ZingTruyen.Top

Tđcrqcb

C66-70

Quynhmeo1103

Nguyên Tứ Nhàn hiểu ý Trịnh Trạc, hôm nay khách đến phủ đông, chưa kể tai vách mạch rừng thì hai người cùng rời bàn tiệc quá lâu chỉ e sẽ khiến người ta chú ý, đương nhiên không thích hợp trò chuyện ngay.

Những chữ này của Trịnh Trạc có lẽ là viết vội sau khi đẩy thiếu nữ kia đi, bởi vậy không kịp nói quá nhiều, chỉ hẹn nàng ngày mai nói chuyện.

Do đó, trong lòng nàng đại khái cũng có đáp án: vị tiểu nương tử kia chắc chắn có liên quan gì đó với nàng hoặc với Nguyên gia, bằng không Trịnh Trạc sẽ không nói vậy. Lại liên tưởng tới những gì vừa nghe, giọng nói cố ngụy trang ấy vẫn có vài phần quen thuộc, nàng đoán tiểu nương tử kia tám phần là đích nữ chi thứ hai của Khương gia, muội muội của Khương Bích Nhu: Khương Bích Xán.

Trước đây sau khi Khương Bích Nhu bị đuổi khỏi Nguyên gia, Nguyên Ngọc đã tận tình tận nghĩa thông báo với Khương gia, nhưng Khương gia bị vướng thánh mệnh nên không dám đón nàng ta về Trường An mà chỉ phái một ma ma ra ngoại thành chăm sóc.

Sau đó Khương gia nhanh chóng sa sút, ma ma sợ bị liên lụy bèn bỏ của chạy lấy người, nơi ngoại thành chỉ còn lại một mình Khương Bích Nhu lẻ loi trơ trọi. Trên dưới Khương gia chẳng ai lo nổi thân mình, nhất thời không ai nhớ đến nàng ta. Ngược lại, Nguyên Tứ Nhàn từng sai Giản Chi đến thăm một lần.

Không phải nàng hối hận mềm lòng, chỉ là thấy a huynh vẫn còn hơi sa sút tinh thần, nàng sợ Khương Bích Nhu chết vào lúc này sẽ khiến huynh ấy khó vượt qua được, cho nên nàng mới đưa ít thức ăn và thuốc thang tới.

Khương Bích Nhu vốn dĩ sức khỏe yếu, cộng thêm uống rượu Huy Ninh Đế ban nên bệnh rất nặng. Nguyên Tứ Nhàn đoán nàng ta không chống đỡ nổi qua mùa đông, vốn nghĩ Khương gia không có ai thì đến lúc đó nàng nhặt xác cho nàng ta là được, không ngờ khi phái Giản Chi đi lần nữa thì nơi ấy đã trống rỗng không người.

Giản Chi hỏi han xung quanh mới biết, Khương Bích Nhu xác thực bị bệnh chết, và được một tiểu nương tử trẻ tuổi nhặt xác cho trong đêm.

Nguyên Tứ Nhàn lúc đó từng nghi ngờ Khương Bích Xán, nhưng vì Khương gia đã không còn làm được trò trống gì nên không quá lưu ý. Trước mắt xem ra, tiểu cô nương này rất ngoan cường, không biết lại muốn giở trò gì đây.

Nàng không khỏi buông tiếng thở dài. Nàng không sợ Khương Bích Xán giở thủ đoạn, chỉ là chuyện này khiến nàng hơi chán nản – giống như mọi chuyện trong mơ đều là số mệnh khó thoát, dù lần này Lục Thời Khanh trăm phương ngàn kế giúp nàng lật đổ Khương gia thì mối liên quan giữa Khương Bích Xán và Trịnh Trạc vẫn không thể nào tránh khỏi.

Nàng nhất thời suy nghĩ bi quan, rằng vận mệnh Nguyên gia có lẽ rồi cũng thế thôi.

Nguyên Tứ Nhàn đá đá hòn sỏi nhỏ về hậu viên, nhưng nhanh chóng không còn sức đâu sa sút nữa, vì xa xa đã nghe giọng Lục Thời Khanh. Nàng chỉ đi có một tí mà hình như tiệc lưu thương đã đổi chiều, từ đối thơ biến thành luận điển.Nàng thấy Lục Thời Khanh chắp tay đứng bên bàn dài cười nói với một thiếu niên đứng ở bờ đối diện con suối:

– Đậu huynh nói vậy sai rồi.

Đang luận điển tịch gì thế? Nàng cố về chỗ ngồi mà không thu hút sự chú ý của người khác nhưng vừa ngồi xuống thì có một tiểu nương tử bên cạnh sáp lại kề tai nói nhỏ:

– Huyện chúa đã bỏ lỡ một màn hay rồi.

Nguyên Tứ Nhàn nhìn Lục Thời Khanh đứng bên cạnh đang luận điển với người khác, không thèm nhìn nàng lấy một cái, nàng nhỏ giọng hỏi:

– Màn hay gì?

Tiểu nương tử đó nhẹ nhàng nói:

– Huyện chúa thấy mấy lang quân đỏ mặt tía tai ở đối diện không? Tám người đó đều bị Lục thị lang làm tức đấy. Sau khi người đi, ở đây bắt đầu luận điển, không biết sao mà hình như Lục thị lang rất không vui, nói một hơi khiến cả tám người á khẩu không đáp được. Tội nghiệp mấy lang quân trẻ tuổi quá...

Khi khổng khi không lại hứng phải lửa giận vô danh.

Nguyên Tứ Nhàn không khỏi sững sờ, ngẩng đầu nhìn Lục Thời Khanh có vẻ như vô cùng vĩ đại, sắc mặt y quả thực rất kém, y cười lạnh nói:

– Lời này của Đậu huynh lại càng sai. Đúng là tiên hiền có câu: "hiền hiền dị sắc" (1). Nhưng Đậu huynh đã phạm vào tối kỵ của học giả là vọng văn sinh nghĩa (2).

(1) Trích "Luận ngữ", nghĩa: xem trọng hiền đức mà không xem trọng nhan sắc.

(2) Vọng văn sinh nghĩa: nhìn chữ đoán mò.

Thiếu niên họ Đậu đối diện hình như không phục, nghiêm túc biện giải:

– Câu "hiền hiền dị sắc", một là chỉ thấy người giỏi thì muốn bằng người ta, từ bỏ nữ sắc; hai là chỉ trong đối đãi với thê tử, phải xem trọng phẩm đức bên trong chứ không phải nhan sắc bên ngoài. Xưa nay đều giải thích như vậy, cớ sao lại bảo là vọng văn sinh nghĩa? Lục thị lang e đang cưỡng từ đoạt lý (3).

(3) Cưỡng từ đoạt lý: bẻ lái câu chữ theo ý mình.

Nói xong, hắn không nhịn được nhìn Nguyên Tứ Nhàn.

Nguyên Tứ Nhàn xấu hổ sờ mũi.

Ờ, nàng đúng là có chút nhan sắc, Lục Thời Khanh cũng luôn tốt với nàng, nhưng nàng đâu dạy y cưỡng từ đoạt lý như vậy đâu.

Lục Thời Khanh cười, cũng nhìn Nguyên Tứ Nhàn, sau đó hỏi ngược lại:

– Đậu huynh cho rằng "sắc" trong "hiền hiền dị sắc" là chỉ điều gì? Nữ tử, nữ sắc hay nam nữ chi sắc (4)? Vậy e quá thiển cận đấy. Thân là hậu nhân, học tập kinh điển là phải đặt mình về lịch sử để hiểu rõ ý tiền nhân, Đậu huynh dùng ánh mắt người nay để xuyên tạc ý người xưa, bảo "vọng văn sinh nghĩa" đã là Lục mỗ khách sáo rồi.

(4) Nam nữ chi sắc: chỉ quan hệ xxx giữa nam và nữ.

– Thời xưa, quan hệ phu thê là khởi nguồn của nhân luân, là nền tảng của vương hóa (5), thánh hiền như Khổng phu tử sao lại trái với nhân chi thường tình? Người có ngũ giác là tai mắt mũi miệng thân, tất cả những gì nhận biết được đều là "sắc", thậm chí tất cả những vật có hình sắc như thái độ, cử chỉ cũng là "sắc". Đậu huynh lấy nữ sắc ra để luận, không chỉ phiến diện mà còn có ý xem thường các vị tiểu nương tử ở đây.

(5) Vương hóa: chỉ sự giáo hóa, đức hóa của thiên tử.

Lang quân họ Đậu bị nói tới ngơ ngác, thanh niên tài tuấn bốn phía cũng đờ đẫn, hình như chưa từng nghe kiểu giải thích này, nhất thời vừa thấy mới mẻ vừa thấy nghi hoặc.

Nguyên Tứ Nhàn nhìn Lục Thời Khanh.

Cái miệng này đúng là rất biết ăn nói. Nhưng đã bảo giang sơn đời nào cũng có nhân tài xuất hiện, tiền bối phải nhường đường cho hậu bối cơ mà?

Lục Thời Khanh tiếp tục nói:

– Lại nói về nữ sắc. Diện mạo đương nhiên là vật bên ngoài, nhưng nếu không thực sự lĩnh hội, chỉ nghe người khác nói thì sao có thể biết chính xác nặng nhẹ? Cứ luôn hạ thấp vật bên ngoài như Đậu huynh đây thì khác gì người mù không hỏi tướng mạo bên ngoài, khác gì ngụy quân tử miệng đầy nhân nghĩa đạo đức, kỳ thực lại lừa đời lấy tiếng? Chưa bao giờ cầm lên thì không có tư cách bàn chuyện đặt xuống.

Y cười:

– Đương nhiên, Đậu huynh tuổi tác còn nhỏ, không trách trải đời nông cạn. Chỉ là nếu huynh cứ muốn bàn với Lục mỗ về đức độ và nữ sắc bên nào nặng bên nào nhẹ thì xin sau khi hiểu rõ hẵng bàn.

Bốn phía tức khắc xôn xao.

Wow, gã Lục Thời Khanh này đúng là không biết xấu hổ, ỷ có vị hôn thê bên cạnh liền đắc ý. Thế hóa ra ở đây chỉ mỗi y từng cầm lên, nên chỉ mỗi y có tư cách bàn chuyện đặt xuống hử?

Nhưng lời của y lại khiến người ta không thể phản bác. Dù sao lật khắp cả Trường An cũng không tìm được ai có dung mạo áp đảo Lan Thương huyện chúa, nếu Lục Thời Khanh nói y chưa từng lĩnh hội nữ sắc chân chính thì e những người ngồi đây không có ai dám nói là mình hiểu.

Thiếu niên họ Đậu đối diện đỏ bừng mặt, chỉ thấy ngực như bị lưỡi dao sắc xuyên qua, suýt không kìm được đưa tay che lại.

Hắn nghĩ, đại khái đây chính là... sức mạnh của thánh hiền.

Hắn không khỏi thán phục sâu sắc, chắp tay nói:

– Nghe một lời của người, hơn mười năm đọc sách. Đậu mỗ ghi nhớ lời Lục thị lang chỉ bảo, ngày khác học hỏi thành tài, chắc chắn sẽ đến nhà cùng người đàm luận!

Lục Thời Khanh khoát tay ra hiệu hắn không cần khách sáo, sau đó tiêu sái về chỗ ngồi.

Khóe môi Nguyên Tứ Nhàn giật giật, nàng kéo tay áo y, khẽ hỏi:

– Chàng nghiêm túc à? Sao ta nghe cứ như...

...như đang hại con cháu người ta vậy?

Lục Thời Khanh đương nhiên không phải nghiêm túc. Ai bảo Nguyên Tứ Nhàn tự mình bỏ đi theo Trịnh Trạc, vứt y lại đây làm gì. Y bất bình trong bụng, đương nhiên phải tìm người để xả.

Lúc này mới "xử" xong chín người, nàng mà về muộn hơn một chút là tất cả mọi người ở đây đều gặp phải tai ương.

Nhưng Lục Thời Khanh không muốn thừa nhận mình đang ba láp ba xàm, y đàng hoàng nói:

– Nghiêm túc đấy.

Nguyên Tứ Nhàn bị những lời có vẻ như lợi hại ban nãy của y làm lọt vào sương mù, bán tín bán nghi ừ một tiếng, sau đó hỏi:

– Xem ra tiệc lưu thương hôm nay người thắng đến cuối cùng trừ chàng ra không còn ai khác. Vậy ta sẽ bận lắm cho mà xem.

Y vốn đang giận dỗi, nghe vậy lấy làm lạ:

– Nàng bận gì?

Nàng chống má phiền não:

– Sang năm tới lượt chàng chủ trì tiệc lưu thương, phủ chúng ta có nhiều khách khứa đến như vậy, chẳng phải ta sẽ bận chết sao?

