ZingTruyen.Top

Xay Ho Ban Nguyet

Chương 21.2:

Mỹ Tho, năm 1910.

Nắng chiều đổ xuống góc sân nho nhỏ, rưới lên những hạt lúa chín vàng ươm cái oi ả của trời hè. Những tàu chuối non xanh mướt rũ xuống như tấm mành, có đàn gà lấp ló đằng sau, mắt láo liên coi trước ngó sau, gà trống đầu đàn ngóng cổ trông về chiếc võng mây, cậu Hai đang ngồi gảy đàn kìm, ngâm nga Lục Vân Tiên.

"Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ

Dốc lòng nhơn nghĩa, há chờ trả ơn

Nước trong rửa ruột sạch trơn

Một câu danh lợi chi sờn lòng đây

Rày doi mai vịnh vui vầy

Ngày kia hứng gió, đêm này chơi trăng."

Nằm ở dưới võng là con chó có bộ lông màu lửa, đầu đung đưa theo nhạc nhưng mắt vẫn sắc lẻm, nhe hàm răng nhọn hoắt, sẵn sàng cắn chết đứa nào dám rớ mỏ mổ lúa.

"Chà, khát nước quá." Sang ho khục khặc trong cổ họng. "Đi uống miếng nước đã."

Anh khom xuống rờ đầu con chó:

"Cậu đi uống miếng nước, Lài ngồi đây canh lúa giùm cậu nha."

Lài đứng dậy ngay, ngoe nguẩy cái đuôi. Sang vịn dây võng đứng dậy, tập tễnh bước từng bước vào trong, hồi hôm qua anh gặp tai nạn nhỏ nên giờ chân phải bó thuốc, muốn đi đâu là phải chống nạng hoặc là vịn tường mà đi. Lài kêu ư ử, muốn theo làm tay vịn, hoặc lỡ chủ có ngã xuống thì cũng có nó tới liếm cho, nhưng chủ đã dặn phải canh lúa, nó lắc đầu, quay lại canh lúa.

Một chàng gà chọi lông bóng lưỡn, ưỡn ức xông ra, nghênh ngang đến sân lúa vàng ươm, nhưng đó chẳng phải chuyện dễ dàng như chàng ta nghĩ, móng gà còn chưa rớ được cái bạt đựng lúa thì đã bị chó rượt chạy thục mạng.

Chiều tà là cái giấc để nghỉ ngơi, để thả dài sự lười nhác sau một ngày làm việc vất vả, con sông sau nhà ông Phạm Lang cũng đã chảy chậm lại rồi, nhưng con chó kia vẫn vô cùng cần mẫn, đã rượt kẻ trộm lúa là phải gặm đứt mấy cái lông đuôi mới hả dạ. Gà chọi là giống gà cao quý, được tưng tiu từng cọng lông, cái cựa, ăn toàn cao lương mỹ vị trong giới gà, nên cọng lông đuôi của nó cũng mướt rượt, nhìn phát là biết ngay. Khi thấy lông đuôi gà trong kẽ răng con chó, cậu Hải, người cậu đầu của Sang, choáng váng mặt mày.

"Sang! Sang! Mày ra đây cho tao!"

Sang chưa hớp được miếng nước trà nào đã phải lắc nhắc đi ra và chứng kiến một màn kỳ khôi, cậu Hải ôm con Điều chạy vòng vòng quanh sân lúa, con Lài rượt sát nút đằng sau, miệng con Lài ngậm một chiếc guốc, cùng cặp với chiếc guốc độc nhất mà cậu Hải đang mang. Chạy tụt guốc là có thật.

"Sang! Mày làm gì coi!"

"Lài! Ngưng đi con!"

Sang huýt sáo kêu con Lài dừng cuộc đồ sát. Con Điều chạy vọt qua hai chân cậu Hải, nhảy tót vào chuồng, run lập cập, còn con Lài thì nhả chiếc guốc xuống đất, trở về bên chủ. Sang nhặt guốc lên, để dưới chân cậu Hải:

"Cậu mang guốc vô đi, mặt sân nóng lắm."

"Sang..." Cậu Hải thở hồng hộc, lập cập xỏ guốc vào chân. "Chó mày... chó mày... Mày tìm ở đâu ra con chó thấy ghê vậy?"

"Cậu, có gì từ từ nói."

"Từ từ cái gì mà từ từ! Chó mày nuôi táp con Điều đứt đuôi kìa!" Rồi cậu Hải rú lên hãi hùng, như con mình rứt ruột đẻ ra vừa bị con Lài táp vào mặt. "Mày có biết đây là gà quý gà yêu của tao không hả? Ba chỉ vàng của tao chứ ít gì!"

