và con”)

Dành thời gian cho bố mẹ

Đừng có vội la oai oái lên: “Tớ học hành bận bịu thế này, lấy đâu ra thời gian nữa” nhé! Thời gian ở đây không phải là cả ngày hay cả tháng đâu. Đó đơn giản có thể là khoảng thời gian bạn cùng mẹ chuẩn bị bữa ăn trong bếp. Hay cũng có thể là khi bạn nhổ tóc sâu cho bố, hoặc đọc hộ bố đơn thuốc (vì mắt bố đã kém rồi, đâu có thể đọc được những dòng chữ li ti nữa). Rất dễ thực hiện và không hề “ tốn kém” thời gian một chút nào, phải không bạn?

Nhiều teen có thói quen cái gì cũng chia sẻ với bạn bè, dù là chuyện bé tẹo tèo teo như con kiến hay chuyện to đùng như con voi thì cũng nói bằng hết cùng bạn bè. Có người cứ đi học thì không sao chứ về tới nhà là đóng sập cửa lại, một mình trong phòng riêng, muốn làm gì thì làm. Bố mẹ có hỏi han là thể nào cũng bị teen ca cẩm: “Con muốn tự do một chút mà cũng khó”. Bao nhiêu tâm sự thì trút cả lên blog, cấm có hé răng nói với bố mẹ câu nào. Thế thì tránh sao nổi không khí căng thẳng, lạnh như băng giữa bố, mẹ và teen chứ. Muốn có một không khí ấm áp giữa những người trong gia đình thì trước hết bạn phải tạo điều kiện cho bố, mẹ hiểu bạn đã. Nếu không hiểu nổi bạn thì làm sao bố, mẹ biết được sẽ phải làm gì với chúng ta, nhất là khi bọn mình trong cái tuổi “dở dở ương ương” như thế này.

Biết bộc lộ thương yêu

À, cái này là dĩ nhiên rồi. Con cái mà không biết thương bố, mẹ thì còn biết thương ai nhỉ? Nói vậy thôi chứ nhiều khi teen cũng vô tâm, chả bao giờ biết hỏi han hay có hành động nào tỏ ra là mình cũng yêu quý bố, mẹ lắm chứ bộ. Chính vì thế, có thể dẫn đến những suy nghĩ không được tích cực từ phía bố, mẹ. Bố, mẹ cũng cần lắm những cử chỉ thương yêu từ những đứa con của mình. Chỉ cần bạn pha sẵn cho mẹ cốc nước chanh những khi mẹ đi làm về muộn, hoặc thỉnh thoảng gợi ý: “Lâu lắm rồi cả nhà mình chưa đi xem phim. Hay là hôm nay, bố, mẹ cho con đi xem phim đi”.

Úi chà, bố, mẹ lại gật đầu ngay tắp lự ý chứ, có khi còn khen bạn tâm lý nữa đấy.

Có những sáng kiến nho nhỏ

Với mục đích làm cho không khí gia đình đầm ấm hơn, cậu bạn tớ đã mất cả một hôm để “đì- zdai” lại nhà cửa. Quả là “trời không phụ lòng người”, nhà cửa cậu ấy trông sinh động hẳn lên. Và ông bố thì được dịp tự hào vì có cậu con trai khéo tay và biết nghĩ đến gia đình. Hoặc như là cô bạn của tớ đã tự mình làm một đĩa ca nhạc thật hay để tặng bố, mẹ nhân dịp kỷ niệm ngày cưới. Điều đáng nói là những bài ca trong đó toàn là những bài xưa ơi là xưa, tìm mỏi mắt mới thấy. Nhưng thành công thì ngoài sức tưởng tượng, cứ đến ngày nghỉ hay những khi bố, mẹ ở nhà là bạn ý lại được nghe bố, mẹ bật cái đĩa nhạc ấy lên. “ Sướng không chịu được” - bạn tớ bảo thế.

Đấy chỉ là một vài cách để “phá băng” cho không khí trầm lắng giữa bố mẹ và con thôi. Có thể bạn sẽ có nhiều cách hơn thì sao? Cái đó thì còn tùy thuộc vào đầu óc sáng tạo và tình cảm mà bạn dành cho bố, mẹ nữa cơ.

Trưởng thành là một món quà 

Thế là chúng mình đã đi đến trang sách cuối cùng rồi. Nghĩ về những gì bố mẹ đem lại cho mình và những điều mình đã làm cho bố mẹ, tớ thấy hơi bồi hồi một tẹo. Ừ nhỉ, bố mẹ đã thương yêu chúng mình nhiều đến thế. Chả hiểu sao, đọng lại trong chúng mình, nhiều lúc, lại toàn là những cái nhíu mày, những lời gắt gỏng của bố mẹ, những điều khiến chúng mình tức lồi con mắt, nổ tung cái đầu ra thôi. Hay bởi tớ và các bạn đều giữ trong mình thái độ cố chấp, không chịu trời, không chịu đất?

Bạn biết không, chúng mình đang trải qua một trong những quãng thời gian đáng nhớ nhất trong cuộc đời đấy. Sự trưởng thành đôi lúc khiến chúng ta thấy mệt mỏi. Không chỉ là sự dài ra của các đốt xương, là biểu hiện đau đớn lúc các cơ căng lên vì sự phát triển vượt bậc về thể chất hay sự biến đổi trong giọng nói mà còn là những thay đổi trong tâm lý. Khi lớn lên, chúng mình được quyền đòi hỏi. Đòi bố mẹ đối xử với mình theo một cách khác, đòi được lắng nghe, được quan tâm, được tôn trọng… Nhưng trưởng thành cũng đi kèm với những lo lắng, bất an và sự chống đối với bố mẹ là điều không hiếm gặp ở teen. Và nữa, khi lớn hơn thì chúng mình còn phải biết suy nghĩ hơn, sống có trách nhiệm hơn, trước hết là trong việc học hành, sinh hoạt của mình, sau đó là với gia đình. Đã ai nói với bạn rằng trưởng thành

 

cũng là một món quà chưa? Sự song hành của hoang mang và hy vọng, của thương yêu và trách nhiệm, của “trẻ con” và “người lớn” làm cho tuổi trưởng thành thực sự rất đáng nhớ. Không ai làm cho bạn “phát điên” lên được, kể cả là bố mẹ, trừ khi bạn muốn thế. Và vấn đề nào cũng có nhiều hơn một giải pháp. Song đó là khi bạn biết nghĩ suy và có trách nhiệm với cuộc sống của chính mình.

Vì trưởng thành là một món quà nên hãy chia sẻ điều ấy cùng những người thân yêu của mình, trong những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời, bạn nhé!

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top