Lục Thời Khanh đầu tiên là sững sờ, sau đó mới phản ứng lại câu "phủ chúng ta" của nàng, ghen tuông giận dỗi gì gì đó đều tan thành mây khói, khóe môi không kìm được từ từ cong lên, y nghiêng đầu lặng lẽ che giấu vẻ kích động khó kìm chế ấy.

Nguyên Tứ Nhàn lén liếc nhìn y.

Xời, dễ dụ vãi.

Tiệc lưu thương hôm đó, Lục Thời Khanh hoàn toàn xứng đáng ngôi đầu, sau đó đưa Nguyên Tứ Nhàn về phường Thắng Nghiệp rồi lặng lẽ về phủ.

Hôm sau, 15 tháng 2 là tết hoa triều, là dịp tốt mỗi năm một lần để mọi người kết bạn giao du, đạp thanh thưởng hồng (6), nhưng hôm đó cũng là ngày lên triều, triều đình không cho nghỉ, Lục Thời Khanh không thể đi chơi, vừa khéo Nguyên Tứ Nhàn đỡ phải giải thích với y chuyện đi ước hẹn với người khác.

(6) Đạp thanh thưởng hồng: giẫm lên cỏ xanh và thưởng thức sắc đỏ của hoa, ví việc đi chơi ngắm cảnh thiên nhiên.

Nguyên Tứ Nhàn ngồi xe ngựa ra khỏi thành, đúng giờ thìn đến cổng Diên Hưng, đúng lúc cùng xe ngựa của Trịnh Trạc sánh vai đi cùng. Bốn phía đông người phức tạp, hai người trong lòng tự hiểu, không hề kêu ngừng xe ngựa, tiếp tục đi thẳng về đông, tựa như chỉ là trùng hợp đi ngang qua.

Đi ngang cầu Lộc, người du xuân dần lác đác, Trịnh Trạc mới kêu ngừng xe ngựa trước, kế đó lên một ngọn núi không bắt mắt ở phụ cận.

Nguyên Tứ Nhàn bảo xe ngựa đi xa thêm một chút, lại ra vẻ như đi ngắm cảnh, dạo lòng vòng rồi quay về núi.

Ngắm cảnh núi mùa xuân vào tết hoa triều là chuyện bình thường, hai người làm như vậy, không có vẻ như cố tình ước hẹn, dù người khác thấy cũng không nghi ngờ. Quanh co một phen như vậy, cuối cùng Nguyên Tứ Nhàn cũng gặp Trịnh Trạc ở một tòa thạch đình trên đỉnh núi.

Tòa thạch đình này xây ở nơi hẻo lánh đã nhiều năm, trông khá cũ kỹ, dựa vào núi đá, hai mặt nhìn về sườn núi, nếu có người lại gần, chắc chắn sẽ bị người trong đình phát hiện ngay lập tức, cho nên rất an toàn.

Sau khi phán đoán như vậy, Nguyên Tứ Nhàn yên tâm ngồi xuống bên lan can đình.

Trịnh Trạc đúng là quân tử, vì trước mắt cô nam quả nữ nên hắn chừa cho nàng chỗ dựa vào núi đá, còn bản thân ngồi ở chỗ gần sườn núi nguy hiểm, tỏ rõ mình không có ý mạo phạm.

Hắn cười nói:

– Phiền huyện chúa đi chuyến này rồi. Trong thành Trường An gần đây tai mắt ngầm dày đặc, tết hoa triều nhiều người đi ra ngoài, ngược lại sẽ không dễ gây chú ý.

Nguyên Tứ Nhàn đương nhiên hiểu, Bình vương vẫn chưa rời kinh, e là đang nhìn chòng chọc vào Trịnh Trạc và Nguyên gia.

Nàng cười đáp lại:

– Điện hạ khách sáo rồi, là tôi muốn nghe ngóng tin tức từ ngài, hôm nay lẽ ra ngài phải ở Võng Cực Tự tụng kinh mà lại lén lút ra ngoài mới đúng là vất vả.

Trịnh Trạc cười lớn:

– Lần nào ta tụng kinh cũng buồn ngủ, còn phải đa tạ hôm nay huyện chúa cứu giúp đấy.

Khách sáo qua lại vài câu, Trịnh Trạc thu ý cười, đang muốn nói vào đề tài chính thì đột nhiên nhìn về phía sơn đạo, hơi sửng sốt.

Nguyên Tứ Nhàn quay đầu nhìn theo ánh mắt hắn, thấy ở sơn đạo có một nam tử áo bào đen rộng, mộc trâm vấn tóc, ánh xuân rực rỡ chiếu lên mặt nạ bạc của y rạng ngời, hoa trên núi ở phía sau y kiều diễm gần như chói mắt.

Nguyên Tứ Nhàn cũng sửng sốt, hỏi Trịnh Trạc:

– Sao Từ tiên sinh lại đến?

Trịnh Trạc cười bất lực, đáy lòng không khỏi thở dài.

Phải, tiểu tử Lục Thời Khanh này sao lại tới rồi.

---------

Chuyện hẹn Nguyên Tứ Nhàn, đương nhiên Trịnh Trạc có nói trước một tiếng với vị hôn phu của người ta, cũng nói rõ lý do và địa điểm. Lục Thời Khanh hôm qua vô cùng độ lượng nói được, trông không có gì khác lạ.

Nhưng Trịnh Trạc đã đánh giá thấp bản lĩnh âm hồn bất tán của gã này. Trước mắt chỉ mới giờ tỵ, e là Lục Thời Khanh đã âm thầm dùng quỷ kế khiến đại triều tan sớm, sau đó chắp cánh bay tới đây.

Nhìn bước chân ung dung của "Từ Thiện" lúc này, Trịnh Trạc giễu cợt trong bụng, nhưng ngoài mặt đành thay y lấp liếm:

– Là ta hẹn Từ tiên sinh cùng tới.

Nguyên Tứ Nhàn thu ánh mắt lại, thần sắc không khỏi căng thẳng:

– Có đại sự à?

Nếu không sao lại tụ tập ba người? Trước đây chưa bao giờ phô trương thế này cả.

Trịnh Trạc gật đầu:

– Là chuyện liên quan tới Điền Nam vương, có điều hôm qua ta và Từ tiên sinh đã thương nghị suốt đêm đưa ra kế sách ứng phó, hôm nay mời huyện chúa tới, một là mong cô bớt lo, hai là muốn bàn với cô những chuyện về sau.

Trong lúc hai người nói chuyện, Lục Thời Khanh đã tới thạch đình. Nhưng Nguyên Tứ Nhàn vừa nghe chuyện này liên quan tới phụ thân liền không còn tâm tư chào hỏi y nữa, chỉ thoáng gật đầu với y rồi vội hỏi Trịnh Trạc:

– Khương Bích Xán muốn nhắm vào cha tôi?

Câu chào lịch sự của Lục Thời Khanh tức khắc nghẹn ngay bên mép.

Được rồi, không chào thì không chào, dù sao là chào Từ Thiện mà, chào cũng như không thôi.

Y thở dài trong bụng, tìm lan can đình dựa vào mặt kia của núi đá ngồi xuống.

Bên vách núi quá nguy hiểm, y không muốn lát nữa thấy Nguyên Tứ Nhàn và Trịnh Trạc mắt đi mày lại mà giận quá ngã chổng vó.

Trịnh Trạc nhìn y, thầm dở khóc dở cười, nhưng ngoài mặt thì tiếp lời của Nguyên Tứ Nhàn, giải thích:

– Người hôm qua đúng là Khương tiểu nương tử không sai. Sau khi Khương gia sa sút, Khương tự khanh gửi gắm nàng ấy cho tam ca, hi vọng tam ca niệm tình ông ta không có công lao cũng có khổ lao mà chiếu cố nữ nhi thay ông ta.

"Tam ca" ở đây là chỉ Bình vương.

Trước đây sau khi chuyện mỏ sắt Lĩnh Nam bị lộ, tuy Huy Ninh Đế không có chứng cứ xác thực nhưng trong lòng biết rõ Khương Dân làm việc cho Bình vương, bởi vậy dù ông ta không động đến Bình vương cũng kiên quyết trừ khử Khương gia, một mặt là cho Bình vương một lời cảnh cáo, mặt khác là bẻ gãy cánh của Bình vương.

Bình vương vốn xử lý chuyện này rất tốt, không ngờ giữa đường lại nhảy ra một Nguyên Tứ Nhàn mơ đúng chỗ hiểm, vì chuyện xảy ra đột ngột nên chỉ có thể chịu thiệt ngầm chứ không dám thử bảo vệ Khương gia, tránh chọc giận Huy Ninh Đế hơn nữa.

Nói cách khác, Bình vương đã vứt bỏ Khương gia. Như vậy cái gọi là "chiếu cố" Khương Bích Xán có lẽ không phải là "chiếu cố" trên mặt chữ. Trịnh Trạc chỉ là nói hàm súc thôi.

Nguyên Tứ Nhàn gật đầu tỏ ý đã hiểu.
Lục Thời Khanh liếc nàng. Đối với loại chuyện này, nàng dường như luôn rất hiểu.

Trịnh Trạc tiếp tục nói:

– Nàng ấy thừa nhận Khương gia trước đây đích thực làm việc cho tam ca, nhưng sau khi phụ thân nàng ấy bị hạ ngục, lẽ ra đã có cơ hội vạch trần mối quan hệ giữa ta và Nguyên tướng quân với thánh nhân, nhưng ông ấy không làm vậy, là để đề phòng có ngày tam ca bất nhân, nàng ấy mất đi chỗ dựa, bởi thế mới không muốn trở mặt triệt để với ta.

Nguyên Tứ Nhàn giật khóe môi. Ngọn nguồn như vậy nghe hợp tình hợp lý, Khương Bích Xán cũng xem như thức thời, biết trước mắt chơi trò giả tạo là vô dụng, thành thật chút mới không dễ bị người ta chán ghét.

– Nàng ấy nói ban đầu mình nghe theo phụ thân cũng là để tìm một nơi che chở, nhưng không ngờ tam ca đối đãi với nàng ấy cực kỳ bạc bẽo. Nàng ấy nhục nhã vô cùng, nên muốn cầu xin ta che chở, nhân lúc tam ca ra ngoài mà lén lấy thiệp mời tiệc lưu thương, lén lút tới. Nàng ấy nói mình không có ý định cũng không có năng lực khiến Khương gia đông sơn tái khởi, cũng không đòi hỏi ta tha cho nàng ấy ở lại Trường An, chỉ là hiện tại không thể thoát thân, hi vọng ta có thể giúp nàng ấy rời khỏi tam ca, thu xếp cho nàng ấy một nơi an ổn, dù là đi đến nơi lưu đày chịu khổ cũng được.

Chỉ nghe Trịnh Trạc thuật lại, Nguyên Tứ Nhàn đã có thể tưởng tượng được đoạn này Khương Bích Nhu khóc lóc kể lể thế nào.

Nàng ngước mắt hỏi:

– Điện hạ đồng ý rồi?

Trịnh Trạc nói:

– Mới đầu thì không. Thỉnh cầu này trông đơn giản, kỳ thực không phải vậy. Ta giúp một tiểu nương tử lưu lạc đầu đường thì chẳng sao, nhưng nàng ấy đã là người bên cạnh tam ca mà ta nhúng tay vào thì chính là không coi tam ca ra gì, công khai đối đầu với huynh ấy.

...

– Nàng ấy thấy ta không đồng ý bèn đưa ra điều kiện trao đổi, nói trong tay mình có một tin liên quan đến kế hoạch gần đây của tam ca, chỉ cần nàng ấy bình an rời thành thì sẽ tiết lộ nó cho ta. Bởi vậy ta mới đồng ý chuyện này, đưa nàng ấy ra khỏi thành, định sau khi nhận được tin tức sẽ xem tình hình rồi tính toán.

Hèn gì Trịnh Trạc hôm qua không nói rõ tình hình trên giấy, không chỉ vì thời gian gấp gáp mà còn vì hắn đích thực chưa rõ cụ thể. Nguyên Tứ Nhàn cau mày hỏi:

– Tin này liên quan tới cha tôi?

Trịnh Trạc gật đầu:

– Trong tờ giấy nàng ấy để lại viết rõ tam ca gần đây đang âm mưu một vụ ám sát, định thực hiện trên đường về của Điền Nam vương và vương phi.

Nguyên Tứ Nhàn nghẹn trong cổ họng, chớp mắt ba lần một cách cứng nhắc, nhưng nhớ lúc đầu Trịnh Trạc có nói đã cùng Từ Thiện thương nghị suốt đêm cho ra đối sách, nên nàng kiềm chế cảm xúc nôn nóng trong lòng, trước tiên bình tĩnh hỏi:

– Tin tức chính xác chứ?