Sang gãi gãi mũi:

"Dạ, con kêu con Lài canh lúa, chắc là gà nhà cậu mổ trộm nên nó mới rượt, đứt mấy cái lông đuôi thôi mà. Gà đá thì đá bằng móng bằng cựa chứ có đá bằng đuôi đâu mà, cậu ha."

"Mày hay quá ha! Chó của mày mà bị gà tao mổ sưng chân thì mày có điên tiết lên không?"

"Thôi mà cậu." Sang cười giả lả. "Nể tình hôm qua nhờ con Lài mà cậu mới rước con Điều từ ruộng về được, bỏ qua cho nó một lần đi."

Anh nói rồi sờ xuống cái chân bị bó thuốc, mặt nhăn như khỉ ăn ớt, cậu Hải cũng không nỡ la, hôm qua con Điều xổng chuồng, chạy băng băng ra ruộng, thằng Hai phải đạp xe đạp đi tìm với con Lài, do trượt chân té đường mương nên chân mới bị trặc, phải bó thuốc như vầy.

"Thôi, cậu cũng có phần lỗi, biết hai đứa nó không hạp mà cứ thả rông con Điều." Cậu Hải chốt chuồng gà thật chặt, thì thầm mấy lời với đứa con cưng. "Ở yên đó nha con, không thì ngày mai mày vô nồi cháo đó."

"Hai à, vô ăn cơm đi con." Tiếng ông Lang ở trong nhà vang ra.

"Dạ. Con vô trước nha cậu."

"Ờ."

Sang tập tễnh đi vô, vẫy kêu con Lài cùng theo. Nhà giữa đang dọn cơm chiều, giải cái nóng ngày hè bằng tô canh tập tàng nấu với tôm cùng vài ba trái xoài non, kẻ ăn người ở sắp cơm canh, chén đũa, thằng Hiếu để thêm cái chén ở dưới ghế cậu Hai hay ngồi.

"Bữa nay má cho cậu cháu mình ăn tép nè, Lài thích hôn?" Sang vò quả đầu lông ngắn cũn cỡn của chú cún nhỏ rồi để vào chén của nó mấy con tép.

Bà Lan nhìn đến ngán ngẩm nhưng chán nói rồi. Từ ngày thằng Hai rước con Lài – con chó đực, giống Lài, chứ không phải một đứa con gái nào đó – từ Huế về đây, luôn tay luôn chân săn sóc, nuông chiều, không cho cơm gà cá gỏi nhưng lúc nào cũng sẻ nửa bát cơm, chú ý từng hột cơm, miếng thịt, nuôi thúc nuôi thúc như thế nên con Lài mới ba tháng tuổi mà đã lớn bổng, gà đá nhìn còn sợ. Bà Lan chỉ ước gì, mơi mốt đây nó cưới vợ rồi đẻ con, cũng chăm mấy đứa nhỏ kỹ lưỡng như chăm thằng Tài với con Lài – con chó giống Lài.

"Con cưng nó như vầy, mai mốt qua bên Tây rồi thì sao? Ai chăm nó cho nổi." Bà Lan chống hông nhìn con Lài gầm gừ mấy đứa ở trong nhà dám xớ rớ tới chủ nó, rồi bóp trán đầy bất lực. "Mà ai có dám chăm nó?"

Sang mỉm cười, gãi hai tai nó rồi lần xuống cổ nó:

"Má đừng lo, trước khi đi thì con sẽ gởi nó ở nhà ngoại."

"Cậu Hải con không dám nhận nó đâu." Ông Lang đỡ ba mình ra bàn cơm, tiện thể liếc người anh vợ ngồi thu lu bên chuồng gà, trong lòng thấy hả hê vô cùng, cuối cùng ông cũng tìm được khắc tinh của con gà kia ngoài con dao phay và nồi cháo.

Hai tía con Hương sư họ Phạm đồng điệu với nhau dữ lắm, Sang cũng lén nhìn ra chuồng gà, rồi cười tới mức híp mắt lại, cũng đáng cho cái chân bị trặc của anh lắm.

"Dạ không có. Con nói gởi nhà ngoại là gởi bên ngoại của nó ở ngoài Huế. Bạn con chăm nó hồi mới lọt lòng lận, nên con cũng an tâm."

"Được không vậy?" Ông Năm biết sơ tính nết của Tĩnh là khá nghiêm khắc, trong khi con Lài lại được thằng cháu nhà ông chiều chuộng hết cỡ.

"Dạ, con hỏi rồi, bạn con cũng ừ rồi nội." Sang mặc tình cho con Lài chồm lên liếm mặt, còn ra mặt cưng chiều, vuốt ve phần lông quanh cổ của nó. "Ăn cơm xong cậu dẫn Lài đi chơi, ha."