– Trước khi ta nắm được tin, Khương tiểu nương tử đã bị diệt khẩu, người ta phái đưa nàng ấy ra khỏi thành cũng không ai sống sót. Tờ giấy kia là ta tình cờ phát hiện trong tay áo nàng ấy khi cho người thu dọn thi thể, chắc là nàng ấy định sau khi thuận lợi dừng chân sẽ giao cho thuộc hạ của ta.

Nguyên Tứ Nhàn cau chặt mày:

– Ý của điện hạ là, Khương Bích Xán bị Bình vương diệt khẩu vì lo kế hoạch bại lộ, chỉ là Bình vương không ngờ nàng ta còn giữ lại chiêu sau, nếu không nhờ trùng hợp thì ngài cũng chưa chắc phát hiện tờ giấy đó... cho nên, đây không phải tin tức giả mà nàng ta cố tình đưa tới?

Lục Thời Khanh nghe vậy ho khẽ một tiếng tỏ ý nhắc nhở. Cuộc đối thoại tiến hành đến đây là đã qua phần kể chuyện của Trịnh Trạc, tiếp theo là phần phân tích đầy đặc sắc thì phải tới lượt y.

Trịnh Trạc bất đắc dĩ nhìn y, sau đó nói:

– Phản ứng đầu tiên của ta cũng giống như huyện chúa, nhưng sau khi thương lượng tỉ mỉ với Từ tiên sinh, ta lại thấy chưa chắc là vậy.

Lục Thời Khanh cuối cùng thành công nói tiếp đề tài vào lúc Nguyên Tứ Nhàn quay qua nhìn y, y nghiêm túc nói:

– Chuyện này có ba khả năng. Một là giống như ý nghĩ ban đầu của huyện chúa và điện hạ. Nhưng nếu đưa toàn bộ mắt xích suy luận ngược lại – Khương tiểu nương tử sao lại trùng hợp nghe lén được kế hoạch của Bình vương, sao lại trùng hợp có cơ hội lẻn vào tiệc lưu thương, sao lại trùng hợp phát huy tác dụng lan truyền tin tức sau khi chết? Quá nhiều trùng hợp, e không phải là trùng hợp nữa.

Nguyên Tứ Nhàn gật gù, rất tán thành:

– Tiên sinh nói không sai.

Lục Thời Khanh thấy ánh mắt nàng thoáng hiện vẻ kính nể thì âm thầm đắc ý, nhưng nghĩ đến việc tuy mình đoạt mất cơ hội thể hiện của Trịnh Trạc nhưng cũng không phải thêm vinh quang cho bản thân, nhất thời khó tránh lại buông tiếng thở dài.

Làm một người có bí mật mệt mỏi quá.

Nguyên Tứ Nhàn thấy y không nói tiếp, đành chủ động hỏi:

– Hai khả năng khác mà tiên sinh nói có phải là vầy không? Khả năng thứ nhất là Bình vương cố tình để Khương Bích Xán nghe lén kế hoạch rồi lẻn vào phủ hoàng tử, mục đích là muốn tiết lộ tin tức này cho điện hạ. Khả năng thứ hai tương tự như khả năng thứ nhất, chỉ là không phải Khương Bích Xán đơn phương bị lừa mà là nàng ta được Bình vương sai khiến làm những chuyện đó, vốn dĩ bảo là sau khi xong chuyện sẽ được hắn tín nhiệm, không ngờ lại bị qua cầu rút ván.

Lục Thời Khanh gật đầu:

– Huyện chúa thông tuệ.

Nói xong, cổ họng y như bị gai đâm. Khen nàng thông tuệ thì có thể dùng miệng Lục Thời Khanh để nói mà, haiz.

Nguyên Tứ Nhàn không nhìn y nữa mà lo lắng nhìn Trịnh Trạc:

– Tuy lời Từ tiên sinh không phải không có lý, thậm chí có lẽ càng gần chân tướng hơn, nhưng tôi không thể đem tính mạng cha mẹ tôi ra cược, không thể làm vậy được. Điện hạ nghĩ sao?

Trịnh Trạc nhìn Lục Thời Khanh, tỏ ý mình là bị hỏi nên không thể không đáp, chứ không phải là không thức thời, sau đó nói:

– E đây chính là mục đích của tam ca. Dù chân tướng đúng như Từ tiên sinh suy đoán, chỉ cần Điền Nam vương và vương phi có một phần vạn nguy hiểm, chúng ta sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn. Nhưng một khi chúng ta hành động đề phòng, lại rất có khả năng rơi vào bẫy của huynh ấy.

Nói tới đây, hắn khẳng định:

– Nhưng huyện chúa yên tâm, ta sẽ không lấy họ ra mạo hiểm. Trên giấy tuy không nói rõ thời gian kế hoạch của tam ca, nhưng Điền Nam vương rời kinh chưa lâu, vẫn đang ở phía bắc Kiếm Nam đạo châu huyện đông đúc, lúc này tuyệt đối không thích hợp ra tay trắng trợn, cho nên chúng ta còn có chỗ cứu vãn.

Nguyên Tứ Nhàn cảm kích:

– Đa tạ điện hạ hiểu cho tấm lòng của kẻ làm con.

Nói xong nàng lại nhìn Lục Thời Khanh:

– Vậy, tiên sinh có đối sách gì không?

Vẻ mặt Lục Thời Khanh sau mặt nạ hơi không vui.

Ờ, muốn có ý kiến thì nhìn Trịnh Trạc, muốn hỏi đối sách thì nhìn y. Nàng muốn dùng đầu óc của y chứ gì?

Y im lặng rồi nói:

– Muốn phá bẫy, trước phải xem người đặt bẫy muốn gì. Mục đích cuối cùng của Bình vương vĩnh viễn là điện hạ, đối phó Điền Nam vương chỉ như đối phó tai mắt của điện hạ trong triều, là một khâu trung gian mà thôi. Bình vương thế lực lớn lại không an phận nên không có được thánh tâm, dù tọc mạch nhiều đến mấy thì chỉ lời nói suông là không đủ để thuyết phục thánh nhân, đã thế còn vô cớ bứt dây động rừng. Cho nên dù sớm biết Nguyên tướng quân và điện hạ qua lại mật thiết, hắn vẫn luôn án binh bất động, mãi đến khi lập ra cái bẫy này.

...

– Bẫy này không phải muốn đưa Điền Nam vương vào chỗ chết, mà là muốn tìm hai chứng cứ, một chứng minh ông ấy có khả năng làm phản, hai chứng minh ông ấy và điện hạ có qua lại. Như vậy là có thể đổ tội danh làm phản lên đầu điện hạ, tức cái mà người ta gọi là một lưới bắt hết.

Nguyên Tứ Nhàn gật đầu:

– Cái thứ hai quả thực khả thi. Kế hoạch của Bình vương là Khương Bích Xán nói cho điện hạ nghe, nếu cuối cùng tin tức này đến tai cha tôi thì có thể chứng minh điện hạ âm thầm báo tin. Nhưng cái thứ nhất...

Nàng cau mày, nhìn hai người:

– Cha tôi không hề có ý làm phản, Bình vương muốn đổi trắng thay đen chứng minh điều này thế nào?

Lục Thời Khanh thầm cảm khái trong lòng. Bình vương muốn ép Nguyên Dị Trực đến bước đường cùng để ông dùng đến tư quân, và hắn sẽ lấy điều này cho thánh nhân xem. Dẫu sao trong mắt người trên cao, nuôi tư quân và làm phản cũng chẳng khác gì nhau.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn hoàn toàn không biết chuyện phụ thân mình lén nuôi tư quân, còn y thì vướng bởi lời dặn dò của Nguyên Dị Trực trước đây bảo y che giấu, nên không thể nói cho nàng biết.

Y đành nói:

– Có lẽ Bình vương nghi ngờ Điền Nam vương lén nuôi tử sĩ hoặc tư quân, bởi vậy mới muốn thử.

Nguyên Tứ Nhàn đăm chiêu gật đầu, tuy cảm thấy tâm thái của Bình vương xem như khớp với suy đoán, nhưng cha không có tư quân, căn bản sẽ không trúng chiêu. Phí công lớn như vậy để gài bẫy, lại vì để chứng minh một thứ chưa chắc tồn tại, có phải quá khinh suất hay không?

Nàng luôn cảm thấy có gì đó sai sai.

Lục Thời Khanh sợ nàng nghĩ sâu tiếp sẽ đoán được nội tình, bèn đổi chủ đề:

– Nhắm vào việc Bình vương đặt bẫy, đêm qua Từ mỗ đã cùng điện hạ thương nghị ra một vài đối sách.

Nguyên Tứ Nhàn quả thực bị dời sự chú ý:

– Tiên sinh nghĩ thế nào?

– Đây là một dương mưu (1), đạo phá giải nằm ở chỗ di dời phương hướng. Nếu trước mắt không phải thời cơ tốt nhất cho Bình vương động thủ, thì chính là thời cơ tốt nhất cho chúng ta động thủ.

(1) Dương mưu: mưu kế rõ ràng.

Nguyên Tứ Nhàn như hiểu ra, kinh ngạc nói:

– Ý tiên sinh là, Bình vương hiện tại không thích hợp động thủ, thế thì chúng ta gây ra một vụ ám sát trước hắn, hóa bị động thành chủ động?

Nàng luôn ăn ý như thế với "Từ Thiện" thì làm sao bây giờ.

Lục Thời Khanh không vui gật đầu, nói:

– Đúng vậy. Ý của Từ mỗ là: điện hạ lặng lẽ an bài một nhóm thích khách, tranh "ám sát" Điền Nam vương trước Bình vương. Phía bắc Kiếm Nam đạo châu huyện dày đặc, một khi Điền Nam vương "bị ám sát", chắc chắn sẽ được các nơi săn sóc, cũng chắc chắn sẽ kinh động đến triều đình. Thánh nhân chưa kiêng kỵ Điền Nam vương đến mức muốn lấy mạng ông ấy, gặp chuyện thế này, không thể không làm màu ngoài mặt, nhất định sẽ phái người hộ tống.

Nỗi lo lắng của Nguyên Tứ Nhàn biến mất, nàng vui vẻ nói:

– Như vậy căn bản không cần mạo hiểm báo tin nhắc cha ta cẩn thận, tự nhiên sẽ tránh bị Bình vương nắm được nhược điểm Nguyên gia ta lui tới với điện hạ. Mà thánh nhân ra lệnh một tiếng, sự trợ giúp của châu huyện bốn phía cũng đủ bảo vệ cha ta, tiếp đó nếu Bình vương muốn đắc thủ là rất khó.

Lục Thời Khanh gật đầu. Quan trọng hơn là, Nguyên Dị Trực sẽ không bị ép tới đường cùng, tới mức dùng tư quân.

Nguyên Tứ Nhàn bật cười:

– Tiên sinh thần cơ diệu toán, quả là...

Nói tới đây nàng khựng lại.

Trịnh Trạc và Lục Thời Khanh cùng nhìn nàng với ánh mắt nghi vấn.

Nàng vốn muốn nói, quả là sánh được với Lục Thời Khanh. Nhưng vấn đề là, trước đây Lục Thời Khanh giúp nàng tố giác Khương gia là thông qua một vài tai mắt chứ không tự xuất đầu lộ diện, cho nên trong mắt thánh nhân và các hoàng tử như Trịnh Trạc và triều thần, chuyện này hoàn toàn không dính dáng gì tới y. Bây giờ nàng đột nhiên nói một câu như vậy, khó tránh hai kẻ cáo già đang ngồi đây sinh nghi.

Dù nàng chưa hoàn toàn thẳng thắn với Lục Thời Khanh về chuyện Trịnh Trạc, nhưng ngược lại, nàng cũng không thể đem những hoạt động ngầm của y nói cho người ngoài nghe.

Cho nên nàng cười khan "ha ha" rồi nói tiếp:

– Quả là khiến tôi phục sát đất!

Lông mày của Lục Thời Khanh sau mặt nạ run lên.

Phục sát đất? Nàng biết đây là tư thế gì không mà phục sát đất hả!

Trịnh Trạc ho khan một tiếng, dường như ngửi thấy mùi giấm chua lan tỏa xung quanh, hắn vội điều hòa:

– Cách này của Từ tiên sinh có thể làm được, nhưng thích khách ta phái đi buộc phải giao chiến với Điền Nam vương một trận, bằng không không đủ khiến người khác tin tưởng, mà đao kiếm không có mắt, để tránh ngộ thương, ta hi vọng có thể được huyện chúa chỉ điểm vài câu, bảo đảm trong thời gian ngắn nhất khiến Điền Nam vương biết rõ tiền căn hậu quả, để ông ấy phối hợp diễn màn này với chúng ta.

Đây chính là phần sau mà lúc nãy Trịnh Trạc nói muốn thống nhất với Nguyên Tứ Nhàn.

Nàng gật đầu:

– Chuyện này không khó, ta dặn ngài vài câu, có lẽ cha nghe sẽ đoán được thích khách là phe mình.

Nguyên Tứ Nhàn dặn dò xong, lần gặp nhau này cũng kết thúc, trước khi chia tay, Trịnh Trạc nhất thời nổi lên ý đùa nghịch, hỏi nàng:

– Huyện chúa tới đây hẹn, Lục thị lang e là không biết nhỉ?

Lục Thời Khanh bên cạnh duỗi cổ ra, tuy biết gã Trịnh Trạc đang thọc gậy bánh xe nhưng cũng thực hiếu kỳ câu trả lời của Nguyên Tứ Nhàn. Lát sau, y thấy nàng cười nói:

– Không biết. Chàng nhỏ nhen lắm, cho chàng biết có mà lật trời à.

Trịnh Trạc cười trên nỗi đau người khác nhìn Lục Thời Khanh hiển nhiên đã đen mặt, lại hỏi:

– Hôm nay là tết hoa triều, cô không cùng y đi chơi sao?

– Bỏ đi.

Nguyên Tứ Nhàn bĩu môi:

– Bảo chàng đi í hả, giẫm lên bùn thì chê dơ, ngắm hoa thì đòi hoa lá phải đối xứng, vậy chẳng phải làm khó hoa sao, làm gì còn hứng thú đi chơi nữa!

Trịnh Trạc cười ha hả.

Lục Thời Khanh thật muốn đánh hắn một trận. Ngồi bên vách núi mà dám cười liều lĩnh như thế, không sợ ngã chổng vó à.

Nguyên Tứ Nhàn thở dài, vị hôn phu của nàng chính là người mất hứng như vậy đấy.

Nàng than thở xong, đang định cáo từ thì thấy Trịnh Trạc đứng dậy trước:

– Ta còn có chuyện quan trọng phải đi trước một bước, e phiền huyện chúa và tiên sinh chờ một lát rồi.

Để che giấu tai mắt người khác, ba người tốt nhất là chia nhau xuống núi, vốn Nguyên Tứ Nhàn muốn đi trước, tránh ở cùng bất kỳ ai trong số họ, nhưng Trịnh Trạc đã nói vậy, nàng chỉ đành gật đầu:

– Không sao, điện hạ có việc cứ đi trước.

Lần này Lục Thời Khanh dễ chịu hơn, nhìn Trịnh Trạc với ánh mắt sâu xa, ra hiệu hắn đi được bao xa thì cứ đi.

Trịnh Trạc cười nhạo trong lòng, trước khi đi bồi thêm một câu với Nguyên Tứ Nhàn:

– Nếu huyện chúa cảm thấy ngắm hoa với Lục thị lang mất hứng, chi bằng cùng Từ tiên sinh đi dạo loanh quanh. Mấy ngày trước tiên sinh có nói với ta là thiếu người cùng đi chơi xuân.

Hắn làm xong việc liền đi, để lại Nguyên Tứ Nhàn và Lục Thời Khanh hai mặt nhìn nhau.

Một nén nhang sau, hai người sánh vai rời khỏi thạch đình, cùng nhau đi dạo trong núi.

Nguyên Tứ Nhàn hơi lúng túng. Vốn dĩ nếu Trịnh Trạc không nhiều chuyện nói thêm câu kia, nàng đương nhiên đã về phủ ngay, nhưng giờ theo phép lịch sự, nàng không thể không hỏi dò Từ Thiện xem y có hứng thú du xuân hay không.

Dẫu sao trước đây y đích thực là người gửi gắm tình cảm nơi sơn thủy nước non, nhưng giờ phải ở nơi Trường An đầy lọc lừa gian xảo, vì che giấu thân phận nên có lẽ có rất ít cơ hội đường đường chính chính ra ngoài, bởi thế mong có một người cùng đi dạo ngắm cảnh là điều hết sức bình thường. Mà hôm nay y vừa giúp nàng một đại ân, nếu nàng không thèm hỏi câu nào thì đúng là rất kỳ cục.

Có điều, nàng vốn nghĩ chỉ nói cho khách sáo có lệ thôi, Từ Thiện quá nửa sẽ thức thời, không đi chơi riêng với một nữ tử đã có vị hôn phu, nào ngờ y lại đồng ý. Lần này dù biết không thích hợp, nàng cũng không cách nào từ chối.

Sở dĩ Lục Thời Khanh đồng ý, đương nhiên cũng là có nguyên nhân. Nguyên Tứ Nhàn và Trịnh Trạc gặp nhau là vì chính sự, nàng chắc chắn sẽ không cảm thấy có lỗi với y, nhưng đi chơi với "Từ Thiện" thì khác. Dẫu sao nay đã khác xưa.

Y tin rằng nàng vẫn còn chút lương tâm, vừa rồi bị nàng chọc tức không nhẹ mà không nơi phát tiết, giờ khiến nàng áy náy thì sau này mới có thể có chút đối đãi đặc biệt từ nàng.

Coi như y tự đòi chút bồi thường cho mình vậy.

Tháng hai đầu xuân, sắc cỏ còn nhạt, hoa đào trong núi cũng chưa hoàn toàn nở rộ, phần nhiều là nụ hoa chớm nở, ngược lại ven đường từng đám hoa dại sinh sôi, tôn lên một màu rực rỡ trên nền cỏ.

Nguyên Tứ Nhàn vừa đi vừa ngắm, xuất phát từ chút khó chịu vô danh, nàng không ngại xấu hổ mà ngồi xổm xuống xem.

Lục Thời Khanh thấy sự thích thú trong mắt nàng, lòng dâng lên xúc động muốn hái hoa cho nàng, đợi y nhớ lại mình đang là Từ Thiện thì hoa đã trong tay.

Y không tiện giải thích hành động này của mình là yêu hoa rồi cầm một bó hoa đỏ chót trong tay ngắm nghía, thế là đành cắn răng đưa đại cho nàng.

Nguyên Tứ Nhàn thấy vậy sững sờ, vội nói:

– Đa tạ tiên sinh.

Sau đó đại khái là cảm thấy tình trạng này quá mức mờ ám, nàng bèn nhanh chóng nhận hoa, tiếp đó thả nhanh bước chân đi nhanh hơn, tạo khoảng cách với y.

May nhờ như vậy, nàng mới không chú ý bàn tay quen thuộc ấy.

Lục Thời Khanh thấy nàng giữ khoảng cách với mình thì hơi vui vui, nhưng lại không khỏi nghĩ, nếu trong lòng nàng không có gì mờ ám thì sao lại như vậy?

Chờ y từ từ bước theo, Nguyên Tứ Nhàn thử thăm dò:

– Xin mạo muội hỏi tiên sinh, sau chuyến đi đến sông Lộc năm ngoái, Hứa tam nương đã đi đâu? Hôm nay lẽ ra là nàng ấy cùng tiên sinh đi chơi mới đúng...

Lúc đó bởi sự xuất hiện của Hứa tam nương nên Nguyên Tứ Nhàn quyết định duy trì khoảng cách với Từ Thiện, nhưng về sau lại không thấy nàng ấy ở lại Trường An. Nàng luôn lấy làm lạ, Hứa tam nương khó khăn lắm mới tìm được cố nhân thuở trước, sao lại nói đi là đi, chẳng lẽ hai người họ chia tay?

Lục Thời Khanh đành tìm một cái cớ cho thuận, nói dối:

– Trường An triều cục bất ổn, nàng ấy ở lại đây sẽ tăng thêm nguy hiểm.

Ý là, y vì nghĩ cho an nguy của nàng ấy nên mới đuổi nàng ấy đi.

Nguyên Tứ Nhàn "ừm" một tiếng, nghĩ cũng đúng, ngoài mặt không khỏi cảm thán hai người tình nghĩa thâm sâu, nhưng trong lòng suy nghĩ làm sao để kết thúc chuyến đi chơi không thích hợp này, không ngờ Từ Thiện cũng đang có ý đó, nói trước:

– Không còn sớm nữa, huyện chúa nên về phủ dùng bữa trưa thôi. Xe ngựa của người đậu ở đâu, Từ mỗ đưa người đến đó.

Vốn dĩ y định tốt nhất là chia ra đi như Trịnh Trạc, nhưng thấy bên cạnh nàng không có tỳ nữ thì không yên tâm, nên mới hỏi câu này.

Nguyên Tứ Nhàn khoát tay nói:

– Xe ngựa của ta đậu xa lắm, nhưng tỳ nữ của ta đợi ngay dưới núi, không cần tiên sinh đi phí thời gian.

– Vậy Từ mỗ tiễn người đến cửa núi.

Nàng ngại từ chối tiếp, đến cửa núi hội hợp với Giản Chi rồi từ biệt y từ xa. Để tránh gây chú ý, Lục Thời Khanh chưa xuống núi ngay mà dừng lại ở gần đó thật lâu mới rời đi.

Hôm nay vì muốn đuổi kịp sớm nên y cưỡi ngựa tới, sau khi xuống núi liền lên ngựa đi về hướng Trường An, không ngờ chưa đi được bao lâu thì xa xa thấy một chiếc xe ngựa chạy về hướng này.

Xe ngựa không có gì đặc biệt, điều đặc biệt là, y nhận ra người đánh xe chính là tỳ nữ của Nguyên Tứ Nhàn – Thập Thúy.

Y lấy làm lạ sao Thập Thúy lại xuất hiện ở đây lúc này, bèn nhanh chóng giục ngựa tới.

Thập Thúy cũng chú ý tới y, đánh xe qua hỏi:

– Từ tiên sinh, tiên sinh thế này là?

Lục Thời Khanh thấy dáng vẻ nàng ấy rõ ràng là chưa đón được Nguyên Tứ Nhàn, liền cau mày nói:

– Ta mới từ biệt huyện chúa không lâu. Cô không ở đó chờ nàng ấy mà tới đây làm gì?

Thập Thúy ngớ người:

– Là huyện chúa sai người báo tin, bảo tôi đến cửa núi đón huyện chúa.

Lục Thời Khanh nhớ lại những gì mình thấy xa xa ban nãy, hướng Nguyên Tứ Nhàn và Giản Chi rời đi, trực giác mách bảo không ổn, y lắc đầu khẳng định:

– Không có chuyện này.

Thập Thúy cũng dường như hiểu ra gì đó, vẻ mặt lập tức căng thẳng, nhưng còn chưa kịp mở miệng hỏi lại đã thấy Từ Thiện vung roi chạy như bay.

Sơn đạo hoang vắng, bụi trần tung bay.

-------

Cửa núi cách chỗ xe ngựa Nguyên gia đậu khoảng một nén nhang, mà Lục Thời Khanh mới đầu quẩn quanh ở đây một lát, bởi vậy trước khi y gặp Thập Thúy, Nguyên Tứ Nhàn và Giản Chi đã về tới chỗ họ dừng chân.

Hai người thấy trong rừng vắng vẻ, không có xe ngựa, sau khi xác thực địa điểm tụ họp không sai sót, mà Thập Thúy cũng tuyệt đối không thể vô cớ tự ý rời đi, họ bèn đưa mắt nhìn nhau.

Nguyên Tứ Nhàn lặng lẽ nhìn về hướng lối ra khu rừng, ra hiệu rút lui trước. Giản Chi gật nhẹ đầu, gỡ thanh đao chuôi ngắn đeo bên hông xuống cầm trong tay, cảnh giác bảo vệ nàng ra khỏi rừng.

Hai người đi nhanh đến quan đạo ngoài rừng xe cộ tới lui, Nguyên Tứ Nhàn cau mày, dừng lại nhìn về phía cánh rừng.

Hai tỳ nữ của nàng làm việc trước giờ luôn đáng tin, Thập Thúy bỗng dưng mất tích, nàng theo bản năng cảm thấy có mai phục, cho nên lật đật rời khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng hiện tại xem ra, sao cứ như nàng hiểu lầm nhỉ?

Giống như giết người phải canh lúc trăng mờ gió lớn, làm chuyện xấu đương nhiên cũng phải chọn nơi rừng rậm, đâu thể đuổi đuổi đánh đánh trên quan đạo giữa ban ngày ban mặt? Huống hồ hôm nay là tết hoa triều, xe ngựa qua lại trên quan đạo ngoài thành nườm nượp, chỉ trong chốc lát nãy giờ, nàng đã thấy có hai nhóm người đi qua. Nơi này đã có thể nói là vô cùng an toàn.

Giản Chi cũng nghĩ vậy, lấy làm lạ:

– Tiểu nương tử, có phải chúng ta lo xa quá không? Nếu thật sự có kẻ muốn gây bất lợi với người thì lúc nãy đã động thủ trong rừng rồi, bây giờ ngựa xe qua lại bốn bề, không xa phía trước lại có trạm dịch, làm gì còn cơ hội?

Nàng chớp chớp mắt, cũng sợ mình lo bóng lo gió, căn dặn:

– Vậy, ta đến trạm dịch phía trước nghỉ chân, ngươi quay lại trong rừng xem xem, biết đâu Thập Thúy thật sự có việc đột xuất rời đi thì sao.