Xẩm tối đó, Sang xách cần câu với cái nơm, dắt con Lài ra ruộng câu cá, ráng chiều hồng nhạt cùng với gió hạ cái nhiệt đầu hè xuống mấy bậc. Sang thả dây câu bên sông rồi lặng nhìn cảnh vật quê mình, nó đẹp như tranh vậy. Con Lài ngồi nghiêm cẩn bên chân anh, cặp mắt bén ngót chăm chú trông chừng người chủ, oai vệ chẳng khác chi vệ sĩ gác cổng phủ quan lớn. Sang cười, vò đầu nó:

"Đi một vòng cho đã đi con, cậu ngồi đây chờ."

Con Lài với Sang nhìn nhau rất lâu, anh phải gật đầu tới ba lần thì nó mới ngoáy đuôi chạy cái vèo, cu cậu băng băng trên đường ruộng, hú to lên. Nó chạy hai ba vòng lại về bên anh, miệng ngoạm con cá tươi roi rói, thả vào giỏ chủ.

"Nhiêu đây đủ để mai ăn cơm rồi. Má có cho cậu cháu mình một con thì cậu phần đuôi, Lài phần đầu nha."

Lài sủa hai tiếng gâu gâu, đuôi ngoáy tít. Sang gồng mình cầm chặt cây nạng gỗ, rướn lên, con Lài nín thở trông chừng, thấy cả hai chân anh đã vững thì mới an tâm. Chủ tớ đi dọc trên bờ sông, đón chút gió sông tiết hè, chủ ngâm nga, tớ tru lên hoà điệu, Sang thấy cũng không khác chi mình được tay sáo điệu nghệ đệm giúp.

Về nhà, tía anh báo có thư gửi tốc hành từ thành phố.

"Của ai vậy Hai?"

"Dạ, của thầy con đó tía."

Sang coi sơ qua nội dung bức thư khẩn rồi chắt lọc mấy chuyện để thuật lại cho tía mình nghe, chủ yếu là kết quả cuộc khảo sát chuyện áp dụng luật mẫu quốc cho thuộc địa, các thông tin có vẻ được sắp xếp tốt quá thể đáng, may mà thầy tinh mắt, vẫn tìm được sự thật.

Sang lỡ miệng đọc luôn đoạn thầy rủ anh qua Pháp sống luôn, để tài năng không bị thui chột, anh đọc đến câu thứ hai, thấy ông Lang biến sắc thì ngưng bặt, nhưng có vẻ như đã muộn rồi.

"Hai à, con thiệt tình không tính qua Tây hay là lên Sài Gòn làm cho ông ngoại hở? Nghề thầy kiện ở đây đâu có bao nhiêu đất sống đâu..."

"Dạ không, tía." Sang dứt khoát trả lời. "Từ đầu con đã muốn vậy rồi. Con muốn ở lại đây phụ tía với má, con đi học cũng là để phụ tía má chuyện kiện tụng mà." Anh ngừng một chút, lại nói. "Con ở bên Tây với Sài Gòn được, nhưng con không thích."

Ông Lang thở dài, biết ý thằng Hai đã quyết thì khuyên can thế nào cũng vô ích. Ông nói thêm với thằng Hai dăm ba câu nữa rồi kêu con vô nghỉ sớm để sáng mai còn lên xe lửa ra ngoải.

Sang dẫn con Lài ra sau nhà, tắm táp cho nó lần nữa rồi đem vô phòng. Còn có ngày hôm nay thôi, sáng mai anh sẽ đưa nó ra Huế gửi cho Tĩnh trông chừng, nhà người ta khó khăn, nghiêm khắc, anh chiều cu cậu nốt ngày nay thôi, coi như bù đắp, đặc cách cho nó ngủ trên giường anh thay vì ổ trong góc phòng.

"Lài ở yên trên giường nha, để cậu làm công chuyện." Sang xoa đầu chú chó cưng, hài lòng khi cu cậu ngoan ngoãn nép sát người trong góc, im lặng trông chủ làm việc.

Anh đọc nốt phần còn lại của bức thư. Thầy của anh đề cập tới phiên toà xét xử cụ Phan Châu Trinh, lưu ý những chuyện khuất tất trong đó, ông bảo rằng khi về Pháp sẽ liên hệ với các bạn để làm cho rõ những khuất tất ấy. Ông muốn anh phụ giúp ông một tay.

Sang gấp lá thư lại, cất vào chiếc cặp da – chiếc cặp anh dùng để đựng những tài liệu quan trọng, ở trong đó cũng có cuốn sổ ghi chú về những vụ tranh chấp đất đai. Anh lục tìm trong sổ xem có thông tin nào hữu ích để giúp nghĩa sĩ vĩ đại của nước Nam hay không. Lá thư phúc đáp thầy mà Sang ghi chằng chịt như mật ngữ, chi chít những phương án tháo gỡ án tù cho cụ.

Là dân nước Nam, anh muốn làm cho vĩ nhân nước Nam điều gì đó.

Bạn đang đọc truyện trên: ZingTruyen.Top