Giản Chi đáp lời, đang định nhấc chân thì nghe có một tràng tiếng bánh xe trong rừng vọng từ xa tới gần. Là Thập Thúy đánh xe đến.Nguyên Tứ Nhàn thở phào, chờ xe chạy đến trước mặt, đang định quở trách nàng ấy sao hôm nay lại làm việc không ổn định như vậy, nhưng thấy thần sắc nàng ấy khẩn trương, vẻ mặt lo lắng như có điều bất ổn, nụ cười nàng không khỏi đơ lại.

Thập Thúy kéo cương bước xuống, hỏi:

– Tiểu nương tử, lúc nãy người có thấy Từ tiên sinh không?

Nguyên Tứ Nhàn cau mày:

– Ta và tiên sinh từ biệt ở cửa núi thì không gặp nữa, sao thế? Ngươi đi đâu vậy?

Thập Thúy lại xác nhận:

– Vậy lúc nãy tiểu nương tử có sai người giao cho nô tỳ một tờ giấy không?

Nàng càng nghi hoặc, ù ù cạc cạc lắc đầu:

– Chuyện là sao?

Thập Thúy vội vã giải thích:

– Lúc nô tỳ chờ trong rừng có nhận được một mảnh giấy, nhìn đúng là nét chữ của người, bảo là người đi mệt mỏi, sai nô tỳ ra cửa núi đón người. Nhưng nô tỳ đánh xe tới đó chỉ thấy Từ tiên sinh, sau khi nói rõ với tiên sinh, tiên sinh nói không có chuyện như vậy, rồi tiên sinh vội vàng quay đầu ngựa, trông có vẻ là đi tìm người.

Trong khoảnh khắc, đầu Nguyên Tứ Nhàn lóe lên một ý nghĩ, tim đập thình thịch. Thập Thúy đánh xe, đương nhiên không nhanh bằng ngựa, vậy với tốc độ của Từ Thiện, lẽ ra đã đến đây từ lâu, không lý nào không gặp nàng.

Nàng nói:

– Chẳng lẽ có kẻ giương đông kích tây, dựng cảnh như ta gặp nạn để lừa tiên sinh tới, sau đó đặt bẫy tiên sinh dọc đường?

Nói xong, nàng chưa kịp nghĩ sâu thì nghe trên quan đạo có tiếng vó ngựa vô cùng hấp tấp từ xa truyền đến.

Ba chủ tớ cùng quay đầu, thấy Trịnh Trạc giục ngựa phi như bay tới, giống như đi được nửa đường vào thành thì quay lại. Hắn thấy nhóm Nguyên Tứ Nhàn đứng đó nhưng không thấy Lục Thời Khanh thì siết mạnh dây cương, hỏi:

– Huyện chúa và Từ tiên sinh từ biệt nhau bao lâu?

Nguyên Tứ Nhàn vội đáp:

– Khoảng 3 khắc, điện hạ có tin gì sao?

Hắn không kịp giải thích, chỉ bỏ lại một câu "huyện chúa cứ về thành trước" rồi bỏ đi.

Nhưng Nguyên Tứ Nhàn lúc này còn gì mà không hiểu, nàng tin chắc chắn Từ Thiện vì mình nên mới sa bẫy, nàng sao có thể về thành trước chứ.

Nàng trầm mặc tại chỗ chốc lát rồi rút thanh đao trong tay Giản Chi cắt đứt dây thừng buộc ngựa, sau đó xách đao lên ngựa, đuổi theo hướng Trịnh Trạc.

– Tiểu nương tử!

Lần trước Nguyên Tứ Nhàn sốt ruột hoảng sợ cưỡi ngựa lao nhanh như vậy là ngày sau trung thu năm ngoái, khi tưởng Lục Thời Khanh gặp nạn ở Thương Châu.

Trên lâm đ*o gập ghềnh không bằng phẳng, nàng lặp lại động tác vung roi lên xuống, tai ong ong.

Kỳ thực kế giương đông kích tây này có một lỗ hổng nhỏ, đó là quá trùng hợp.

Chuyện đuổi Thập Thúy đi trông đơn giản nhưng cần tính toán canh giờ cực chuẩn. Sớm một chút thì chủ tớ các nàng rất có thể gặp nhau ở cửa núi, muộn một chút thì có thể các nàng gặp nhau trong rừng. Nếu đối phương đã cực khổ vất vả tính toán, sao lại tùy tiện để sơ sẩy khâu Từ Thiện, để y trùng hợp gặp Thập Thúy, trùng hợp có cơ hội cứu viện?

Trừ phi, khâu này cũng là cái bẫy do đối phương thiết kế tỉ mỉ.

Trong thạch đình, chính Từ Thiện cũng từng nói, quá nhiều trùng hợp thì không còn là trùng hợp nữa. Nhưng sao y lại dễ dàng trúng kế? Mớ lý lẽ đao to búa lớn suy luận ngược của y đâu? Một người thông minh tỉnh táo, biết xem xét thời thế như vậy, rốt cuộc vì sao lại trở nên vụng về ngốc nghếch?

Nguyên Tứ Nhàn theo tiềm thức trốn tránh đáp án những vấn đề này, ra sức vung roi mà tâm loạn như ma. Nhưng Trịnh Trạc vốn nhanh hơn nàng một bước, lại giỏi cưỡi ngựa hơn nàng, nàng chỉ có thể cắn răng suốt đường mới gian nan đuổi kịp.

Nàng theo hắn suốt một đường từ rừng vào núi, ngựa chạy quá nhanh nên dải lụa buộc tóc bay loạn, mấy lần chắn tầm mắt, nàng liền dứt khoát ngậm dây buộc tóc vào miệng, chăm chú nhìn phía trước, lúc sắp lên núi, nàng chợt thấy chỗ đầu đường có hai kẻ áo đen cưỡi ngựa lao ra, dường như muốn ngăn Trịnh Trạc.

Trịnh Trạc không hề giảm thế đi, vẫn ở trên ngựa xóc nảy, tay rút đao khỏi vỏ, giơ lên trong nháy mắt, cắt cổ hai người chỉ bằng một chiêu rồi vẫn tiếp tục lao về trước.

Nguyên Tứ Nhàn theo sát phía sau, cắn răng không nhìn thi thể dưới đất, qua thêm một đoạn, lại thấy một nhóm áo đen khoảng bảy tên, ai nấy đều là nam thanh niên vóc người vạm vỡ, tướng mạo không có gì đặc biệt, là võ phu người Hán thông thường.

Trịnh Trạc lại múa đao giết, quay đầu nhìn nàng một cái.

Nàng được ánh mắt ấy ra hiệu, biết ý của hắn là bảo nàng đi trước, thế nên nàng không hề dừng mà thúc ngựa tiến lên, vì mong nhanh nên không tránh không nhường, giẫm lên thi thể lao đi.

Trịnh Trạc suy cho cùng không thể một hơi giải quyết bảy người, sau khi nàng băng ra thì nhanh chóng nghe phía sau có người đuổi theo.

Nếu đối đầu chính diện với loại võ phu này, một nữ tử như nàng khó có phần thắng. Nguyên Tứ Nhàn hồi tưởng lại trạng thái ban nãy của đám người áo đen, cảm giác họ dường như luôn ngăn cản một cách bị động, chứ không phải muốn hạ sát thủ với nàng và Trịnh Trạc, thế nên nàng nhẹ nhàng thu roi, thả chậm tốc độ, giả vờ mệt mỏi, cầm đao chờ gã đuổi theo.

Gã áo đen quả thực không định ra sát chiêu, chờ lúc sắp đuổi tới thì vọt lên khỏi lưng ngựa, xoay người lao về trước, bay tới ngựa của Nguyên Tứ Nhàn như muốn khống chế nàng từ phía sau.

Điều nàng chờ chính là khoảnh khắc này, khi nghe tiếng động phía sau, chưa đợi gã ngồi vững trên ngựa của nàng, nàng không hề quay đầu mà trở tay cầm đao, đâm xiên từ dưới sườn ra sau. Nhanh, chuẩn, độc, "phụp" một tiếng, một đao xuyên ngực.

Nam tử đó không ngờ tới chiêu thâm độc này, mở to mắt trên lưng ngựa, ánh mắt dần trống rỗng.

Nguyên Tứ Nhàn vừa kéo dây cương, giữ cho con ngựa mình cưỡi ổn định, vừa quay đầu rút mạnh đao ra. Máu tươi ba thước, chất lỏng nóng và tanh phun lên mặt nàng, nàng nhịn xuống cơn buồn nôn cuồn cuộn, đẩy nam tử đó xuống ngựa, tay hơi run.

Nàng từng lên chiến trường, nhưng đây là người đầu tiên nàng tự tay giết.

Nguyên Tứ Nhàn nhanh chóng không còn thời gian nghĩ linh tinh những chuyện này, vì nàng tin chắc một điều: bọn áo đen hành động phân tán như vậy chứng tỏ Từ Thiện vẫn chưa bị phát hiện. Rất có thể y đang đi tìm nàng thì nhận thấy bất ổn nên lẩn vào trong núi, dùng kế làm rối chúng.

Nàng phải tìm được y trước bọn chúng.

Nàng vung mạnh roi, tới lối rẽ phía trước, nàng phán đoán nhanh địa hình, chọn hướng đi, lúc gần tới đỉnh núi thì nghe tiếng đao kiếm đánh nhau ở xa xa.

Vì đường lên núi nhỏ hẹp không cách nào giục ngựa đi nhanh nên nàng tung người xuống ngựa, chạy nhanh tới, vừa nhìn liền thấy trên đỉnh núi trống trải có bốn gã áo đen đang quần đấu với Từ Thiện, một bên đã có hai thi thể đang nằm, tướng chết rất quái dị, giống như bị đâm xuyên ngực lúc hai người va nhau.

Trong tình thế cấp bách mà nàng không khỏi bật cười.

Người thông minh có cách đấu của người thông minh, Từ Thiện tuy không phải võ phu nhưng vẫn rất thành thạo điêu luyện, đừng nói bị thương, ngay cả mặt nạ còn chưa rớt nữa kìa.

Lục Thời Khanh lắc mình tránh được một chiêu kiếm đâm nghiêng qua mặt nạ, một cước đạp đối phương rơi xuống vách núi, ngước mắt thấy Nguyên Tứ Nhàn máu me đầy mặt thì không khỏi khựng lại.

Y đoán được nàng sẽ lần ra đầu đuôi sự việc, nhưng tưởng rằng nàng sẽ đi cầu viện binh chứ không phải đích thân tới.

Nàng đang làm gì, liều mạng vì Từ Thiện sao? Muốn để Lục Thời Khanh y "thủ tiết" sao?

Y cắn răng oán hận, kìm nén cơn giận, xách đao giết tiếp.

Nguyên Tứ Nhàn không dám động thủ lung tung gây thêm loạn, nhắm chuẩn thời cơ y bị ba người bao vây đến bên vách núi mới chạy nhanh tới, vừa lao tới liền đâm một đao xuyên lưng một tên, cùng lúc đó lên gối húc mạnh vào chỗ quan trọng của một tên khác.

Lục Thời Khanh quẳng tên áo đen thứ ba xuống sườn núi, quay đầu thấy tên thích khách bị Nguyên Tứ Nhàn lên gối mồ hôi ròng ròng, lăn lộn kêu rên, y không khỏi thấy nơi nào đó ê ê, kinh ngạc nhìn nàng, sau đó mới nhớ ra phải quơ đao kết liễu tên dưới đất.

Xung quanh yên tĩnh trở lại. Nguyên Tứ Nhàn chống gối thở phào.

Đỉnh núi này trông có vẻ vô cùng nguy hiểm, nhưng ngược lại lại là nơi dễ lợi dụng. Từ Thiện chọn địa thế như vậy cũng là tuân theo đạo trí tuệ gọi là "mượn thế phá cục".

Nàng thở lấy hơi một lát rồi hỏi:

– Tiên sinh có bị thương không?

Lục Thời Khanh suýt nói bằng giọng mình, lời đến bên môi mới ghìm lại kịp, đổi sang giọng Từ Thiện:

– Ta không sao. Đầu gối của huyện chúa...

Y ngập ngừng nhìn qua:

– ...vẫn ổn chứ?

Nàng đứng thẳng khoát tay:

– Hơi đau, vẫn ổn.

Chủ yếu là ban nãy hình như không cẩn thận đá phải vỏ đao treo bên hông tên kia.

Nhưng Lục Thời Khanh sững sờ.

Cái gì? Hơi đau? Lẽ nào tên súc sinh kia ban nãy cứng?

Nguyên Tứ Nhàn không biết tại sao y lại nghẹn, vội nói:

– Nơi này không thích hợp ở lâu, chúng ta mau mau xuống núi, điện hạ đang trên đường chạy tới tiếp ứng ngài đấy.

Lục Thời Khanh luôn nhìn chỗ đầu gối nàng, nghe vậy mới thu lại tầm mắt, gật đầu.

Nàng xoay người đi xuống núi trước, cuối cùng cũng rảnh rỗi nhấc tay áo lau vết máu trên mặt, nhưng chính trong lúc thả lỏng phòng bị ấy, nàng chợt nghe tiếng động lạ phía sau.

Nguyên Tứ Nhàn bỗng quay đầu, thấy một "thi thể" thình lình vùng dậy, cầm dao găm trong tay đâm về phía tim Từ Thiện.

---------

Lục Thời Khanh đang phiền muộn vì những hành động liều lĩnh của Nguyên Tứ Nhàn nên mất tập trung, không phát hiện tiếng động lạ ngay, chờ mũi đao gần tim ba tấc mới đưa tay chặn theo bản năng.

Nhưng bàn tay vươn ra của y chợt khựng lại, dừng bên ngoài mũi đao.

Sau khoảnh khắc ấy, dao găm vang một tiếng, đâm vào ngực y khoảng một tấc.

Nguyên Tứ Nhàn chỉ kịp vọt tới trước mặt y, đá văng tên thích khách bị trọng thương còn cố chống đỡ kia, kinh hãi đỡ y:

– Tiên sinh!

Hô xong, nàng kinh ngạc nhìn gã áo đen đã tắt thở dưới đất rồi nhìn Lục Thời Khanh.

Gã áo đen suy cho cùng thế suy sức yếu, một đao ấy đâm ra toàn bộ nhờ vào ý chí chứ không hề mạnh mẽ. Lúc nãy tuy y đưa tay ra chậm nhưng vẫn kịp nắm mũi đao, cùng lắm chỉ cắt bị thương lòng bàn tay thôi.

Nhưng sao y lại phân tâm vào thời khắc mấu chốt?

Lục Thời Khanh choáng váng, vô thức nắm chặt cổ tay Nguyên Tứ Nhàn, nhưng vì biết nàng không thể chịu nổi sức nặng cả người y nên gắng gượng không ngã xuống, mãi đến khi loáng thoáng nghe tiếng bước chân dồn dập, mơ hồ nhìn thấy một bóng người xông tới.

Là Trịnh Trạc chạy tới đỡ y.

Lúc này Lục Thời Khanh mới buông lỏng sức lực gắng gượng chống đỡ toàn thân, mượn lực cánh tay Trịnh Trạc, cắn răng nói với hắn:

– Bảo nàng đi...

Đến nước này rồi mà y vẫn dùng giọng Từ Thiện.

Trịnh Trạc biết y sợ bị trọng thương hôn mê, bại lộ thân phận, hắn nhìn con dao găm cắm trên ngực y, cau mày:

– Ta biết.
Hắn nói với Nguyên Tứ Nhàn rõ ràng bị dọa không nhẹ, môi run run:

– Xe ngựa của huyện chúa ở gần đây chứ?

Mắt Nguyên Tứ Nhàn cứ dán chặt vào con dao trên ngực Lục Thời Khanh, căn bản không nghe rõ đoạn đối thoại ban nãy của hai người, mãi đến khi nghe hai chữ "huyện chúa" mới hoàn hồn, hỏi:

– Ngài nói gì?

Trịnh Trạc lặp lại:

– Ta nói xe ngựa. Tiên sinh bị trọng thương, không thể chịu xóc nảy trên lưng ngựa.

Nàng nghe vậy gật đầu như giã tỏi, nói "tôi đi tìm" rồi xoay người lao nhanh xuống núi.

Đợi nàng đi rồi, Lục Thời Khanh được Trịnh Trạc dìu tới ngồi trước một tảng đá lớn, nhìn chằm chằm hướng Nguyên Tứ Nhàn rời đi, hỏi:

– Thích khách trong núi... xử sạch rồi chứ?

– Sạch rồi, yên tâm.

Đáp xong, Trịnh Trạc cẩn thận xé một góc vạt áo y, tránh động tới chuôi đao, vừa xem xét kỹ thương thế của y vừa nói nhanh:

– Không bị thương chỗ quan trọng, nhưng vị trí hơi hiểm, bây giờ rút đao hơi liều, e thật sự phải đợi nàng ấy tìm xe ngựa tới thôi, ngươi gắng gượng một lát.

Lúc nãy hắn đuổi Nguyên Tứ Nhàn chỉ vì muốn tránh cho Lục Thời Khanh bị lộ, nhưng giờ xem ra, xe ngựa đúng là cần thiết.

Lục Thời Khanh không quan tâm thương thế của mình, ra sức chớp mắt để duy trì tỉnh táo, dặn dò:

– Đi xem tướng chết của thích khách kia...

Ý y chỉ gã áo đen vùng dậy cuối cùng.

Trịnh Trạc hỏi rõ là gã nào, sau đó vội đứng dậy đi xem rồi quay đầu đáp:

– Bị mất máu quá nhiều mà chết. Mặt hướng xuống dưới, hai chân duỗi thẳng, tay trái đặt lên ngực.

Nói xong hình như hắn nhận ra gì đó, bổ sung:

– Đặt ngay vị trí mà ngươi bị thương đấy.

Lục Thời Khanh ho khẽ, yếu ớt nói:

– Đổi tay trái của hắn thành đặt lên lòng bàn tay phải...

Trịnh Trạc vội làm theo, sau đó quay lại:

– Xảy ra chuyện gì?

Kỳ thực lúc nãy hắn đã thấy bất thường. Hắn là người tập võ, nhìn rất rõ một đao kia ra tay rất yếu, lẽ ra Lục Thời Khanh sẽ không trúng chiêu mới phải.

Dao găm vẫn chưa rút, Lục Thời Khanh có thể miễn cưỡng duy trì thần trí, đáp:

– Bình vương nghi ngờ ta...

Khương gia sụp đổ quá gọn gàng mau lẹ, Bình vương phát hiện bên trong có điều bất ổn, nghi ngờ "Từ Thiện" không phải mưu sĩ bình dân, mà rất có thể là một quan chức ẩn náu trong triều.

Đám thích khách này do Bình vương phái tới, mục đích hàng đầu là tiêu diệt "Từ Thiện", thấy kế hoạch thất bại thì chuyển sang mục đích kế tiếp là xác minh thân phận của y.

Gã áo đen kia biết dù mình đánh lén hất được mặt nạ "Từ Thiện", nhìn rõ y là ai cũng không thể còn mạng quay về báo tin, bởi vậy mới chọn để lại vết thương ở nơi lộ liễu trên người y. Gã giả vờ dùng sát chiêu trông có vẻ hung mãnh nhằm ép y thực hiện phản ứng bản năng của con người khi gặp nạn.

Nhưng Lục Thời Khanh lập tức nhận ra, hứng cả đao đó, gã áo đen bèn che ngực trước khi tắt thở, tỏ ý mình đã đâm bị thương vị trí này của "Từ Thiện". Một khi Bình vương phái người đi nhặt xác, nhận được ám hiệu này, có khả năng sẽ truy tìm được Lục Thời Khanh.

Chuyện "Từ Thiện" làm mưu sĩ muốn lộ thì cứ lộ, thậm chí chuyện Nguyên gia và Trịnh Trạc bị chứng minh có dính líu với nhau cũng chưa phải đường cùng, chỉ duy chuyện y tham gia phe phái bị vạch trần thì tất cả mọi công sức nhiều năm ẩn náu, thận trọng từng bước mới đi toang.

May mà hiện tại y để thích khách lưu lại tin tức giả.

Trịnh Trạc nghe xong, nghĩ thông suốt đầu đuôi, thở dài, gỡ mặt nạ y ra, nhìn sắc mặt y tái mét, đầu đầy mồ hôi, ngược lại lại cười:

– Không muốn nàng ấy ở góa thì ráng chống đỡ đi, ngươi mà chết là một xác hai mạng đấy, Lục Tử Chú mất, Từ Tòng Hiền cũng mất nốt.

Lục Thời Khanh phì cười, tỉnh táo như hồi quang phản chiếu:

– Chưa chết được, mạng lớn lắm.

Nói xong, giống như muốn nói chút chuyện gì đó để giữ mình tỉnh táo, y rên một tiếng, hỏi Trịnh Trạc:

– Ngươi nói xem, có phải nàng hơi quá tốt với "Từ Tòng Hiền" không?

Trịnh Trạc nhìn y:

– Không phải đều là ngươi sao? Có gì khác đâu.

– Đương nhiên khác...

Lục Thời Khanh cười mệt mỏi.

Y không phải cứ muốn gây khó dễ bản thân. Mà là y đóng vai lão sư vốn hoàn toàn dựa trên thói quen ngôn ngữ và cử chỉ giọng điệu của lão sư, thậm chí ngay cả sở thích, lý tưởng và cách tư duy cũng vậy. Sau đó tuy vì nảy sinh tình cảm mà mấy lần y bóp méo hình tượng lão sư trước mặt Nguyên Tứ Nhàn, nhưng y thực sự không phân biệt rõ, "Từ Thiện" này rốt cuộc có mấy phần thuộc bản thân y, mấy phần thuộc lão sư. Và thiện cảm của Nguyên Tứ Nhàn dành cho "Từ Thiện" lại rốt cuộc có mấy phần là xuất phát từ y, mấy phần là xuất phát từ lão sư.

Y nhờ vấn đề phiền não này để chống đỡ mí mắt nặng nề, mãi đến khi nghe một tràng tiếng bước chân hoảng loạn mới vực dậy tinh thần, giãy giụa muốn lấy mặt nạ.

Trịnh Trạc đương nhiên nhanh hơn y một bước, gắn mặt nạ lên mặt y với tư thế như muốn hủy dung y, khiến y đau suýt rên thành tiếng.

Nguyên Tứ Nhàn trở về, nàng chạy thở hồng hộc, người chưa tới tiếng đã tới trước:

– Xe... ngựa đến rồi...

Trịnh Trạc dìu Lục Thời Khanh dậy, đi theo nàng xuống núi, đặt y lên xe ngựa.

Kiếm được xe nhanh như vậy, thực ra là nhờ Giản Chi và Thập Thúy. Sau khi Nguyên Tứ Nhàn phi ngựa đi, hai người lập tức chạy tới trạm dịch gần đó lấy ngựa rồi chạy một hơi về bên này. Sơn đạo lên trên có một đoạn gập ghềnh chật hẹp, không đủ cho xe ngựa đi, là ba chủ tớ liều mạng mở đường mới qua được.

Biết Từ Thiện bị thương, hai tỳ nữ vội lấy dụng cụ trong xe ngựa đã chuẩn bị sẵn.

Nguyên Tứ Nhàn thấy vậy cũng muốn vén rèm đi vào, nhưng bị Trịnh Trạc ngăn bên ngoài:

– Ta xử lý vết thương cho tiên sinh, phiền huyện chúa đánh ngựa hộ tống.

Nàng đành nghe lời, gật đầu:

– Vậy ta bảo Thập Thúy giúp ngài một tay.

Trịnh Trạc sợ từ chối nữa sẽ khiến nàng sinh nghi, đành gật đầu đồng ý.

Nguyên Tứ Nhàn sai Giản Chi đánh xe hướng về thành Trường An, còn mình nơm nớp thấp thỏm cưỡi ngựa bên cạnh, lát sau loáng thoáng nghe trong xe truyền ra tiếng kêu rên cực lực kiềm chế, liền theo đó là tiếng sột soạt.

Nàng mím môi không nói một lời nào, dọc đường cứng ngắc giơ roi giục ngựa, mãi đến khi thị vệ của Trịnh Trạc tới đón.

Quyết định này không sai. Xe ngựa của Nguyên gia buộc phải trả cho Nguyên Tứ Nhàn.

Nàng thấy mấy thị vệ khiêng Lục Thời Khanh đã hôn mê lên một chiếc xe ngựa khác, ngập ngừng hỏi Trịnh Trạc sau khi thả rèm xuống:

– Tiên sinh sao rồi?

Trịnh Trạc tay dính đầy máu chưa kịp lau, nói đơn giản:

– Tạm thời không sao, huyện chúa yên tâm.

Nguyên Tứ Nhàn nghe câu "không sao" nhưng cũng không thể nhẹ nhõm, chỉ nhìn tay hắn, miễn cưỡng gật đầu.

Xét theo quan hệ thì Từ Thiện và Trịnh Trạc thân thiết hơn, nàng đương nhiên không thể nói lời nhờ vả gửi gắm. Còn xét theo đại cục thì nàng dù nóng lòng đến mấy cũng không thể tự tay đưa Từ Thiện về thành chăm sóc.

Nàng thực sự không làm được gì cả, cũng không thích hợp làm gì cả.

Trịnh Trạc lúc nãy lo cho Lục Thời Khanh, hoàn toàn không chú ý Nguyên Tứ Nhàn, hiện tại mới phát hiện người nàng nhếch nhác bùn và máu, ngay cả y phục cũng rách mấy chỗ, hắn không khỏi cau mày, thầm than mình bất cẩn, nói:

– Cô mau về phủ đi, có tin tức là ta sẽ lập tức báo ngay.

Nguyên Tứ Nhàn nhìn về phía Lục Thời Khanh, gật đầu:

– Đa tạ điện hạ.

Sau đó xoay người về xe ngựa.

Giản Chi đánh xe về thành.

Nguyên Tứ Nhàn vừa vén rèm vào trong liền ngửi thấy mùi máu nồng nặc, cúi đầu thì bị hai chậu máu loãng làm giật mình kinh hãi.

Thập Thúy đang thu dọn bên trong, thấy nàng tới thì vội dành ra một chỗ sạch sẽ cho nàng ngồi, nói:

– Tiểu nương tử tạm đỡ đi ạ, lúc nãy điện hạ rút đao cho tiên sinh, tình hình nguy hiểm, chỗ nào cũng đầy máu.

Nguyên Tứ Nhàn thẫn thờ ngồi xuống, ừ một tiếng, hình như cũng không quá để ý chút vết bẩn đó.

Thập Thúy đương nhiên biết quan sát, vội an ủi:

– Tiểu nương tử đừng quá lo lắng, tay nghề điện hạ điêu luyện, đã cầm được máu, thị vệ của ngài ấy cũng mang thuốc trị thương đến, có lẽ tiên sinh sẽ không có gì đáng ngại đâu ạ.

Dứt lời, nàng ấy cầm khăn sạch lau mặt cho nàng.

Nguyên Tứ Nhàn để yên cho nàng ấy hầu hạ, qua một lát mới hỏi:

– Thập Thúy, tiên sinh đối xử với ta như vậy, ta có thể cho tiên sinh được gì đây?

Động tác lau của Thập Thúy hơi khựng lại.

Lời của tiểu nương tử, sao Thập Thúy nghe không hiểu chứ. Một người trí tuệ như Từ tiên sinh, sở dĩ hôm nay dễ dàng trúng gian kế của địch, thực ra là vì quan tâm ắt loạn.

Nàng ấy do dự rồi nói:

– Tiểu nương tử, nô tỳ biết lúc này nên khuyên người đừng nghĩ nhiều, nhưng vừa nãy...

Nguyên Tứ Nhàn nghiêng đầu nhìn nàng ấy chăm chú:

– Vừa nãy gì?

– Dạ vừa nãy rút đao xong, tiên sinh hôn mê, lúc hôn mê có nói sảng, hình như là...

Nàng ấy nhăn mặt:

– ...gọi cả họ tên của người ạ.

Nguyên Tứ Nhàn nghe vậy sững sờ, cụp mắt nhìn chằm chằm máu dưới chân không nói một lời.

Lời Thập Thúy nói là sự thật. Chỉ có điều Lục Thời Khanh vì bị trọng thương nên giọng khàn, lại nói mớ mơ mơ hồ hồ bằng âm mũi nên nàng ấy không nhận ra. Có Trịnh Trạc ở đó, đương nhiên không cho gỡ mặt nạ, mà nàng ấy không quen thuộc cơ thể Lục Thời Khanh, bởi vậy lúc giúp đỡ cũng không phát hiện được gì.

Nguyên Tứ Nhàn bận rộn cả ngày, khi về Nguyên phủ đã là hoàng hôn, người mệt lả, sau khi sửa soạn sạch sẽ, nàng ăn vội chút cơm canh rồi đi ngủ. Vừa nằm xuống, trong đầu nàng hỗn loạn rối rắm, làm thế nào cũng không ngủ được.

Đáp án mà trước đây nàng luôn không muốn tiếp nhận vẫn tiến vào đáy lòng nàng không thể tránh khỏi: Từ Thiện đối đãi với nàng quả thực vượt quá mức bình thường.

Trước đây nàng đúng là có vài phần ngưỡng mộ Từ Thiện.

Lần đầu bị y hấp dẫn, là vào ngày xem cờ, nghe y nói về cá tôm Tầm Dương, nói về lý tưởng và hoài bão của y, nàng cảm thấy hâm mộ và kính phục. Sau đó y đến Nguyên phủ dự tiệc, nàng mượn rượu giả điên gỡ mặt nạ y, thấy vết sẹo, biết cảnh ngộ cuộc đời y, nàng thêm hổ thẹn và thương tiếc, không ngại tự khơi lên vết thương lòng để an ủi y.

Chút thiện cảm ban đầu nàng dành cho Từ Thiện kỳ thực không liên quan tới tướng mạo hay tuổi tác, dường như chỉ thuần túy là cảm giác hòa hợp về tâm hồn.

Sau đó Hứa tam nương xuất hiện.

Hứa tam nương mang đến cho nàng cảm giác mất mát, khiến nàng hơi không phân rõ được, rằng cảm giác ngưỡng mộ này chỉ đơn thuần là thưởng thức hay có bao nhiêu phần tình cảm nam nữ không thích hợp bên trong. Cho nên ở bờ sông Lộc, nhìn thuyền ô bồng giữa lòng sông, nàng vô cùng xấu hổ, cũng vô cùng chột dạ.

Sau đó, nàng ghìm cương trước vực, ép bản thân chặt đứt mọi tâm tư với Từ Thiện. Và nàng quả thực làm được. Có lẽ do những tình cảm ấy vốn không tính là tình yêu, hoặc do nàng e ngại Hứa tam nương, hoặc do nàng dần nảy sinh tình cảm với Lục Thời Khanh, hoặc do cả ba điều ấy, tóm lại khi gặp lại Từ Thiện, nàng không còn thảm hại nữa.

Song, ý nghĩ nàng khó khăn lắm mới dẹp đi ấy, lại vì nay biết được tình cảm Từ Thiện dành cho nàng, mà tiếp tục dâng trào.

Nàng không muốn tiếp nhận, rằng Từ Thiện là người đứng núi này trông núi nọ, cũng không cho phép mình làm hạng người sớm nắng chiều mưa, nhưng bây giờ nàng xác thực khó kiềm chế lòng ngổn ngang trăm mối.

Nguyên Tứ Nhàn nằm một lát, nhìn bóng đêm đen kịt bên ngoài, rồi vội vã bật dậy chạy về hướng phường Vĩnh Hưng.

------

Nguyên Tứ Nhàn không tìm Từ Thiện, cũng không tìm Lục Thời Khanh, nàng chỉ ở trong xe ngựa dạo tới dạo lui quanh phường Vĩnh Hưng, cứ đi từ đầu này tới đầu kia như vậy gần nửa canh giờ. Lúc sắp ra khỏi cổng phường, cuối cùng nàng đến Lục phủ, vì đã vào đêm nên nàng không tùy tiện vào, chỉ hỏi hạ nhân trước cổng phủ xem Lục Thời Khanh có nghỉ ngơi chưa.

Lục Thời Khanh sau khi về phủ luôn hôn mê bất tỉnh nên Tào Ám đang chuẩn bị ra ngoài tìm đại phu lần nữa, trong lúc vội vã thì nhìn thấy nàng. Hắn không khỏi kinh hãi, thầm nghĩ chắc sắp tiêu rồi nhưng vẫn bình tĩnh bước tới, tranh nói trước tên hạ nhân không rõ chân tướng kia:

– Huyện chúa tới tìm lang quân ạ?

Nguyên Tứ Nhàn đứng trước cổng không đáp mà hỏi ngược:

– Đang đêm đang hôm, ngươi thế này là đi đâu thế?

Hắn gãi đầu:

– Thưa, tiểu nhân sắp ngủ thì chợt nhớ một chuyện lang quân căn dặn, nên muốn tranh thủ làm nhân lúc trời tối, tránh để ngày mai bị phạt ạ.

Lục Thời Khanh mỗi ngày bộn bề công việc, Nguyên Tứ Nhàn đương nhiên không tới mức chuyện gì cũng hỏi, nàng không quá lưu ý, hỏi:

– Chàng đi nghỉ chưa?

Tào Ám tiếp tục cố dửng dưng:

– Dạ chưa, lang quân vừa lo xong công việc, đang tắm rửa, huyện chúa muốn vào trong đợi không ạ?

Lục Thời Khanh bình thường không ngủ sớm, hắn nói vậy cũng là đánh cược, nhằm giảm đi sự nghi ngờ của Nguyên Tứ Nhàn.

Nàng quả nhiên khoát tay:

– Sắp tới giờ giới nghiêm ban đêm rồi, ta về trước. Ngươi bảo chàng tắm xong nghỉ ngơi sớm, không cần nói ta có tới.

Nói xong, nàng gật đầu tỏ ý cáo từ rồi quay đầu lên xe ngựa.

Tào Ám thầm thở phào, quay đầu đi tới mật đạo mời đại phu do Trịnh Trạc sắp xếp, đến khi tiễn đại phu đi, hắn quay lại phòng ngủ của Lục Thời Khanh, canh gác cho y mà lòng như lửa đốt, không dám chợp mắt một khắc nào.

Chuyện Lục Thời Khanh bị thương, giấu cả với Tuyên thị và Lục Sương Dư nên mấy canh giờ này quả thực hao hết khả năng diễn xuất cả đời của Tào Ám. Y còn không tỉnh nữa thì hắn sắp lo tới mức bạc đầu mất.
Tào Ám mang cái ghế nhỏ qua lặng lẽ ngồi bên giường Lục Thời Khanh, vì y sốt cao chưa hạ nên hắn phải thường xuyên thay khăn đắp trán cho y, mãi tới sau nửa đêm, gương mặt tái nhợt gần như trong suốt của y mới hơi hồng hào, gần tới hừng đông, y mở mắt.

Tào Ám cay mắt, suýt nhào tới như lang sói, Lục Thời Khanh còn yếu ớt giơ một ngón tay ngăn lại:

– Đừng kích động, ta vẫn chưa chết...

Lục Thời Khanh chỉ có một ngày để tĩnh dưỡng, hôm sau tới lượt y theo hầu Huy Ninh Đế, hôm sau nữa lại là ngày lên triều. Y không thể nghỉ ngày nào cả, vì hễ y không lộ diện là có thể khiến Bình vương nghi ngờ.

Cho nên cả ngày nay, Tào Ám phải dùng hết năng lực hầu hạ để chăm sóc y, hận không thể dùng mười hai canh giờ như mười hai ngày, đến hoàng hôn, thấy khí sắc Lục Thời Khanh tốt lên tí, hắn mới dám rời khỏi y một lúc.

Lần rời khỏi ấy là để nhận một phong thư. Đó là thư Nguyên Tứ Nhàn viết cho "Từ Thiện", do người của Trịnh Trạc đưa đến Lục phủ. Sau khi nhận được, lòng hắn không khỏi chùng xuống, chỉ lo bên trong viết những lời yêu đương sến súa chàng chàng thiếp thiếp, khiến lang quân khó khăn lắm mới sống lại lại quay về chỗ chết, bởi vậy hắn lặng lẽ giấu trong tay áo, định tạm thời giấu nhẹm.

Nhưng không ngờ hắn vừa bưng ít cháo loãng quay về phòng ngủ của Lục Thời Khanh thì bị người đang dựa vào thành giường cầm muỗng uống thuốc hỏi:

– Ngươi nói nha đầu kia đêm qua tới à?

Tào Ám khẽ "hả" một tiếng, hơi ngước mắt:

– Dạ phải...

Lục Thời Khanh nhìn phản ứng giật mình thon thót của hắn thì thoáng liếc mắt qua.

Chút khả năng diễn xuất của hắn vô dụng trước ánh mắt hỏa nhãn kim tinh của lang quân, bị uy hiếp nên không dám nhúc nhích tí nào, thế mà vẫn bị phát hiện, Lục Thời Khanh đặt bát sứ xuống "cạch", lạnh lùng nói:

– Lấy thứ giấu trong tay áo ra đây.

Hắn thở dài, đành dâng lên.

Ánh mắt Lục Thời Khanh nhìn vào trên phong bì thì hơi lấp lóe.

Thấy bàn tay tái nhợt của y khựng lại, Tào Ám muốn giật thư về:

– Lang quân, hay là chúng ta đừng xem?

Lục Thời Khanh cũng đang do dự trong lòng, lần đầu tiên trong đời bị một phong thư làm cho sợ hãi, nhưng cuối cùng vẫn đón lấy mở ra, ngồi thẳng người lên xem.

Đúng là nét chữ của Nguyên Tứ Nhàn, đoan chính hơn lối chữ thảo tùy hứng lúc viết thơ tình cho y, nàng viết: "Tiên sinh đài giám (1), thấy chữ như thấy người. Tiên sinh vì ta mà rơi vào tay địch, bị trọng thương hôn mê, lẽ ra ta nên theo hầu bên cạnh, tự mình chăm sóc tiên sinh. Song, vì thời cuộc ép buộc, ta phải bất đắc dĩ tránh lui, thực vô cùng áy náy, chỉ mong khi thư này đến thì tiên sinh đã tỉnh, không bao lâu là có thể bình phục như trước."

(1) Đài giám: mời xem thư, đây là câu mở đầu trong các lá thư thời cổ.

Tay cầm thư của Lục Thời Khanh siết chặt, xem tiếp.

"Tiên sinh vì xã tắc Đại Chu mà nhiều lần dấn thân vào sinh tử hiểm nguy, sự cao cả ấy khiến người ta kính trọng. Ta hận mình tài hèn sức mọn, bởi tấm thân này cản trở mà không thể lên được triều đình, trừng gian trị ác, đồng tâm đồng lực với tiên sinh và các chí sĩ trong thiên hạ, để cùng cứu vớt lê dân bá tánh, trả cho Đại Chu một giang san thanh bình trong sạch."

"Ước muốn của ta, ta lực bất tòng tâm, nên chỉ giãy giụa cầu sinh giữa chốn quan trường chìm nổi, mong rằng nó không bị cuốn trôi giữa dòng thác dữ, không bị mục rữa bởi kẻ bất tài, không bị dao đá mài mòn, trái tim son sắt không dễ dàng thay đổi, chỉ vậy mà thôi."

Lòng y đắng chát, lật tờ giấy qua xem tiếp.

"Tình cảm của tiên sinh, lòng ta đã tỏ, song đời này không thể đáp lại. Ta cũng không hứa hẹn kiếp sau. Lời hứa xa vời khó lòng thực hiện, ngắn ngủi sớm chiều còn biết đâu lường, sao luận bàn đến chuyện sau trăm tuổi?"

"Ta trằn trọc suy nghĩ suốt đêm, chỉ nghĩ được một chuyện có thể báo đáp lại tiên sinh, là từ nay về sau, ta sẽ xem ước nguyện của tiên sinh là ước nguyện của ta, xem chí hướng của tiên sinh là chí hướng của ta. Nếu có một ngày, tứ vực cương thổ có đất cho ta dụng võ, thì dù trời nam biển bắc, chân trời góc biển, ta cũng đi. Ta đã phụ tiên sinh, chỉ mong, không phụ bá tánh muôn dân trong lòng tiên sinh."

"Thư ngắn ý dài, vô vàn lời muốn nói. Thời cuộc rối ren, tứ phương đều là địch, vạn mong tiên sinh trân trọng bản thân mình. Tứ Nhàn cẩn khải. (2)"

(2) Cẩn khải: kính cẩn giãi bày, đây là câu cuối trong các lá thư cổ đại.

Đọc thư đến cuối cùng, Lục Thời Khanh đờ đẫn.

Tào Ám thấy vậy vội hỏi:

– Lang quân, thư viết gì ạ?

Lục Thời Khanh cực kỳ chậm rãi chớp mắt, tựa như chấn động quá lớn, nhất thời không thốt nên lời.

"Từ Thiện" thực ra chưa từng tỏ rõ thái độ với Nguyên Tứ Nhàn, nhưng nàng xác định chính là xác định, không hề nhu nhược trốn tránh, cũng không cẩn thận hỏi dò, trả lời đầy gọn gàng dứt khoát. Tới nỗi Lục Thời Khanh căn bản chưa bao giờ nghĩ tới, khi y nhịn đau chuẩn bị hết thảy, nhìn nàng bày tỏ với "Từ Thiện", thì thứ xuất hiện trước mắt y lại là một lá thư từ chối.

Y không thể không kinh ngạc.

Kinh ngạc bởi sự hào hiệp của nàng, sự quyết đoán của nàng, sự thẳng thắn của nàng. Kinh ngạc bởi lòng dũng cảm đặt chí trên cương thổ quốc gia của nàng. Kinh ngạc bởi nàng đem nhi nữ tình trường gói vào lòng yêu nước bao la.

Khoảnh khắc ấy, y dường như không phải Lục Thời Khanh, mà là Từ Thiện bị nàng lựa chọn phụ tình trong thư.

Y không thấy mừng cho Lục Thời Khanh vì thắng lợi trong hôn ước, mà đau lòng, cực kỳ cực kỳ đau lòng.

Y chợt rất muốn gặp nàng.

Sau khi trầm mặc rất lâu, Lục Thời Khanh mở miệng:

– Giúp ta đi đến Nguyên phủ một chuyến.

Tào Ám kinh hãi, thế này là sao, muốn hủy bỏ hôn ước à?

Hắn nói:

– Lang quân, có được hôn ước không dễ, ngài đừng nghĩ không thông!

Lục Thời Khanh nhìn hắn:

– Nói với Nguyên Tứ Nhàn là ta bệnh, bảo nàng sờ lương tâm xem có quyết định muốn đến thăm ta hay không.

Tào Ám "hả" một tiếng:

– Không phải... lang quân, ngài chuẩn bị ngửa bài à?

Dứt lời, hắn lẩm bẩm:

– Ngửa bài cũng tốt...

– Ai nói ta muốn ngửa bài?

Lục Thời Khanh ngắt lời hắn:

– Muốn ngửa bài cũng không phải bây giờ.

– Bây giờ có gì không ổn? Tiểu nhân thấy ngài thực khổ quá.

Lục Thời Khanh thở dài, cục diện rối rắm "Từ Thiện" này khơi mãi không thể dập, đích thực cần mau chóng giải quyết, qua lá thư này, y đã bắt đầu cân nhắc đến việc thẳng thắn, nhưng tuyệt đối không phải hiện tại.

Y giải thích:

– Ngươi cảm thấy trong mắt Bình vương, quan hệ giữa Nguyên Tứ Nhàn và "Từ Thiện" thế nào?

Tào Ám đáp chắc nịch:

– Qua chuyện hôm qua, đương nhiên đã thành sinh tử chi giao.

– Vậy Bình vương cảm thấy quan hệ giữa Nguyên Tứ Nhàn và ta thế nào?

– Ngài và huyện chúa là phu thê chưa cưới, lại từng cùng bầu bạn dọc đường xuôi nam, đương nhiên cũng thân thiết.

Lục Thời Khanh gật đầu:

– Vậy thì đúng rồi.

Tào Ám chợt hiểu. Kỳ thực dù lang quân đã lén tráo tin của thích khách nhưng điều hôm qua Từ Thiện làm cũng khó tránh khiến Bình vương liên tưởng đến y.

Lục Thời Khanh giải thích:

– Bình vương chưa tới mức trực tiếp nghi ngờ ta, nhưng khó tránh sẽ có thăm dò, cho nên thời gian này tất nhiên sẽ liên hệ với Nguyên Tứ Nhàn. Nàng không biết gì cả mới là tốt nhất, an toàn nhất. Chờ nguy cơ lần này qua đi, ta sẽ tìm cơ hội nói rõ với nàng. Còn bây giờ...

Y nhìn Tào Ám, lạnh lùng nói:

– Lập tức cho nàng biết, ta bị phong hàn, mau.

Tào Ám thấy y mất kiên nhẫn thì vội quay đầu định đi làm nhưng vừa dợm bước lại nói:

– Lang quân, phòng của ngài có thể thu dọn ổn thỏa không lộ sơ hở, nhưng sắc mặt này của ngài đâu phải sắc mặt người bị phong hàn, ngài đừng...

Đừng nghịch mà.

Lục Thời Khanh sầm mặt, lạnh lùng nói:

– Hỏi Sương Dư lấy ít son phấn tới, phải là loại không có vị, thoa lên trông như không thoa ấy.

– ...

Lục Thời Khanh bảo rằng đây là lần tập luyện, chỉ khi không lộ trước mặt Nguyên Tứ Nhàn thì sau này mới có thể qua ải. Tào Ám giả vờ không hiểu tâm tư y, giật giật khóe môi làm theo.

Lúc Nguyên Tứ Nhàn vội vã tới, Lục Thời Khanh đang quấn chăn nằm trên giường, mùi máu toàn thân đã không còn, thuốc trị thương cũng bị mùi thuốc nồng nặc át mất, băng được giấu trong y phục, khí sắc, thậm chí cả màu môi đều hoàn mỹ.

Nguyên Tứ Nhàn vội tới trước giường y:

– Sao thế này, hôm trước còn đang ổn cơ mà?

Nàng sờ trán y, vừa sờ thấy nóng bỏng thì không lạ:

– Lục Thời Khanh, sao chàng cứ hai ba ngày là bị phong hàn thế?

Cảnh y bị phong hàn nằm trên giường lần trước, nàng còn rõ mồn một đây này.

Lục Thời Khanh khẽ ho hai tiếng, thần sắc hơi đau đớn. Cơn ho tác động tới vết thương, y đau thật, cũng thực sự chưa hoàn toàn hạ sốt, nên hầu như không quá diễn cũng trót lọt.

Y yếu ớt nói:

– Sao nàng tới đây?

Nguyên Tứ Nhàn nghẹn:

– Không phải chàng sai Tào Ám tới tìm ta sao?

Đêm qua nàng vì chuyện Từ Thiện mà trắng đêm không ngủ, rạng sáng mới đưa ra quyết định dứt khoát chặt đứt, sáng sớm viết thư xong đưa đi, lòng nàng cuối cùng cũng dễ chịu chút, vốn định hoàng hôn sẽ dùng bữa rồi đi ngủ sớm, không ngờ lúc nãy Tào Ám gấp gáp cứ như Lục Thời Khanh sắp chết tới nơi, nàng liền vội vã chạy qua.

Lục Thời Khanh lắc đầu ra hiệu không có:

– Là hắn tự làm đấy.

Nguyên Tứ Nhàn không hiểu nổi hai chủ tớ họ, nhưng nàng đã tới thì cũng chăm sóc y giống lần trước, không để y lưu lại mầm bệnh, khiến sau này cơ thể thường xuyên yếu ớt.

Nàng đi chung quanh vài lần, vắt khăn đắp lên trán y, nhìn y co rúc trong góc giường, hỏi:

– Chàng quấn kín thế làm gì, như vậy không dễ giải nhiệt mà?

Lục Thời Khanh đương nhiên là sợ lỡ vết thương lộ sơ hở, bèn viện cớ:

– Ta lạnh.

Nguyên Tứ Nhàn chưa từng bị phong hàn, không rõ có nên bịt kín hay không, nghe vậy do dự:

– Thế...

Nàng vừa dứt lời thì bị Lục Thời Khanh duỗi tay từ trong chăn ra kéo qua.

Nàng ngã xuống giường y, dùng khuỷu tay chống mình lên theo bản năng, dường như bị ngã ngu người, ngơ ngác cúi đầu nhìn y:

– ...Làm gì đó?

Lục Thời Khanh đúng là muốn làm gì đó, tiếc là lần dùng lực này kéo theo tổn thương gân cốt, y cố nhịn cơn đau nơi vết thương, bình tĩnh nói:

– Giường trống quá, mượn nàng chắn ít gió.

– ...

Nguyên Tứ Nhàn đang ở tư thế nghiêng người xinh đẹp được gọi là "chắn gió", thấy mình mang ủng lên giường y thì kinh ngạc nói:

– Lục Thời Khanh, ta chưa tắm rửa, cũng chưa cởi giày, chàng bị sốt choáng váng, không lên cơn sạch sẽ nữa à?

Lục Thời Khanh nghe vậy nhìn giày của nàng, đau đầu nói:

– Ta quên, nàng không thể tự cởi sao?

Nguyên Tứ Nhàn cười giễu y, chống cánh tay dậy:

– Hay dịch tảng đá tới chắn gió cho chàng nhé?

Lục Thời Khanh càng đau đầu, đành đưa tay giữ cánh tay nàng, cau mày:

– Nguyên Tứ Nhàn, nàng không hiểu thật hay giả vờ không hiểu?

Nàng dừng động tác, quay đầu nhìn y.

Nàng đương nhiên hiểu, như vậy mà còn không hiểu chẳng phải là đầu đất sao? Nhưng y nổi điên gì thế, tuy đã định hôn ước nhưng đâu thân thiết tới mức lăn lên chung giường.

Chắc là nam nhân khi bệnh đặc biệt yếu đuối, đặc biệt cần vị hôn thê quan tâm nhỉ. Nguyên Tứ Nhàn thầm nghĩ thế.

Nhưng nàng tin Lục Thời Khanh luôn sĩ diện, trong ngoài bất nhất, miệng cứng hơn đá chắc chắn sẽ nhượng bộ, tuyệt đối sẽ không nói ra ý đồ thực sự, cho nên nàng kiên trì giả ngu:

– Ta phải hiểu gì?

Không ngờ thái độ y lại khác thường như uống lộn thuốc, nhìn chằm chằm nàng nói:

– Ta không khỏe, muốn nàng ngủ cùng ta một lát.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top